“Tôi từng là fan và hát lót cho Tuấn Hưng” – Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ.
Như đã nói, Tuấn Hưng không phải một ca sĩ có xuất phát điểm chuyên nghiệp hay được đào tạo bài bản tại trường lớp. Anh cũng không sinh trưởng trong gia đình có truyền thống nghệ thuật như nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa.
Nhưng bằng bản lĩnh ngông nghênh của mình, Tuấn Hưng đã một mình Nam tiến để gây dựng được tiếng tăm rực rỡ, khiến bất cứ ca sĩ Vpop nào cũng phải thèm muốn. Anh là một trong số ít ca sĩ ngoài Bắc len chân được vào Làn Sóng Xanh – sân khấu âm nhạc hàng đầu lúc bấy giờ.
Trải qua 20 năm sự nghiệp, Tuấn Hưng đã sở hữu được một lượng hit lớn và tạo nên cả một phong cách âm nhạc riêng.
Âm nhạc của Tuấn Hưng len lỏi vào mọi ngõ ngách, chiếm tình cảm của số đông công chúng ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Đến tận bây giờ, Tuấn Hưng vẫn giữ được sức nóng của mình và thuộc top ca sĩ đắt show nhất.
Về điều này, chính Tuấn Hưng đã từng khẳng định: “Tôi là một trong số ít ca sĩ Việt Nam có nhiều bài hit nhất 10 năm qua.
Ở thời điểm này, tôi là một trong những ca sĩ có nhiều show nhất, và đó là câu trả lời tôi đứng nơi đâu, âm nhạc tôi có được đón nhận không…
Bạn có thể đi đến các phòng trà, club khu vực Bắc – Trung – Nam và kiểm tra giùm tôi, ai là người có nhiều show nhất, ai là người có nhiều khán giả nhất”.
Tất nhiên, những thành quả Tuấn Hưng có được ngày hôm nay không hoàn toàn nhờ may mắn. Dù thường bị đánh giá là ca sĩ thị trường, không nhiều chuyên môn, nhưng thực sự, Tuấn Hưng lại là một người có năng lực và tạo được nhiều dấu ấn riêng trong lối hát của mình.
Tuấn Hưng – Thật lòng anh xin lỗi
Giọng hát đặc biệt, đậm chất tình và phủi
Tuấn Hưng sở hữu một giọng hát khá đặc biệt, với âm sắc bụi và hơi khàn, mang tính smoky. Trong giọng hát này có chút lạo xạo của sỏi đá và màu nhang nhác bạc. Bởi vậy, xét theo chuẩn thanh nhạc, đó không phải chất giọng đẹp.
Thế nhưng, nhờ chất khàn và bụi đặc trưng đó, Tuấn Hưng đã tạo nên dấu ấn riêng trong giọng hát của mình. Anh hát một cách đầy chất đời và tình, như một kẻ si tình đang lãng du trong thứ nhạc Pop đậm độ phủi của mình.
Ở trường hợp của Tuấn Hưng, âm sắc giọng hát đã gắn bó không thể tách rời như hai mặt của một chiếc lá với tính cách và phong cách âm nhạc anh theo đuổi – còn gọi là Hưng Pop.
Về giọng hát của mình, Tuấn Hưng từng chia sẻ: “Tôi không có chất giọng đẹp để xử lý bài hát tròn trĩnh nhưng tôi có trái tim là tâm hồn bài hát.
Và nếu để ai đó được đào tạo trong trường âm nhạc nhận xét, họ sẽ cho rằng cách hát của tôi nghe thật khó chịu!”.
Quả nhiên, Tuấn Hưng không thể hát đẹp theo lối truyền thống, là phải mượt mà hay tròn vành, rõ chữ. Thay vào đó, anh đi theo những lối hát riêng có và dùng nó để tạo nên dấu ấn cho mình.
Với giới chuyên môn, cách hát của Tuấn Hưng có thể gây khó chịu vì không đi theo một lề lối có sẵn nào. Anh không cộng minh, không legato, cũng không cân bằng note, lại hay dùng bạch thanh, cố ý bẻ chữ… Nhưng khán giả đại chúng lại thấy đồng cảm được với giọng hát ấy dễ dàng hơn. Họ tìm thấy ở anh chất lãng du, day dứt và tình đến tái tê.
Trong chất giọng ấy là lơ đãng khói thuốc, phê pha men rượu, bàng bạc sự trải đời, giang hồ và nồng cháy đam mê, hoang dại. Nó thích hợp với tầng lớp lao động, thanh thiếu niên và dân giang hồ.
