Làm thơ, viết chữ, vẽ, chơi nhạc…. – chúng có thể làm được bất cứ thứ gì mà bạn nghĩ ra
Robot vẫn chưa thống trị thế giới của loài người, nhưng nếu nhìn lại quá trình tiến hóa của chúng, có lẽ ngày đó không còn xa. Robot thống trị có thể là mối lo của thời kì hiện đại, nhưng robot đã tồn tại từ hàng trăm cho tới hàng ngàn năm trước rồi.
Có thể bạn cho rằng robot và các máy móc tự vận hành là các công nghệ hiện đại. Nhưng thực chất, các nhà khoa học từ những năm 1700 hay thậm chí sớm hơn thế đã chế tạo ra các bộ máy có những khả năng như vậy.
Cho đến hiện giờ, số lượng robot trên thế giới đã đạt tới con số hàng triệu. Chúng bao gồm tất cả các loại robot công nghiệp thực hiện các nhiệm vụ phức tạp và mất thời gian, cũng như những công việc đơn giản như quét nhà, cắt cỏ. Chúng giúp loài người khám phá vũ trụ, trở thành vũ khí chiến đấu trên bầu trời, thậm chí còn hỗ trợ các bác sĩ phẫu thuật với những kĩ thuật đòi hỏi độ chính xác cao.
Tất cả những công nghệ tiên tiến đó đều có nguồn gốc từ những thiết bị xuất hiện rất lâu trước khi bạn ra đời.
1. Nhà văn, Người phác thảo và Nhạc sĩ
Nhắc đến công nghệ từ hai Thế kỷ trước, ta thường tưởng tượng ra hình ảnh những quả bóng kim loại và Những chiếc thuyền bơi bằng sức gió. Nhưng vào năm 1774, nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ là Pierre Jaquet-Droz và 2 người con trai của ông, Henri-Louis và Jean-Frederic Leschot, đã hoàn thành 3 cỗ máy tự vận hành vô cùng phức tạp.
Ba cỗ máy này được gọi là Nhà văn, Người phác thảo và Nhạc sĩ. Cả 3 cỗ máy đều cấu tạo từ những chiếc bánh răng cưa.
Cỗ máy Nhà văn có khả năng viết các câu văn thông thường thành một câu chuyện kỳ thú. Cơ chế hoạt động của con búp bê này là nhúng bút vào mực, vẩy hết phần mực thừa rồi viết các câu văn theo lệnh bằng chữ viết tay đẹp hoàn hảo.
Người phác thảo, dưới hình hài 1 đứa trẻ, là robot có khả năng vẽ. Nó có thể vẽ nhiều loại tranh như phác thảo 1 chú cún, 1 con mèo. Đồng thời nó cũng có khả năng tự thổi bụi khỏi bức tranh của mình.
Nhạc sĩ là một con búp bê nữ. Để hoàn thành cỗ máy với hơn 5000 chi tiết này, 3 nhà sáng chế đồng hồ đã mất đến 10 năm trời. Nhạc sĩ có thể chơi những bài hát dài 45 giây. Những ngón tay tí hon của nó có thể chơi các phím trên chiếc đàn clavichord. Thậm chí, nó còn có thể có những biểu đạt tinh tế hơn: ngực của búp bê Nhạc sĩ mấp mô theo nhịp thở; mắt nhìn theo ngón tay; và luôn cúi chào mỗi khi đánh xong 1 bản nhạc.
Hiện nay, 3 cỗ máy này được bảo tồn tại viện bảo tàng Neuchatel, Thụy Sĩ. Nếu có cơ hội đi du lịch Thụy Sĩ, đừng quên tận mắt chiêm ngưỡng 3 kì quan công nghệ.
2. Cỗ máy Vaucanson
Sơ đồ hoạt động bên trong con vịt Vaucanson.
Vào năm 1738, nhà sáng chế người Pháp, Jacques de Vaucanson, cho ra mắt cỗ máy tự vận hành, một tuyệt phẩm trong sự nghiệp của ông. Cỗ máy này không thổi kèn hay chơi tambourine giống như những sáng chế trước đó của ông, mà là một con vịt biết ăn cỏ và thải ra phân.
Cỗ máy biết tiêu hóa này có hơn 400 chi tiết cấu tạo ở mỗi bên cánh. Nó có thể duỗi cánh, bẻ cổ, nằm xuống, uống nước và ăn cỏ. Và, sau đó vào phút nó sẽ thải lượng thức ăn đó ra.
Thời đó người ta cho rằng con robot Vaucanson có hệ thống tiêu hóa của 1 con vịt thực sự. Nhưng thực chất là trong cơ thể con vịt này có 1 khoang đã chứa sẵn phân thật rồi. Khi sự thật lộ diện, đã có không ít tiếng tăm xấu về sáng chế của ông lan truyền.
