(Tổ Quốc) – Cha mẹ chính là tấm gương của con cái, muốn con ưu tú, cha mẹ cần phải làm một tấm gương tốt. 5 việc sau đây, nếu biết nói không, người làm cha mẹ đã thành công một phần.
1. Không nên là một bà mẹ “biết tuốt”
Khi con trẻ hỏi mẹ một vấn đề gì đó, cha mẹ tuyệt đối không nên thể hiện sự thông minh, tài giỏi như ở trên công ty, khi ấy giả vờ như “không biết gì” có thể coi là một cách làm rất tốt.
Ví dụ, như khi trẻ hỏi mẹ “Chữ này đọc như thế nào ạ?”, tốt nhất là mẹ không nên trả lời ngay cho con, điều tồi tệ nhất là nói với con “Có chữ này mà con cũng không biết à?”
Một người mẹ thông minh, sáng suốt nên nhìn vào đó, rồi nói với con “Ô kìa, chữ này mẹ cũng không biết, mẹ con mình cùng đi tra tự điển nhé!”
Vài lần như vậy, mẹ có thể dạy con cách tra tự điển, đồng thời, sau khi trẻ có thể tự mình tra tự điển, nhận biết chữ sẽ nảy sinh cảm giác thành tựu, lâu dần sẽ hình thành thói quen tra cứu tài liệu chứ không quá ỷ lại vào mẹ.
Khi trẻ đặt câu hỏi với cha mẹ, cha mẹ không nên đáp toàn bộ đáp án cho con, càng không nên càng nói càng ra vẻ đắc ý, như thế sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình trưởng thành của trẻ, nhiều lần như thể, sau này trẻ sẽ né tránh hỏi cha mẹ bởi vì điều ấy sẽ khiến chúng cảm thấy tự ti.
Ngược lại, cha mẹ nên cổ vũ, khích lệ con động não suy nghĩ, tự dựa vào khả năng của bản thân để tìm ra câu trả lời, hoặc có thể cùng con đọc các tài liệu, tra cứu trong sách vở hoặc nhờ đến sự trợ giúp từ các nguồn khác, ví dụ như Internet.
Ảnh minh họa.
2. Không chế giễu mà hãy động viên con
Khi con trẻ gặp thất bại hay cản trở, cha mẹ nên tỏ ra kiên cường, không được bỏ cuộc, bình tĩnh khuyên nhủ con thất bại chỉ là trong khoảnh khắc, không có nghĩa là sẽ thất bại mãi mãi.
Không nên khi con trẻ còn chưa bỏ cuộc thì cha mẹ đã tỏ ra hết hi vọng trước.
Điều tồi tệ nhất là cha mẹ dùng lời lẽ hà khắc, cay nghiệt chế giễu con, quở trách con tồi tệ, thậm chí nhắc lại cả những việc đã qua.
Con trẻ dưới sự giáo dục, dạy dỗ của cha mẹ như thế sẽ cảm thấy vô cùng tự ti, thậm chí từ bỏ cả tương lai tốt đẹp của bản thân.
3. Không áp đặt “Con phải như thế này..” hay “Con nên…”
Cha mẹ không nên vào lúc con còn chưa nói hết đã tỏ ra mình biết rồi, tự cho mình là đúng rồi giành lấy quyền bày tỏ quan điểm, không quan tâm con trẻ có đồng ý hay không đã dùng những lời lẽ như “con phải…” hay “con nên…” để ra lệnh cho con, tự coi quan điểm của bản thân chính là quan điểm của con, rồi bắt con phải tuân thủ theo nó.
Cha mẹ cũng không nên trở thành một người mẹ “chuyên chế”. Nếu cứ như vậy khi lớn lên con trẻ sẽ không có chủ kiến, thiếu đi khả năng phán đoán đúng sai.
Nên xây dựng, hình thành mối quan hệ bình đằng giữa cha mẹ và con cái (là bình đẳng chứ không phải là không nguyên tắc), hiểu được cách tôn trọng đối phương.
Ảnh minh họa.
4. Không gây tổn thương cho con bằng lời nói cay độc
Trước mặt con trẻ, cha mẹ cần phải làm chủ cách nói của bản thân.
Trên đời này, người hiểu con nhất chính là cha mẹ, cho nên, cha mẹ là người rõ nhất khuyết điểm của con nằm ở đâu.
Giả sử, khi nói chuyện với con, cha mẹ cứ luôn nhằm vào khuyết điểm của con, chế giễu, phê bình hay uy hiếp con, hoặc là biết rõ con không thể làm được mà vẫn cứ bắt con phải làm, như thế nào khác gì là dùng vũ khí sắc nhọn nhất không ngừng đâm vào vết thương của con.
Trong lòng con sẽ cảm thấy rất tổn thương, bởi vì những tổn thương này đến từ người thân thiết với con nhất.
5. Không càm ràm
Trước mặt con trẻ, cha mẹ nên làm chủ lượng lời nói của bản thân.
Đừng nên cằn nhằn, càm ràm, trên thực tế, điều khiến cho trẻ sỡ hãi nhất chính là sự lặng im của cha mẹ, cho nên, thay vì cứ nói thao thao bất tuyệt, không ngừng nghỉ với con thì nên dùng lời lẽ ngắn gọn, súc tích chỉ ra cho con chỗ sai của mình hoặc điều con cần chú ý.
Ảnh minh họa.
Tiếp đến, sự im lặng của cha mẹ chắc chắn có tác dụng hơn việc mẹ cứ nói mãi không ngừng, không nên cho rằng trẻ con không hiểu, tuy rằng chúng giả bộ thờ ơ, nhưng thực tế chúng đang quan sát xem cha mẹ có nghiêm túc với những lời mình nói hay không.
Tính cách, cách ứng xử và hành xử của con cái ảnh hưởng trực tiếp từ cha mẹ, vì thế các bậc phụ huynh đừng nên đợi đến khi con lớn rồi mới than vãn “Sao tính cách con lại như thế?” hay “Con rốt cục là giống ai?”
Hãy quan tâm dạy dỗ con trẻ từ khi còn nhỏ bằng cách tạo cho chúng những tấm gương tốt ngay trước mặt. Cha mẹ làm được như thế, con trẻ sẽ được trưởng thành trong một môi trường lành mạnh.
Theo Khánh An (Trí Thức Trẻ)
http://ttvn.toquoc.vn/5-viec-cha-me-cang-biet-noi-khong-con-cai-se-cang-tro-nen-uu-tu-hay-xem-ban-da-lam-duoc-may-viec-82021102161557325.htm