Đứng sau phát minh này là công nghệ màn hình dẻo đã được một thương hiệu hoàn thiện, làm thành hẳn một tấm màn TV đính lên trang phục thường ngày.
Đã bao giờ bạn cảm thấy những chiếc smartphone thì quá nhỏ để xem phim, hay máy tính bảng như iPad thì hơi cồng kềnh nên phải ước có một cái màn hình TV mỏng như cuộn giấy dính hẳn lên người đem đi mọi nơi cho tiện chưa? Nghe thì có vẻ hoang đường, chắc là cần đến tầm chục năm nữa mới chắc chắn ra lò được một sản phẩm như thế, nhưng hóa ra nó đã hiện hữu sờ sờ trong đời sống hàng ngày rồi đây này!
Công lao đó thuộc về hãng sản xuất Royole đến từ Trung Quốc, với sản phẩm màn hình dẻo và mỏng nhất thế giới. Tấm nền màn hình của họ được làm ra có độ dày siêu mỏng đến nỗi không thể tin nổi, trong khi vẫn đảm bảo đủ độ nét và thang màu chuẩn như các sản phẩm khác.
Được biết, thông số cụ thể của màn hình này bao gồm: chất liệu cấu tạo AMOLED (tương tự các smartphone cao cấp như Samsung Galaxy), mỏng 0,01mm và có độ phân giải tận 2K. Đó thật sự là một thành quả đáng kinh ngạc ở tầm vóc kích cỡ nhỏ bằng 1/5 độ dày sợi tóc. Ngoài ra, nó cũng có thể uốn cong dễ dàng hoặc gắn lên các bề mặt phức tạp, không cần phẳng như truyền thống. Thậm chí, việc gắn màn hình này lên mặt áo, mũ đội thường ngày cũng chẳng mấy khó khăn một chút nào.
Royole và đội ngũ phát triển sản phẩm của mình đã trang bị một loạt sản phẩm áo/mũ gắn màn hình TV siêu mỏng cho các cổ động viên ở World Cup 2018 vừa rồi tại Moscow (Nga). Tuy nhiên, không rõ vì sao chúng lại không thu hút sự chú ý và lan truyền rầm rộ như nhiều người nghĩ ban đầu. Nếu muốn, bạn có thể order ngay và luôn một chiếc cho mình trên website công khai của họ ở địa chỉ này.
Một cổ động viên nữ đội mũ gắn màn hình siêu mỏng.
Bất chấp mọi ưu điểm ngầu lòi về đặc trưng của nó, phát minh này có một nhược điểm cố hữu mà mọi đột phá công nghệ hầu như đều gặp phải: Giá thành quá “gắt”. Xấp xỉ 1000 Bảng Anh (tương đương 30 triệu đồng) là số tiền phải bỏ ra để có thể sở hữu một chiếc áo/mũ.
Dĩ nhiên, độ thực tế vẫn còn hơi gượng gạo khi chưa thể ứng dụng được hết cho mọi trường hợp và mục đích ngoài đời. Nếu bạn muốn dùng những chiếc áo/mũ tích hợp màn hình này để xem TV khi đang mặc trên người, vậy điều đó chẳng khác gì việc phải… cởi chúng ra và đặt trước mắt mình cả. Hay là bạn sẽ mất công lôi theo một người bạn và bắt nó mặc đồ, đi theo mình mọi nơi để cứ rảnh là bật TV lên xem? Nói cách khác, để chúng thực sự được chấp nhận và trở thành một phần phổ biến trong cuộc sống vẫn còn là một chặng đường thích nghi dài dài.
Royole cho biết màn hình này còn có thể kết nối với smartphone của bạn và hoạt động như một màn hình cảm ứng thứ hai cùng lúc. Thời lượng kéo dài của chúng có thể lên tới tối đa 10 tiếng đồng hồ nhờ một phần pin nhỏ gắn lên cùng áo/mũ. Việc màn hình có thể gắn dễ dàng lên bề mặt vải bằng các miếng dán, chỉ đơn giản là do công nghệ chất liệu OLED dẻo đã đạt đến tầm cho phép làm vậy, không có gì quá to tát và bí mật ở đây cả. Giặt quần áo và lo bị hỏng ư, cứ thoải mái tháo ra và đem đi thực hiện thôi!
Một màn trình diễn thử nghiệm nữa của Royole mà công nghệ màn hình của mình.
Chính nhờ thành quả này mà danh tiếng của Royole thực sự đi xa trong ngành màn hình cao cấp, với một dự án gây quỹ đầu tư tận 5 tỷ USD vừa được hoàn thành. Tháng vừa rồi, họ cũng khởi động dây chuyền sản xuất màn hình AMOLED hàng loạt tại Thâm Quyến (Trung Quốc) để phục vụ sản lượng hơn 50 triệu màn hình mỗi năm.