Xét cho cùng thì con vịt đồng mạ vàng này vẫn là một công trình khoa học có ý nghĩa về mặt cơ khí. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, cỗ máy Vaucanson đã biến mất và chúng ta không còn cơ hội để chứng kiến công trình khoa học này nữa.
3. Chim bồ câu Archytas
Archytas, nhà phát minh cỗ máy tự vận hành đầu tiên của thế giới.
Robot chim bồ câu của Archytas được ra đời tại Tarentum, Hy Lạp vào 350 năm trước công nguyên.
Archytas là một người đàn ông thông minh, với niềm đam mê toán học, thiên văn học, chính trị và các ngành khác nữa. Một vài nhà sử học cho rằng ông chính là người sáng lập ngành chế tạo cơ khí.
Các bằng chứng xác thực về chú robot này là vô cùng khan hiếm. Nhưng theo các ghi chép cổ đại, ông đã vận dụng kiến thức để làm một con chim bồ câu bằng gỗ có thể bay hàng trăm mét trên không.
Cơ chế hoạt động của con chim này có thể là nhờ khí nén hoặc hơi nước. Một số người suy đoán cho rằng con chim bồ câu này hoạt động thông qua một hệ thống ròng rọc và đối trọng để nhảy từ vị trí thấp đến một vị trí cao hơn.
Huyền thoại về sức mạnh công nghệ của Archytas và chim bồ câu bằng gỗ của ông đã tồn tại qua nhiều thế kỷ.
4. Chú sư tử máy của Leonard de Vinci
Da Vinci được biết đến với các nghiên cứu về giải phẫu học và các sản phẩm chế tạo máy móc. Cũng không ngạc nhiên khi ông có thể tạo ra một cỗ máy tự vận hành.
Vào đầu những năm 1500, Leonardo Da Vinci đã hoàn thành cỗ máy tự vận hành cho nhà vua Francois Đệ I ở những năm cuối cuộc đời của ông. Và vị hoàng đế đã không phải thất vọng với món quà này.
Ông chế tạo 1 con sư tử máy có khả năng tự đi lại. Sau đó, từ ngực con sư tử, một bông hoa bách hợp cách điệu, biểu tượng tôn vinh chế độ quân chủ Pháp, sẽ bật ra.
Không quá ngạc nhiên khi cỗ máy này bị phá hủy ở thời đó. Vào năm 2009, một người thợ cơ khí tên là Renato Boaretto đã chế tạo 1 con sư tử cho riêng mình, lấy nguồn cảm hứng từ cỗ máy tự vận hành của Da Vinci. Con sư tử của người thợ này có thể tự đi, vẫy đuôi, há mồm, và không thiếu bông hoa bách hợp cách điệu trong ngực.
5. Chú robot Elektro
Nếu nghĩ đến những thành tựu về robot thuộc thế kỷ 20, có lẽ Elektro sẽ là cái tên được nhắc tới đầu tiên.
Elektro được sản xuất bởi công ty Westinghouse với mục đích quảng bá công nghệ tiên tiến của công ty. Năm 1939, Elektro được trưng bày tại Hội chợ Thế giới ở New York, và nó đã nhanh chóng thu hút mọi sự chú ý của khách thăm quan. Y như một diễn viên hài thâm niên, chú robot này có thể thổi bóng, kể chuyện cười, và hút thuốc. Nó còn có thể cử động tay, đi lại. Ấn tượng hơn, mắt của con robot này có thể phân biệt được màu đỏ và xanh lá.
Bước vào Thế chiến thứ 2, mối quan tâm của dư luận dành cho Elektro dần phai nhạt. Sau này, người ta đã tìm lại con robot này và tân trang nó.
Chú robot này xuất hiện trong bộ phim “Sex Kittens Go to College” và thậm chí còn tham gia tour lưu diễn quốc tế. Hiện nay, Elektro đang được trưng bày tại Bảo tàng Mansfield Memorial ở Ohio.
6. Chú chim đại bàng của Konigsberg
Vào giữa những năm 1400, Johannes Muller von Konigsberg, người thiết kế chữ viết Latin Regiomontanus, đã làm vạn người dân Đức choáng ngợp bởi trí tuệ của ông. Ông là một chuyên gia trong các lĩnh vực chiêm tinh học, văn học, thiên văn học và toán học. Và với lượng kiến thức đó, ông áp dụng nó trong công trình lượng giác, các bảng thiên văn, và trong việc xây dựng một cỗ máy tự vận hành.
