Mẹ hốt hoảng thấy con bốc cháy như cột lửa do nghịch cồn

Bé 12 tuổi bị bỏng nhiều vị trí tại cổ, ngực, cẳng tay và bàn tay do tự chơi với lọ cồn.

Bỏng cồn nặng do cồn bắt lửa bốc cháy

Bệnh nhi N.A.M (sinh năm 2008 Phường Nam Khê, TP. Uông Bí, Quảng Ninh) được đưa tới viện trong tình trạng bỏng cồn nặng.

Người nhà cho biết, gia đình đã nhiều lần bắt gặp cháu chơi với lọ cồn. Gia đình có nhắc nhở nhưng cháu không nghe theo. Vào chiều tối ngày 8/1, cháu lấy lọ cồn 90 độ của gia đình đổ thành vòng tròn và dùng lửa đốt.

Mẹ hốt hoảng thấy con bốc cháy như cột lửa do nghịch cồn - Ảnh 1.

Bệnh nhi bị bỏng cồn tương đối nặng, ảnh BVCC.

Trong lúc cháu M cầm lọ cồn đi tìm nắp để cất thì đột ngột cồn trong lọ bắt lửa bốc cháy và phát nổ.

Chị D. T. D (mẹ cháu M) kể lại: “Tôi đang làm việc trong nhà thì nghe thấy tiếng nổ lớn như tiếng pháo. Sau đó, tôi thấy tiếng con hét lên. Ngay lập tức tôi chạy ra xem có chuyện gì thì thấy quần áo trên người con tôi đang bốc cháy từ ngực xuống đến chân. Tôi hoảng hốt chạy đi lấy nước dội lên người cháu dập lửa và đưa cháu đi cấp cứu”.

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận trẻ trong tình trạng bỏng vùng cổ, ½ ngực, bàn tay phải, cẳng và bàn tay trái, đùi 2 bên tấy đỏ, vùng đùi phải nhiều phỏng nước.

Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị bỏng nhiệt từ độ 1 tới độ 3, diện tích khoảng 15% nhiều vùng cơ thể. Các bác sĩ cho biết đây là một trường hợp bỏng khá nặng, tổn thương nặng nhất là vùng đùi: da bị phỏng nước trợt loét, tổn thương ăn sâu tới lớp trung bì…

Trẻ được tiêm thuốc giảm đau, làm sạch và băng vết thương, chuyển khoa Chấn thương – Chỉnh hình & Bỏng tiếp tục theo dõi điều trị.

Bỏng cồn là một trong những loại bỏng rất nguy hiểm vì đặc tính lỏng nên rất dễ lan ra các vật liệu khác và dễ bắt cháy.

Lửa cồn màu trắng xanh, khi cháy nhỏ rất khó phát hiện, khiến nhiều người không để ý, dẫn đến những hành động vô tình như để vật liệu dễ cháy gần đám lửa hay tiếp thêm cồn/lửa… khiến lửa cháy lớn và dẫn đến tổn thương nặng hơn.

Đặc biệt khi cồn bám vào quần áo và bắt cháy sẽ gây tổn thương trực tiếp lên các bộ phận của cơ thể.

Sơ cứu khi bỏng cồn

Đối với trường hợp cháu M bác sĩ đã dùng thuốc giảm đau, bù đủ khối lượng tuần hoàn, sử dụng kháng sinh ngăn ngừa bội nhiễm vi khuẩn, thay băng chăm sóc vết bỏng hằng ngày cho trẻ.

Sau khoảng 1 tuần điều trị, sức khỏe cháu tiến triển tốt hơn, không còn nguy cơ xảy ra sốc bỏng. Dự kiến cháu có thể ra viện kịp đón Tết cùng gia đình.

Bác sĩ khoa Chấn thương – Chỉnh hình – Bỏng cho biết, khi bị bỏng cồn, nếu được loại trừ bỏng sớm, vết bỏng sẽ để lại ít di chứng.

Ngược lại nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, vết bỏng sâu có thể dẫn đến nhiều biến chứng như: Nhiễm trùng bỏng do điều trị không đúng cách, sẹo co rút, ảnh hưởng đến chức năng các bộ phận bị bỏng, tổn thương thần kinh…

Cách sơ cứu đúng khi bỏng cồn

– Nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng

– Dùng nước để dập lửa, cởi bỏ quần áo, giày dép bị bắt cháy nếu có thể.

– Xả dưới vòi nước mát vùng bỏng trong vòng 30 phút ngay sau khi bị bỏng (nếu để sau 15-20 phút sẽ không có tác dụng).

– Dùng băng gạc quấn chỗ bỏng và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất.

– Trường hợp cơ sở y tế ở xa, cần cho bệnh nhân uống nước oresol để tránh sốc.

– Tuyệt đối không làm vỡ đám rộp nước; không bôi bất cứ dầu, mỡ, kem đánh răng, rượu, muối, bùn… lên vết bỏng, tránh làm nhiễm khuẩn vết thương, gây di chứng nghiêm trọng sau bỏng.

Ngọc Minh , theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.vn/doi-song/me-hot-hoang-thay-con-boc-chay-nhu-cot-lua-do-nghich-con-82020181124811164.htm