Tình người trên đường trường về quê tránh dịch

Những người lao động ở các tỉnh miền Trung vào phương Nam mưu sinh nay hối hả về quê tránh dịch bằng xe máy, tạo nên một hành trình di chuyển hồi hương lịch sử trên quốc lộ Bắc – Nam. Trên hành trình vất vả ấy có những câu chuyện hy hữu như chồng “quên” vợ con dọc đường, 4 mẹ con đạp xe suốt chặng đường dài…
Một gia đình đã đặt chân đến Nghệ An sau hành trình dài, vất vả về quê tránh dịch.

Một gia đình đã đặt chân đến Nghệ An sau hành trình dài, vất vả về quê tránh dịch.

Vượt hơn 1.300 km về quê

Những ngày qua, câu chuyện về 2 người đàn ông quê Nghệ An “bỏ quên” vợ con tại tỉnh Thừa Thiên Huế khi đang từ miền nam về quê tránh dịch thu hút sự chú ý của dư luận. Nhân vật của câu chuyện ấy là anh Xồng Bá Định (21 tuổi, trú xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).

Chia sẻ về quyết định khó khăn của hai vợ chồng, anh Định tâm sự, do sống ở huyện miền núi giáp biên giới Lào nên cuộc sống vốn khó khăn trăm bề. Từ khi lập gia đình rồi vợ chồng có với nhau một lèo 2 đứa con càng khiến cuộc sống vất vả hơn. Do đó, đầu năm 2021, anh quyết định đưa vợ và 2 con nhỏ (1 cháu 3 tuổi, 1 cháu 14 tháng) vào thuê trọ tại huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) để làm thuê. Anh Định khỏe mạnh nên được nhận vào làm việc ở một công ty gỗ. Còn vợ vì có 2 con nhỏ nên ngày nào gửi được con thì mới đi làm thuê, nếu không chỉ ở nhà chăm con.

Sau 4 tháng làm việc, do dịch COVID-19 nên anh Định không có việc làm. Trước tình cảnh khó khăn vì thất nghiệp và dịch bệnh phức tạp, anh quyết định chở vợ con bằng xe máy từ Bình Dương về quê tại Nghệ An. “Để đi đến quyết định đó, tôi cũng lo lắm, vì quảng đường quá xa, hai con đang con nhỏ. Tuy nhiên, vì không còn sự lựa chọn nào khác nên chúng tôi đành phải vậy”, anh chia sẻ.

Anh Định đã “bỏ quên” vợ con trên hành trình từ miền nam về quê.

Anh Định đã “bỏ quên” vợ con trên hành trình từ miền nam về quê.

Qua liên lạc kết nối với một số đồng hương, anh Định sẽ đi cùng đoàn hàng chục người khác bằng xe máy về Nghệ An. 19h ngày 24/7, sau khi có kết quả test nhanh âm tính với COVID-19, anh Định chuẩn bị thêm một ít đồ cho gia đình rồi nhập vào đoàn lên đường. Khi về đến đèo Hải Vân, anh Định và đoàn đi xe máy được cơ quan chức năng dùng xe ô tô trung chuyển qua địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế để tránh lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, do chút hiểu nhầm nên sau khi xuống khỏi xe trung chuyển, anh Định đã lấy xe máy chạy thẳng về quê ở Nghệ An mà “quên” vợ con ở lại.

Quá trình chạy trên đường, điện thoại của anh Định hết pin nên không nhận được cuộc gọi nào. Trên đường đi, anh còn bị lạc đường nên bị lạc mất đoàn. Sáng 27/7, anh Định chạy xe về đến cầu Bến Thủy (Nghệ An), trong lúc khai báo y tế, nhờ sạc pin điện thoại anh mới biết mình đã “quên” vợ con ở Huế. Hốt hoảng, anh chỉ biết đem câu chuyện đó trình bày với cán bộ tại chốt nhờ tìm cách hỗ trợ đưa vợ con anh về.

Còn về vợ con anh Định, sau khi xe trung chuyển chở đến địa phận giáp tỉnh Quảng Trị họ bơ vơ vì không thấy chồng mình đâu cả. Cùng rơi vào hoàn cảnh giống chị là hai mẹ con đồng hương khác. Họ đã cố gắng vẫy xe để bắt xe về Nghệ An nhưng không được. Lực lượng chức năng Thừa Thiên Huế sau khi biết câu chuyện đã hỗ trợ mua vé tàu cho những người này về Nghệ An. Có lẽ đó là chuyến hành trình về quê đáng nhớ nhất của người đàn ông dân tộc thiểu số, sinh sống ở miền núi xứ Nghệ.