Tuấn Hưng không cần ỉ ôi, luyến láy quá nhiều mà có sao hát thế, bộc phát và thẳng tuột hết ra, nhưng lối nhấn nhá, dằn dứ của anh khiến người nghe cảm thấy như rút hết tâm can, bão lòng. Trong giọng hát của anh luôn ẩn chứa sự dằn vặt, gào thét và tình đến đỉnh điểm.
Lối hát riêng có tạo nên “Hưng Pop”
Về loại giọng, Tuấn Hưng thuộc tenor 2 (cùng sắc thái giọng với Tùng Dương, Tấn Minh…) ít thấy hơn tenor 1 (như Bằng Kiều, Hà Anh Tuấn, Bùi Anh Tuấn, Trọng Tấn…).
Lợi thế của loại giọng này là quãng phát triển. Bởi vậy, Tuấn Hưng thường xuyên belt được giọng ngực trên G#4 nội lực, F4 to khỏe và E4 đanh dày. Anh cũng hay phrase ở D4, Eb4 chắc khỏe, với âm sắc tối hơn một chút. Tất cả điều này tạo nên chất đàn ông, cứng cáp trong giọng hát Tuấn Hưng, đúng với tính cách của anh.
Chất dày và hơi tối của tenor 2 giúp giọng Tuấn Hưng dù hơi thô, nhưng vẫn có được sự ấm áp, dày dạn. Một trong những sở trường của anh là chuyển giọng sang falsetto nhưng tận dụng airy voice để tạo sự mềm mại, êm ái. Falsetto của Tuấn Hưng có thể xuống tới D4 và rất ấm.
Quãng trầm của Tuấn Hưng không quá phát triển, nhưng vẫn được tận dụng tối ưu trong các ca khúc của anh. Lợi thế của tenor 2 giúp Tuấn Hưng chỉ cần hát nhẹ cũng xuống được A3 chest voice và sử dụng airy voice chest voice dưới A#3, nghe rất quyến rũ.
Nốt thấp nhất Tuấn Hưng xuống được là F2, nhưng không support.
Bình thường, Tuấn Hưng có thể xuống tới C#3, nhưng chỉ mờ mờ như làn khói thuốc thoảng qua, đủ để biểu đạt cảm xúc. Tuy nhiên, chỉ cần lên một nốt thôi, anh đã có thể belt vibrato tốt trên Eb3 và sử dụng airy voice dưới tận F3, tạo ra những hơi thở đầy khắc khoải phả vào ca khúc.
Tuấn Hưng biết dùng airy voice rất đúng chỗ, đúng lúc, để đong đầy cảm xúc mà không bị thừa mứa. Anh thương hát theo lối thủ thỉ, tâm tình trên airy voice.
Dù không học hành bài bản, nhưng Tuấn Hưng lại mở rộng quãng để lên được những nốt khá cao. Anh có thể lên Bb4 trong các đoạn phrase một cách dễ dàng, nhanh nhạy và belt rung tốt ở G#4 với sự sắc lạnh.
Tuấn Hưng có thể belt cao tới Bb4 và thường xuyên belt trên A4. Đây là điều mà không phải tenor 2 nào cũng làm được. Đặc biệt, ở quãng A4, Tuấn Hưng tạo được nhiều sắc thái khác nhau, lúc chạy thẳng, lúc lại gằn giọng và tạo độ khàn rất riêng, chất, đầy xúc cảm.
Và ghê gớm hơn cả, Tuấn Hưng có thể dùng mixed voice để lên tới những nốt đô cao C5, C#5 đậm màu Rock. Đây là điều hiếm gặp ở một tenor 2 không được đào tạo bài bản tại Việt Nam. Những tenor 2 khác như Đức Phúc, Noo Phước Thịnh, Hoàng Hải, Ưng Hoàng Phúc… chưa hề làm được điều này.
Tuấn Hưng không phải ca sĩ biết rung chuẩn mực, đúng tần số và nhiều support, nhưng anh lại có những cách rung và luyến riêng để tạo nên phong cách cho mình.
Tuấn Hưng thường rung hờ, rung khẽ, rung không rõ tần số, lack vibrato, không rung lúc đầu nhưng rung về sau để tạo hiệu ứng run rẩy. Trong lúc hát, anh hay đẩy luyến láy, melisma nhẹ nhàng và duyên dáng, tình tứ. Khi lên cao trào, anh vẫn dùng melisma đầy bão liệt, cảm xúc.
Đặc biệt, Tuấn Hưng có lối hát riêng biệt là chạy chữ trước rồi nhấn chữ sau theo kiểu rung nhẹ và đẩy vị trí âm thanh lên trên để tạo chất tình, phiêu lãng, phong trần.
