1 tờ hóa đơn bệnh viện đánh bại 95% gia đình: Hãy đi khám định kì, đừng sợ gặp bác sỹ, đừng sợ bệnh viện

Trong bộ phim “Tôi không phải dược thần” có một câu nói vô cùng chua xót: Tôi bán thuốc nhiều năm như vậy, phát hiện ra trên thế giới này chỉ có duy nhất một thứ bệnh, đó là bệnh nghèo.

Tuần trước, trang Economic China Net đưa tin về một trường hợp bệnh nhân tim mạch ở Bệnh viện Trung Nam của Đại học Vũ Hán của nước này. Thời gian nằm viện là 61 ngày với tổng chi phí là 1,04 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,5 tỷ đồng). 

photo1563350371429-1563350373251-crop-1563350436772227461116

Một phóng viên của trang đã đến bệnh viện để tìm hiểu tình hình. Bệnh nhân là ông Liu, 67 tuổi, được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp, động mạch vành phải bị chặn nghiêm trọng. 

Hiện tại, ông Liu vẫn đang được điều trị tại bệnh viện và chi phí y tế đã vượt quá 1,7 triệu nhân dân tệ (khoảng 5,7 tỷ đồng). 

Sau khi xác minh, các số liệu trong tờ hóa đơn hoàn toàn là đúng. 

61 ngày, 1,04 triệu tệ, hai con số này thật đáng sợ, một số cư dân mạng cười bất lực: “Tôi không nghĩ rằng mình đáng ngần đó tiền.” 

Đôi khi, làm việc vất vả cả nửa đời người, mong muốn về già được an cư lạc nghiệp, sống khỏe mạnh, hạnh phúc, nhưng bệnh tật có thể khiến tất cả những nỗ lực bỏ ra quay về con số 0. 

Ai cũng nói rằng lúc còn trẻ đổi mạng lấy tiền, về già đổi tiền lấy mạng. Sợ là sợ một mạng sống quá đắt giá, khinh gia bại sản cũng không có đủ số tiền đổi mạng này. 

photo-1-156335037174064411749

Tôi nhớ tới một cậu bé 12 tuổi phải nghỉ học ở nhà, vì ba đã qua đời nên cậu chỉ có thể lựa chọn ở nhà chăm sóc người mẹ bệnh tật. 

Mẹ cậu bé bị ung thư xương, làm việc khó khăn, cậu bé hàng ngày đều chăm sóc cái ăn cái mặc cho mẹ. 

Cậu bé nói với phóng viên rằng mình đã nghỉ học được 2 tháng, phóng viên hỏi: Không đi học, sau này biết làm sao? Cậu bé nói: Em phải chăm sóc mẹ trước. 

Vài năm trước, cha cậu bé ra ngoài thầu công trình, nhưng không được hoàn lại tiền, còn nợ công nhân hơn 820.000 nhân dân tệ (khoảng 2,7 tỷ đồng). 

Tháng 9 năm ngoái, mẹ của cậu bé được chẩn đoán mắc bệnh ung thư xương. Tháng 10, ba cậu bé được chẩn đoán bị nhồi máu não và cánh tay trái bị tê liệt, mất hết cảm giác. 

Vì để trả tiền nợ, hai vợ chồng đã bán cả nhà và xe đi. Sau khi đã trả hết các loại nợ, cả nhà chỉ còn lại đúng 120 tệ (khoảng 407 nghìn đồng). 

Ba cậu bé đưa cậu đi ăn bữa sủi cảo cuối cùng, sau đó để lại 100 tệ và tự sát. 

Để lại cậu bé 12 tuổi chăm sóc người mẹ bệnh tật. 

Đối diện với máy quay, cậu bé nói rằng: “Em muốn đi học, nhưng đợi chăm sóc mẹ trước đã…” 

Xem xong đoạn phỏng vấn đó, tôi không biết phải nói sao. 

Có lẽ, nó giống như một cư dân mạng đã nói: một cắc tiền cũng có thể khiến một anh hùng lao đao, nó liên tiếp tung ra những đả kích đánh bại người cha đã ở tuổi trung niên này. 

Sống, bản chất chính là sự chịu đựng và nhẫn nhịn. Những thảm họa thiên nhiên và bệnh tật tạo ra những sức nặng mới cho đôi vai vốn dĩ đã phải gánh vác rất nhiều thứ, khiến ta không còn sức để đứng lên, và cuối cùng là sụp đổ hoàn toàn. 

Một người bị bệnh nặng, đó không chỉ còn là việc của cá nhân họ, mà là nỗi đau của một gia đình. 

Đôi khi, trước khi bị giết bởi bệnh tật, con người đã chết vì sự đau khổ này. 

photo-1-15633503765661534787815

02 

Trước đó, bộ phim hài kịch được sản xuất năm 2018 của Trung Quốc, “Dying to Survive” (Tựa Viêt: “Tôi không phải dược thần”) đã giành giải thưởng của Viện hàn lâm nghệ thuật điện ảnh và truyền hình Australia cho giải thưởng phim điện ảnh hay nhất châu Á. 