Gia đình anh Định là một trong số hàng nghìn người xa quê vào miền nam lập nghiệp quyết định hồi hương vào dịp này. Mỗi người họ có một lý do để về quê nhưng tất cả đều phải trải qua hành trình vất vả, mệt nhọc và có cả nguy hiểm. Trước đó, câu chuyện về 4 mẹ con bà Nguyễn Thị Hương (quê xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đạp xe đạp từ Đồng Nai về quê cũng khiến nhiều người xúc động.

 

Một căn nhà tại xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu, Nghệ An) được tận dụng để đón người cách ly.

Một căn nhà tại xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu, Nghệ An) được tận dụng để đón người cách ly.

Sau khi hình ảnh 4 mẹ con chở nhau trên 2 chiếc xe đạp được đăng lên mạng, một số nhà hảo tâm tìm đến tận nơi hỗ trợ mua vé tàu giúp họ trở về quê an toàn, nhanh chóng. Tại Nghệ An, chính quyền huyện Nghi Lộc cũng đã đưa xe đến ga Vinh đón 4 mẹ con về cách ly theo quy định.

Theo lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt COVID-19 tại cầu Bến Thủy, mỗi ngày có hàng trăm xe máy từ các tỉnh miền Nam về Nghệ An, Thanh Hoá, trong đó có không ít cặp vợ chồng đưa theo cả con nhỏ. Những hình ảnh đáng thương ấy khiến nhiều người rơi nước mắt. Những công dân khi đi qua điểm chốt này sẽ được hỗ trợ xăng, thức ăn và một ít tiền do các mạnh thường quân gửi tặng.

Địa phương chuẩn bị đón người cách ly

Trước việc nhiều công dân từ miền nam trở về quê, Nghệ An đã lên phương án để đón người cách ly. Theo ông Đậu Xuân Tú, Phó chủ tịch xã Lăng Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) địa phương hiện đang có khoảng 1.500 người đang làm việc tại các thành phố lớn. Tính đến nay, địa phương đã nắm được danh sách những người ở các vùng dịch như TP HCM, Bình Dương….đăng ký về quê. Để việc đón tiếp công dân về quê được an toàn, trước mắt xã sẽ trưng dụng một số trường học trên địa bàn làm địa điểm cách ly. Riêng với 15 công dân đang thực hiện cách ly, địa phương luôn hỗ trợ tối đa.

Song song với đó “Tổ Covid cộng đồng” cũng phát huy vai trò trong thời gian qua. Ông Đào Văn Diền (SN 1961), tổ trưởng “Tổ Covid cộng đồng” tại xã Lăng Thành cho biết: “Để việc phòng chống dịch được hiệu quả thì các thành viên trong tổ luôn bám sát địa bàn, nắm rõ thông tin những người trở về từ nơi khác. Nhờ sự tuyên truyền của tổ mà ý thức của người dân càng lên cao. Nhiều người còn trở thành “tai mắt” của tổ, luôn báo tin mỗi khi thấy người lạ vào làng”. Dù vậy, theo ông Diền, không ít lần các thành viên trong tổ cũng gặp sự phản ứng không tốt của một số người trở về từ nơi khác.

Còn tại xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) những ngày này các cấp chính quyền địa phương vẫn đang ráo riết chuẩn bị các phương án để đón công dân từ vùng dịch về. “Ngoài việc cách ly tại trạm y tế xã, trường học… thì chúng tôi còn vận động một số người dân nhường nhà để làm cơ sở cách ly. Lý do vì chuẩn bị vào năm học mới nên việc cách ly tại trường học có nhiều bất cập”, ông Phạm Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Tam cho biết.

Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như thế này, quyết định về quê đối với nhiều người là khó khăn. Nhưng khi đã lựa chọn vượt chặng đường dài để được về nhà, chắn hẳn họ đã phải suy nghĩ rất nhiều. Khi đã về nhà, sự an toàn của người thân, của cộng đồng, của quê hương trong thời điểm này và thời gian tới phụ thuộc rất lớn vào ý thức và trách nhiệm của mỗi người trong số họ.

Đến nay, có gần 10.000 người ở các tỉnh phía Nam đăng ký được trở về quê Nghệ An qua trang website của tỉnh. Trong đó, 4.546 người đang ở TP HCM, 3.621 người ở Bình Dương và 1.041 người ở Đồng Nai. Theo kế hoạch của UBND tỉnh Nghệ An, đầu tháng 8/2021, tỉnh này sẽ đón đợt 1 với khoảng 1.000 người từ TP HCM trở về quê theo 2 nhóm: nhóm ưu tiên (người bị bệnh tật, đau ốm; phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ; người cao tuổi; người khuyết tật; trẻ em) và nhóm có khả năng tự chi trả kinh phí mua vé máy bay, cách ly, xét nghiệm.

 

 

Theo Kim Long (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/tinh-nguoi-tren-duong-truong-ve-que-tranh-dich-d162393.html