Tuấn Hưng nhả chữ rất tình, duyên. Anh nhả chữ theo kiểu chậm lúc đầu rồi đẩy mạnh sang chữ kế tiếp hoặc nuốt chữ kế tiếp để nhấn nhịp. Cách nhả chữ này đã từng được Trấn Thành đề cập: “Các chữ liền nhau, chữ đầy chữ hút vô”.
Chính vì không đi theo chuẩn mực thanh nhạc nên Tuấn Hưng có những lối hát “ngược chuẩn” rất độc đáo. Anh thường hạ thanh quản để chà sát lúc hát, làm giọng nam tính, day dứt, phả màu khó thuốc. Hoặc, đãi chữ bạch than một cách ngạo nghễ, nghêu ngao như kẻ lãng du.
Ngay cả cách phát âm bạch thanh và bẻ chữ chứ không tròn chữ cũng tạo nên chất riêng cho Tuấn Hưng. Chẳng hạn, /yêu/ thành /iêu/. Anh cũng thường nhấn mạnh vào các phụ âm đầu để tạo sự da diết, như /x/ luôn chuyển thành /s/, /ch/ thành /tr/.
Ngoài ra, Tuấn Hưng nhảy chữ rất có nhịp, nhạc tính. Anh hát ngọt nhưng cũng rất đàn ông. Và dù hát Pop, nhưng trong giọng hát và cách hát của Tuấn Hưng vẫn đậm màu Rock, pha chút ngang tàng, ngông nghênh.
Tuấn Hưng live Độc Thoại
Rõ ràng, dù không hề được học hành bài bản tại trường lớp, cũng không theo đuổi một dòng nhạc cao sang nào, nhưng bằng tư duy và cá tính riêng của mình, Tuấn Hưng đã tạo nên cả một dấu ấn, với những lối hát, kĩ thuật độc đáo.
Chính điều này đã khiến Đàm Vĩnh Hưng phải thốt lên: “Lúc tôi mới gặp Tuấn Hưng, tôi khá ấn tượng bởi vẻ kỳ quặc của cậu ấy. Tôi từng là fan và còn hát lót cho Tuấn Hưng”.
Chú thích thuật ngữ thanh nhạc:
– Note khá trầm: C2/C#2, D2/D#2, E2. F2/F#2, G2/G#2, A2/A#2, B2.
– Note trầm: C3/C#3, D3/D#3, E3, F3/F#3, G3/G#3, A3/A#3, B3.
– Note trung: C4/C#4, D4/D#4, E4, F4/F#4, G4/G#4, A4/A#4, B4.
– Note cao: C5/C#5, D5/D#5, E5, F5/F#5, G5/G#5, A5/A#5, B5.
– Note rất cao: C6/C#6, D6/D#6, F6/F#6, G6/G#6, A6/A#6, B6.
– Mixed voice: Hát pha giữa chest voice và head voice. Trong mixed voice có full mixed (hát pha toàn giọng) và light mixed (hát pha nửa giọng).
– Vibrato: Ngân rung.
– Piano: Hát nhỏ giọng vừa phải.
– Pianissimo: Hát rất nhỏ giọng.
– Diminuendo: Hát nhỏ dần.
– Fortissimo: Hát to dần.
– Subito piano: Hát nhỏ đột ngột.
– Subito forte: Hát to đột ngột.
– Forte piano: Hát to nhỏ liên tiếp.
– Messa di voce: Hát nhỏ – to – nhỏ liên tiếp.
– Airy voice: Âm hơi.
– Full lirico soprano: Nữ cao đầy đặn.
– Falsetto: Giọng gió.
– Head voice: Giọng đầu.
– Chest voice: Giọng ngực.
– Support: Hỗ trợ các vị trí âm thanh và kĩ thuật trong ca hát.
– Strain: Hát căng thẳng.
– Cadenza: Biến tấu hoa mĩ không có trong tổng phổ gốc.
– Staccato: Hát ngắt.
– Trillo: Rung láy.
– Legato: Hát liền giọng.
– Voice project: Phóng âm.
– Mask resonance: Cộng hưởng độ vang ở vùng mặt.
– Head resonance: Cộng hưởng độ vang ở vùng đầu trán.
– Throaty: Hát dính cổ
– High larynx: Cao thanh quản.
– Melisma: Luyến láy trên nhiều cao độ khác nhau (thường là từ cao xuống thấp).
– Run/riff: Chạy note phức tạp.
– Glissando: Hát vuốt tốc độ nhanh.
– Phân loại giọng theo ngũ cung: Giọng thổ, giọng thủy, giọng hỏa, giọng mộc, giọng kim.