Bộ phim được đánh giá là quá thảm khốc, khiến người ta không dám xem lần thứ 2. 

Câu chuyện bắt đầu với một loại thuốc có thể điều trị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy với tỷ lệ hiệu quả là 95%. Nhưng giá của nó rất đắt, một tháng phải tốn gần 20.000 nhân dân tệ (khoảng 67,8 triệu đồng) tiền thuốc. 

Vì vậy mà ông chủ đại lý thuốc Cheng Yong và bệnh nhân ung thư bạch cầu Lu Shouyi đã hợp tác để buôn lậu loại thuốc này từ Ấn Độ về. 

Loại thuốc xin có giá gần 20.000 nhân dân tệ một tháng, trong khi thuốc của Ấn Độ chỉ cần vài trăm tới vài nghìn tệ, đây là cái giá mà nhiều bệnh nhân nghèo có thể “kham nổi”. 

Sau đó, cao trào của câu chuyện xảy ra là khi Lu Shouyi chết. 

Anh ấy nói, lúc vừa phát hiện ra bệnh, vợ đang mang thai 5 tháng, lúc đó anh ấy rất muốn chết, nhưng trông thấy đứa con chào đời, anh ấy không muốn chết nữa, muốn nghe con gọi ba, muốn sống vì con trai. 

Thuốc của Ấn Độ đã cho anh ấy thêm một cái mạng. Nhưng kể từ lúc Cheng Yong không nhập thuốc nữa, mạng sống của anh lại như đặt lên bàn cược. 

Khi phải quay lại đối mặt với tiền thuốc men cắt cổ kia, anh đã lựa chọn tự sát để vợ con được sống thoải mái hơn. 

Cũng chính vì chuyện này mà Cheng Yong, người đã quyết “rửa tay gác kiếm” một lần nữa lại quay lại làm nghề. 

Trong bộ phim có một câu nói khiến người ta rất chua xót: “Tôi bán thuốc nhiều năm như vậy, phát hiện ra trên thế giới này chỉ có duy nhất một thứ bệnh, đó là bệnh nghèo.” 

Ở đồn cảnh sát, một người phụ nữ bị bệnh đã cầu xin cảnh sát đừng bắt Cheng Yong vì tội nhập lậu thuốc: “Tôi bị bệnh, uống thuốc mấy năm nay, đến nhà cũng không còn nữa rồi. Anh cảnh sát, nhà ai mà không có người bị bệnh, anh có thể đảm bảo rằng mình cả đời này không bị bệnh không?” 

Bệnh hiểm nghèo trước giờ luôn nặng như núi Thái Sơn, chọn đè vào ai thì mạng của người đó sẽ trở nên nhẹ như lông hồng, muốn níu giữ chút hi vọng mong manh để có thể chống đỡ được quả núi kia, ai cũng không dễ dàng! 

Chúng ta đôi khi sẽ nói tiền không phải là vạn năng, nhưng rơi vào hoàn cảnh này, tiền có thể cứu mạng, tiền chính là mạng sống. 

Đôi khi, hiện thực còn khốc liệt hơn cả trong phim điện ảnh: Có tiền mua thuốc là có thể sống, không có tiền mua thuốc thì chỉ có một con đường chết. 

photo-2-15633503765681676124101

03

Thế sự khôn lường, đời người vô thường, có một vài câu muốn khuyên mọi người. 

Chú ý tới sức khỏe, ngủ sớm dậy sớm, bớt thức khuya, vận động nhiều hơn. Công việc cũng được, vui chơi cũng tốt, cái gì có thể để đến mai thì hãy để mai rồi làm, đừng ép mình thức tới nửa đêm. Có câu mệt mỏi sinh bệnh, thức đêm là thứ vũ khí gây tổn thương cơ thể nhất. 

Quản lý tiền một cách hợp lý, lựa chọn tiết kiệm hoặc mua bảo hiểm, giữ lại cho mình một tấm kim bài miễn tử. 

Định kỳ kiểm tra sức khỏe, đừng sợ bác sỹ, đừng sợ bệnh viện. Một vài người nói với tôi rằng, càng lớn tuổi càng sợ đi bệnh viện, sợ biết mình bị bệnh gì đó. Cần phải biết, có bệnh phải chữa từ sớm mới mong khỏi, bệnh nhỏ không quan tâm, sau này thành bệnh lớn rồi mới hối hận không kịp. 

Đời người, khỏe mạnh chính là niềm hạnh phúc lớn nhất, là vận may hiếm có nhất, hi vọng bạn sẽ yêu thương, trân trọng bản thân mình hơn, bởi trân trọng chính mình chính là đang yêu thương cả những người thân yêu bên cạnh mình.