Những mối lo ngại về sức mạnh đến từ tên lửa hành trình Kalibr của Nga khiến NATO phải nghĩ tới việc tăng cường thêm lực lượng và vũ khí từ Mỹ sang châu Âu nếu xung đột diễn ra.
Kalibr và những chiến tích khiến Mỹ – NATO “lạnh gáy”
Các quan chức hải quân NATO thời gian gần đây liên tục cảnh báo về mối nguy hiểm đến từ các tàu ngầm Nga, một lực lượng mà họ cho rằng đang ngày càng tinh xảo và luôn thường trực khai hỏa.
Giới lãnh đạo Hải quân Mỹ cũng nhiều lần đưa ra cảnh báo tương tự với tuyên bố các tàu ngầm Nga hiện đang hoạt động nhộn nhịp hơn bất cứ thời điểm nào kể từ sau chiến tranh Lạnh cho dù nhiều báo cáo tình báo vẫn đánh giá thực tế chưa tới mức như vậy.
Phía Mỹ và NATO cũng đặc biệt lo ngại về địa điểm hoạt động của các tàu ngầm Nga. Mỹ từng nhiều lần nhấn mạnh rằng các tàu ngầm Nga liên tục “lởn vởn” xung quanh những tuyến cáp ngầm quan trọng, giống như cách Mỹ đã làm trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, khả năng đáng lo ngại nhất đến từ các tàu ngầm Nga là những thứ mà chúng có thể làm ở trên mặt đất.
Khi được đề nghị đưa ra ví dụ điển hình nhất minh chứng cho sự phát triển của lực lượng tàu ngầm Nga, Đô đốc James Foggo, Tư lệnh Hải quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi đã đề cập ngay tới các tên lửa mà chúng được trang bị với những khả năng tấn công trên bộ đặc biệt nguy hiểm.
“Chẳng hạn như, các tên lửa hành trình Kalibr của Nga từng được phóng từ các hệ thống phòng thủ bờ biển, máy bay chiến lược tầm xa hay từ tàu ngầm neo đậu ngoài khơi bờ biển Syria”, Đô đốc Foggo nói.
“Chúng đã cho thấy khả năng có thể vươn tới gần như toàn bộ các thủ đô ở châu Âu dù được phóng từ bất cứ vùng biển nào xung quanh lục địa này”.
Các biến thể thuộc dòng Kalibr, gồm tên lửa chống hạm, tấn công mặt đất và chống ngầm mới được Nga đưa vào sử dụng từ những năm 1990.
Theo một đánh giá của Dự án Phòng thủ Tên lửa của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Kalibr phiên bản tấn công mặt đất có thể được phóng đi từ cả tàu ngầm và tàu chiến mặt nước với đầu đạn nặng 450 kg tấn công các mục tiêu ở khoảng cách từ 1.500 – 1.900 km.
Những tên lửa này có khả năng bay bám mặt nước biển ở độ cao chỉ 20 m và chỉ cách mặt đất từ 50 – 150 m.
Sau các vụ tấn công khủng bố ở Syria, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố tên lửa Kalibr có thể đạt độ chính xác tới vài mét, một khả năng mà tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ không thể có được.
Năm 2011, Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ cho biết, Moscow đã có kế hoạch trang bị Kalibr cho tất cả các lớp tàu ngầm mới, cả hạt nhân và phi hạt nhân, Ngoài ra, tên lửa còn được sử dụng cho các khinh hạm, tàu chiến cỡ lớn và cũng có thể biên chế cho các tàu thuộc lớp cũ hơn. Nhưng phải tới năm 2015 các tên lửa này mới được đưa vào thực chiến.
Tháng 10/2018, các tàu chiến Nga trên biển Caspian đã phóng 26 quả tên lửa hành trình Kalibr tấn công các mục tiêu của IS ở Syria. Cuối tháng cùng năm, tàu ngầm Veliky Novgorod lại phóng tiếp 3 quả Kalibr từ Địa Trung Hải vào mục tiêu IS ở phía Đông Syria.
Đến 12/2018, một tàu ngầm khác của Nga lại phóng 4 quả Kalibr lúc trên đường trở về căn cứ ở biển Đen.
Mỹ – NATO “cuống cuồng” lo đối phó
Các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm Nga cũng đã phóng tên lửa Kalibr vào các mục tiêu ở Syria rất nhiều lần sau đó. Thế nhưng, hành động này dường như là động thái gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới các đối thủ phương Tây nhiều hơn là giành thế thượng phong ở Syria.
“Chẳng có bất cứ yêu cầu chiến dịch hay chiến lược nào để phải làm điều đó”, Chỉ huy Bộ tư lệnh phương Bắc, Đô đốc William Gortney phát biểu trước Quốc hội Mỹ đầu năm 2016. “Họ đang chuyển tải một thông điệp tới chúng ta rằng họ có khả năng này”.
“Nga đã sử dụng Syria như một trường bắn thử nghiệm để phô diễn các khả năng mới của tàu ngầm cũng như việc họ có thể phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm”, Magnus Nordenman, Giám đốc Sáng kiến Xuyên Đại Tây Dương thuộc Hội đồng Đại Tây Dương chia sẻ với trang tin Business Insider đầu năm 2018.
Một báo cáo năm 2015 của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ dẫn thông tin từ Jane’s cho biết, tên lửa hành trình Kalibr đem lại cho những phương tiện mang phóng chúng, dù là khiêm tốn nhất, một khả năng tấn công đặc biệt hiệu quả.
Bằng việc sử dụng loại tên lửa hành trình này, tất cả các phương tiện mang phóng Kalibr có thể khóa chặt mọi mục tiêu cố định trên mặt đất bằng các đầu đạn thông thường.
“Việc đưa vào biên chế loại tên lửa này đã giúp thay đổi cơ bản khả năng chiến đầu của Hải quân Nga, cho dù đó là nhiệm vụ ngăn chặn, răn đe hay phá hủy mục tiêu đối phương”, báo cáo trên nhấn mạnh.
Trực thăng Hà Lan tham gia một cuộc tập trận chống ngầm của NATO ngoài khơi bờ biển Na Uy năm 2015. Ảnh: Reuters
Đô đốc Foggo cho rằng, mặc dù các tàu ngầm Mỹ vẫn giữ ưu thế hơn nhưng lực lượng tàu ngầm Nga lại có thể triển khai “theo những các yên tĩnh nhất và chết người nhất trên thế giới”.
Những mối lo ngại về tên lửa hành trình Kalibr tấn công mặt đất khiến NATO phải nghĩ tới việc tăng cường thêm lực lượng và vũ khí từ Mỹ sang châu Âu nếu xung đột diễn ra.
“Chúng tôi biết các tàu ngầm Nga đang ở Đại Tây Dương, thách thức các hệ thống phòng thủ của chúng tôi và đang chuẩn bị giàng một không gian tác chiến có lợi dưới lòng biển trong bất kỳ cuộc xung đột tương lai nào”, Foggo nói. “Chúng tôi cần phải chống trả lợi thế này”.
Mục tiêu trên buộc NATO phải tập trung nhiều hơn cho việc tăng cường khả năng tác chiến chống ngầm mà những năm gần đây vốn ít được chú trọng hơn so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Các thành viên NATO cũng có kế hoạch mua nhiều hơn các máy bay săn ngầm P-8A Poseidon do Mỹ chế tạo, loại được đánh giá là có khả năng săn tàu ngầm tốt nhất trên thị trường vũ khí thế giới hiện nay.
Tên lửa hành trình Kalibr của Nga tấn công các mục tiêu khủng bố IS tại Syria