Tại Trung Quốc, loại thuốc làm từ da lừa rất được ưa chuộng, được xếp chỉ sau nhung hươu và nhân sâm.
Lượng tiêu thụ khổng lồ
Theo báo cáo từ tổ chức Donkey Sanctuary, một nửa số lừa trên thế giới có thể sẽ bị “quét sạch” trong vòng 5 năm tới bởi nhu cầu sử dụng da lừa ngày càng cao ở Trung Quốc. Được biết, dược phẩm từ cao lừa – hay còn được gọi là a giao (e’jiao) – được xem là một trong ba loại “thần dược” được ưa chuộng ở Trung Quốc, chỉ sau nhung hươu và nhân sâm.
Bài thuốc cổ truyền từ a giao được cho là có khả năng chữa chứng mất trí nhớ, vô sinh và nhiều bệnh hô hấp. Một số người tin rằng a giao còn có thể bổ sung khí huyết, chữa bệnh thiếu máu. Hồi năm 2007, 1 gram a giao được bán với giá 47 USD.
Báo cáo ước tính, Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 4,8 triệu con lừa/1 năm để lấy da nấu cao. Với tốc độ hiện tại, tổng số 44 triệu con lừa trên thế giới sẽ sụt giảm 1 nửa trong vòng 5 năm tới.
Từ năm 2007 trở lại đây, số lượng lừa ở Brazil đã giảm 28%, ở Botswana giảm 37% và ở Kyrgyzstan giảm 53%. Có những lo ngại rằng số lừa ở Kenya và Ghana cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn khai thác da lừa.
Lừa ăn cỏ tại một ngôi làng ở Nam Phi. Ảnh: AFP
Donkey Sanctuary cho biết rất nhiều lừa đã bị đánh cắp từ những cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào loài vật này để cải thiện sức lao động. Trên đường di chuyển dài ngày và không được cung cấp đủ nước và thức ăn, có tới 20% lừa chết trước khi tới nơi. Nhiều con lừa bị gãy chân, tổn thương móng guốc và đùi. Hầu hết lừa đều bị kéo bằng tai và đuôi.
Faith Burden, giám đốc nghiên cứu và hỗ trợ chiến lược tại Donkey Sanctuary, nói: “Vì mục đích thương mại, rất nhiều con lừa bị đối xử một cách tàn bạo. Tình trạng này đang trở nên nghiêm trọng hơn chúng ta nghĩ rất nhiều”.
Sinh sản không kịp
Nhu cầu tiêu thụ a giao ở Trung Quốc cao tới độ thậm chí những con lừa đang mang thai, lừa chưa trưởng thành, lừa bị bệnh, bị thương cũng bị giết để nấu cao – một phần bởi vì thương tích và bệnh tật không ảnh hưởng tới chất lượng da. Cũng vì những lí do đó, thương lái ít khi chú ý chăm sóc nhân đạo cho loài vật này.
Số lượng lừa ở Trung Quốc đã giảm 76% từ năm 1992 tới nay và quốc gia này bắt đầu tìm cách nguồn nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Donkey Sanctuary cho biết đầu tư vào trang trại lừa có thể giúp phục hồi số lượng lừa, nhưng có thể cần tới 20 năm để đạt được mức yêu cầu cho “ngành công nghiệp” a giao.
Lừa được chuyển tới các lò mổ. Ảnh: The Donkey Sanctuary
Ông Burden nói: “Lừa sinh sản rất chậm; lừa con mất nhiều thời gian để trưởng thành. Tỉ lệ sinh sản của lừa trong điều kiện trang trại cũng thấp. Do đó, có nhiều vấn đề cần giải quyết để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ”.
Tổng cộng, 18 quốc gia đã bắt đầu hành động để đối phó với ngành công nghiệp da lừa, nhưng thậm chí kể cả ở những nơi việc giết lừa là phạm pháp – ví dụ như ở Ghana và Mali – người dân vẫn lấy da lừa hoặc nhờ các thương lái tìm cách vận chuyển lừa qua biên giới để giết.
Lừa hỗ trợ khoảng 500 triệu người ở một số những khu vực nghèo đói nhất thế giới. Tình trạng buôn da lừa đã đẩy giá lừa lên cao và những gia đình có lừa phải rất vất vả để thay thế khi lừa của họ bị trộm mất. Giá một con lừa ở Kenya đã tăng từ 100 USD lên 200 USD chỉ trong giai đoạn từ năm 2016 tới năm 2019.
Báo cáo cho biết tình trạng buôn bán da lừa phi pháp có thể sẽ dẫn tới việc lan truyền virus gây bệnh, ví dụ như bệnh than và uốn ván.
Theo Guardian, một số cơ quan y tế ở Anh phản đối mạnh mẽ việc sử dụng a giao và cho rằng đây là loại dược phẩm không cần thiết trong y học Trung Quốc hiện đại. Tại Anh, việc kê đơn thuốc có sản phẩm từ động vật là phạm pháp.
Tổ chức Donkey Sanctuary tin rằng da lừa đóng vai trò quan trọng trong văn hóa của Trung Quốc nhưng cũng kêu gọi ngành chế biến a giao tìm ra những sản phẩm thay thế, ví dụ như hợp chất nhân tạo và chấm dứt tình trạng buôn bán da lừa bất hợp pháp.
Tất Đạt, theo Trí Thức Trẻ
http://ttvn.vn/doi-song/vi-loai-than-duoc-bi-truyen-dat-ngang-vang-tq-co-the-se-tan-sat-mot-nua-so-lua-tren-the-gioi-82019221163927464.htm