Đã có rất nhiều tư liệu sử ghi chép về công việc của ông. Nhưng những chi tiết xác thực thì vô cùng thưa thớt. Theo đó, ông đã chế tạo một con robot đại bàng có thể bay về phía vị hoàng đế đang tiến cung, chào ngài và sau đó cùng ngài bước vào thành phố.
Vị hoàng đế lập tức bị ấn tượng bởi con robot đó. Đổi lại, Regiomontanus đã được biết đến như một trong những thủy tổ của ngành công nghiệp chế tạo robot.
7. Chú robot có khả năng tự thổi sáo
Bức tranh vẽ 3 con robot tự vận hành của nhà sáng chế Vaucanson. Từ trái sang phải: Người thổi sáo, vịt Vaucanson, Người chơi trống.
Ngoài con vịt có khả năng tiêu hóa ra, Jacques de Vaucanson còn chế tạo vô số những con robot tự vận hành khác. Trong đó, Người thổi sáo là 1 con robot khiến người xem phải trầm trồ ngạc nhiên. Ý tưởng này nảy sinh khi ông đang mắc phải căn bệnh hiểm nghèo nguy hiểm.
Con robot thổi sáo làm từ gỗ và sơn màu trắng giống như một bức tượng bằng đá cẩm thạch. Nó thu hút sự chú ý bởi chiều cao hơn 1,5 mét, kích thước và hình dáng vô cùng giống người thật. Người thổi sáo không chỉ chơi một giai điệu, mà nó biết thổi đến 12 bản nhạc riêng biệt.
Cỗ máy có cấu tạo giống như 1 chiếc đồng hồ. Trong khoang miệng của nó có 9 ống thổi. Các ống thổi này ép khí đi qua mồm con robot và thổi vào cây sáo. Môi và lưỡi có thể cử động, ngón tay có thể di chuyển, thổi nên các nốt nhạc khác nhau.
8. Chiếc đầu robot Euphonia
Hãy tưởng tượng bạn ngồi nói chuyện với một cái đầu không xác có giọng nói đơn điện đến kỳ quái. Đó là Euphonia, một cái gọi là máy nói chuyện được xây dựng bởi Joseph Faber vào giữa những năm 1800.
Faber đã nghiên cứu kỹ giải phẫu con người và sau đó áp dụng vào kỹ thuật chế tạo robot. Sau đó, ông lắp ráp cỗ máy với ống thổi, bàn đạp, và thậm chí cả một cái cửa hầu nhân tạo. Ông sử dụng 16 phím tương ứng với phụ âm và nguyên âm. Và tùy từng trường hợp, nó có thể phát âm bất kỳ ngôn ngữ châu Âu nào, bằng cách thì thầm, nói hoặc hát.
Dư luận tỏ ra sợ hãi trước con robot biết nói của Faber. Không chỉ vậy, chính bản thân nhà sáng chế này cũng là một kẻ kỳ dị đáng sợ. Mặc dù sản phẩm này của ông không được nhiều người quan tâm, nhưng nó chính là nguồn cảm hứng cho công nghệ điện thoại sau này.
9. Búp bê robot Karakuri Ningyo
Thời kỳ Edo tại Nhật Bản kéo dài từ năm 1600 tới đầu những năm 1900. Đó là giai đoạn phát triển của nghệ thuật, văn hóa Nhật Bản, và cả công nghệ robot. Từ đó, công nghệ robot búp bê, Karakuri Ningyo, ra đời.
Những con búp bê khác nhau về sự tinh tế và các khả năng của chúng. Ví dụ, một con búp bê có khả năng rót trà trên khay mà nó đang cầm, phục vụ và cúi chào. Con búp bê khác lại có khả năng bắn cung và đốt cháy mục tiêu. Một con búp bê khác có khả năng dắt người già xuống cầu thang.
Tất cả đều hoạt động nhờ vào các bánh răng và cơ chế xung nhịp. Chúng thường được chế tạo với mục đích giải trí, nhưng không thể phủ nhận rằng chúng cũng chính là tiền thân, nguồn cảm hứng cho công nghệ robot hiện đại ngày càng phát triển của Nhật Bản.
10. “Người sắt” biết hút thuốc của Canada
Vào cuối những năm 1890, thông tin về một người sắt chạy bằng hơi có khả năng đi bộ được 8 km trên chặng đường gồ ghề rộ lên trên khắp các mặt báo. Đó là sản phẩm chế tạo của George Moore, một giáo sư đến từ Canada.
Tạp chí New York Times đưa tin về con robot hút thuốc này, sử dụng chính năng lượng từ khí đốt để cử động. Nhưng, không có một bài báo nào xác nhận sự tồn tại cũng như khả năng hoạt động thực sự của người sắt hút thuốc này.
Nguồn: howstuffworks.com