Lời tâm sự của cô gái trẻ người Vũ Hán Yuli Yang đang sống tại Hồng Kông đã khiến nhiều người không khỏi xúc động và nhận ra rằng: Đã từng có một Vũ Hán tươi đẹp và nên thơ trước khi đại dịch càn quét qua.
Tôi là một cô gái người Vũ Hán đang sống tại Hồng Kông. Hiện tại, cả gia đình tôi vẫn đang sống tại Vũ Hán, ngay vùng tâm của đại dịch. Cả thành phố vẫn bị phong tỏa.
Lòng tôi canh cánh lo lắng cho sự an toàn, sức khỏe thể chất và tinh thần của mọi người mỗi ngày. Bố mẹ tôi cũng lo lắng vì biết con gái cũng không yên lòng ở nơi phương xa. Mọi người nghe có thấy quen không? Tôi chắc chắn rằng bất cứ đứa con xa nhà nào cũng thấy mình trong câu chuyện “vòng tròn yêu thương” như vậy.
Là một người làm báo, tôi hoàn toàn hiểu được sự giận dữ, bức bối của mọi người. Tôi luôn biết ơn những người đồng nghiệp, các nhà báo đang lăn xả giữa vùng dịch để cả thế giới có thể cập nhật điều gì đang xảy ra với đại dịch Corona.
Tôi hoàn toàn hiểu và ủng hộ quyết định phong tỏa, cấm bay… của các hãng hàng không, chính phủ để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Nhưng các bạn ạ, tôi tha thiết mong mọi người hãy đập bỏ những bức tường vô hình ngăn cách trái tim và sự cảm thông giữa con người.
Về vấn đề này, tôi đang đề cập tới làn sóng phân biệt đối xử đối với người Trung Quốc và những người trông giống người Trung Quốc diễn ra trên toàn thế giới.
Virus Corona gieo rắc nỗi sợ hãi và cái chết. Đi cùng với đó là một sự thật không phải ai cũng biết – rằng con người có một mối liên hệ chặt chẽ, gần hơn mức chúng ta có thể tưởng tượng.
Plato từng nói rằng, toàn bộ vũ trụ là một cơ thể sống đơn nhất. Bạn không cần hiểu về Plato để biết rằng thế giới này chỉ có thể vượt qua cuộc khủng hoảng nếu Trung Quốc có thể chiến thắng đại dịch. Và Trung Quốc chỉ có thể vượt qua đại dịch này khi thành phố Vũ Hán không còn dịch bệnh. Dù bạn có thích hay không, đây chính là thực tế mang tính toàn cầu.
Tôi biết rằng đôi khi, chúng ta không hình dung được về tính toàn diện của mỗi sự việc. Mọi người biết quá ít về nhau và dường như mọi thứ đều quá xa cách.
Đó là lý do tôi muốn kể cho các bạn nghe một chút về quê hương tôi.
“Spaghetti” và dầu vừng
Thành phố Vũ Hán nức tiếng với một món mì rất hấp dẫn. Nhìn qua trông cũng giống món mì spaghetti, chỉ khác là nó được ướp trong dầu vừng, ăn kèm với hành tươi rắc trên bát mì. Tôi nhớ rất rõ lần đầu tiên ông nội mua cho tôi một bát mì. Mắt tôi mở to, nhìn chằm chằm vào những sợi mì lấp lánh với lớp dầu vừng màu nâu sóng sánh. Tôi hét lớn lên “mì sô-cô-la”! Ông tôi cười đáp: “Người ta gọi món này là Mì khô nóng đó con”. Kể từ ngày đó, tôi chết mê món mì tuổi thơ này tới tận bây giờ.
Hoa sen và một ngàn hồ nước
Chắc mọi người cũng biết rằng, Vũ Hán là thành phố thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc. Người ta gọi Hồ Bắc bằng một tên gọi khác – tỉnh ngàn hồ. Phần lớn các khu vực hồ lớn đều nằm quanh thành phố Vũ Hán. Bạn có thấy gì với những vùng hồ này không? Mênh mông biển sen! Khung cảnh hồ nước mênh mông ngập sắc sen tạo nên những bức ảnh hút like trên Instagram mỗi dịp hè về! Nhưng chắc chắn có một thứ sẽ không thể chụp được trên Instagram; đó chính là hương thơm thoang thoảng từ những cánh sen hồng và lá sen vút lên mặt nước. Với tôi, nó là một phần tuổi thơ tươi đẹp.
Nhà vô địch Tennis Li Na và “Kẻ nổi loạn”
Người dân Vũ Hán chúng tôi rất tự hào vì huyền thoại quần vợt Li Na – nhà vô địch đơn nữ giải Grand Slam đầu tiên của Trung Quốc (năm 2011, giải Pháp mở rộng). Cô là vận động viên sinh ra tại châu Á đầu tiên được xướng tên danh dự trong “Đài danh vọng” quần vợt quốc tế (2019). Tờ New York Times gọi Li Na là “Kẻ nổi loạn” trong làng quần vợt Trung Quốc. Tinh thần nổi loạn ấy chắc chắn có nguồn gốc sâu xa, bắt rễ từ lịch sử thành phố! Năm 1911, một cuộc nổi loạn vũ trang tại Wuchang, một quận của thành phố Vũ Hán, đã dấy lên Cách mạng Tân Hợi và cuối cùng lật đổ Vương triều cuối cùng của Trung Quốc, nhà Thanh.
Câu chuyện cổ Đam Mỹ
Vào một tối mùa thu, khoảng 2000 năm trước, Yu – một người nhạc sĩ đang tấu khúc ca với Cổ cầm bên bờ sông dưới ánh trăng rọi. Zhong, một người đàn ông đang tản bộ bên bờ sông, vì ngưỡng mộ âm nhạc của Yu nên đã đứng lại đắm chìm trong âm nhạc. Tương thông sở thích, hai người đã cùng nhau trò chuyện qua lại; Yu thực sự ấn tượng vì độ am hiểu âm nhạc của Zhong. Yu và Zhong trao lời hứa hẹn sẽ gặp lại nhau vào năm sau, vào đúng ngày này bên bờ sông. Một năm sau, Yu lại ngồi chơi đàn và đợi bên bờ sông nhưng không thấy bóng Zhong xuất hiện.
Yu nhận ra rằng Zhong đã qua đời và trước khi chết, di nguyện cuối cùng của chàng trai bạc mệnh là được chôn gần bờ sông để có thể nghe khúc ca của Yu. Vì quá đau khổ, Yu đã đập vỡ cây đàn và nói: “Người duy nhất có thể thẩm thấu được âm nhạc của tôi đã không còn trên đời. Vậy cây đàn này phỏng có ích gì?”. Ngày nay, địa điểm đó được gọi là Qin Tai – một khu vực bên bờ sông tại thành phố Vũ Hán. Trong tiếng Trung, từ Zhi Yin, hay “người thực sự hiểu âm nhạc” là từ đồng âm với nghĩa rằng “một người bạn thực sự hiểu bạn”.
Với những câu chuyện nhỏ về thành phố Vũ Hán, tôi hy vọng rằng bạn có thể mở rộng trái tim mình, một nơi dung dưỡng lòng trắc ẩn, một nơi để yêu thương và ủng hộ hàng triệu người dân Vũ Hán.
Sự ủng hộ của bạn chính là nguồn động lực để chúng tôi vượt qua khoảnh khắc khó khăn này. Và đó chính là bước đầu tiên để hàn gắn nỗi đau của tất cả chúng ta.
Minh Đức , theo Trí Thức Trẻ