Hỏa lực dù mạnh đến mấy vẫn có thể khắc chế: Đối đầu với Mỹ, điều Nga sợ nhất là… “người nhà”?

Ảnh minh họa: CNN.

Theo nhà báo Leonid Bershidsky, các loại vũ khí tối tân của Mỹ dù nguy hiểm nhưng vẫn không phải là mối lo lớn nhất của Nga.

Tướng lĩnh Nga đang lo sợ điều gì nhất?

Gần đây, các tướng lĩnh quân đội Nga và Mỹ đã thẳng thắn tuyên bố và không hề giấu giếm rằng họ coi đối phương là đối thủ lớn nhất trên thế giới.

Trong bài xã luận mới được đăng tải gần đây trên chuyên trang Bloomberg, cây viết Leonid Bershidsky đã chỉ ra nỗi sợ lớn nhất của các tướng lĩnh quân đội Nga, và đó lại không phải là các loại khí tài tối tân của Mỹ, dù chúng có vai trò rất lớn khiến hai nước lớn này phải dè chừng nhau.

Cụ thể, phát biểu tại buổi hội thảo được tổ chức ở Học viện Khoa học Quân sự Nga hôm thứ 7 tuần trước (2/3), Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Nga – Tướng Valery Gerasimov đã tiết lộ nỗi sợ rằng Mỹ sẽ triển khai chiến thuật “Ngựa chiến Thành Troy” nhằm tạo ra một đạo quân thứ năm* (fifth column) trong nội bộ nước Nga và đồng minh, và Moskva hiện nay đang phải dè chừng chính những người dân của mình:

“Mỹ và các đồng minh của họ đang áp dụng những chính sách đối ngoại gây hấn. Họ đang tiến hành nhiều động thái quân sự như ‘tấn công toàn cầu’ và ‘chiến tranh đa lĩnh vực’, sử dụng các kĩ thuật như ‘cách mạng màu’ và ‘quyền lực mềm’.

Mục đích của họ là nhằm ‘thanh toán’ các quốc gia mà họ không ưa, phá hoại chủ quyền và thay thế chính phủ lập hiến của các quốc gia ấy. Đó chính là điều đã xảy ra tại Iraq, Libya và Ukraine; và hiện nay Venezuela cũng đang hứng chịu đòn tấn công ấy.

Lầu Năm Góc đã bắt đầu phát triển một chiến thuật quân sự hoàn toàn mới được gọi là “Ngựa chiến Thành Troy”. Chiến thuật này được xây dựng dựa trên chiến thuật ‘đạo quân thứ năm’, nhằm gây bất ổn tình hình, cùng với đó là những đòn tấn công chính xác và trực diện nhằm vào những mục tiêu quan trọng nhất”.

Theo ông Bershidsky, ta có thể nhìn ra rất nhiều thông điệp từ phát biểu trên của Tướng Gerasimov. Cũng như các tướng lĩnh quân đội Mỹ, thì ông Gerasimov và các chiến lược gia Nga cũng có nỗi sợ về đòn tấn công toàn cầu của đối phương (mà cụ thể là loại vũ khí cho phép Mỹ tấn công các mục tiêu có giá trị cao ở bất cứ nơi đâu trên thế giới chỉ trong vòng 1 giờ), và các chiến dịch tấn công đa lĩnh vực (đồng loạt tấn công đối thủ trong nhiều lĩnh vực như không gian mạng và phổ điện từ).

Tuy nhiên, có thể đọc vị được nỗi sợ lớn nhất của người Nga không phải là các loại vũ khí, mà là chuyện nội bộ lãnh đạo có nguy cơ bị đối thủ chọc phá từ phía trong. Và Tướng Gerasimov nghi ngờ rằng các chiến lược gia của Lầu Năm Góc đang phát triển những kế hoạch quân sự mới nhằm đạt được điều đó.

Hỏa lực dù mạnh đến mấy vẫn có thể khắc chế: Đối đầu với Mỹ, điều Nga sợ nhất là... người nhà? - Ảnh 2.

Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Nga – Tướng Valery Gerasimov. Ảnh: TASS.

Chiến thuật “Ngựa chiến Thành Troy” mới là có thật?

Theo ông Bershidsky, cái tên “Ngựa chiến Thành Troy” chưa từng được các tướng lĩnh Mỹ chính thức sử dụng, mà chỉ xuất hiện trong một bài báo của tạp chí cánh tả Đức Telepolis, trong đó tạp chí này cho rằng ý tưởng của Tướng David Goldfein – tham mưu trưởng của lực lượng Không quân Mỹ có điểm tương đồng với chiến thuật “Ngựa chiến Thành Troy”.

Được biết, Tướng Goldfein đã hé lộ về kế hoạch mới của Lầu Năm Góc – được cho là có điểm tương đồng với “Ngựa chiến Thành Troy” – trong một bài phát biểu tại Viện nghiên cứu Brookings.

Thế nhưng, một điều kỳ lạ là cả Tướng Goldfein và tờ Telepolis đều không nhắc tới việc sử dụng một “đạo quân thứ năm” (chí ít là trực diện).

Tướng Goldfein đã nói về hình thức chiến tranh đa lĩnh vực là một cách khiến cho đối phương bị mắc kẹt trong nhiều vấn đề tiến thoái lưỡng nan trong cùng một lúc và không còn cách nào khác ngoài việc từ bỏ ý định tấn công Mỹ. Đồng thời, vị Tướng Mỹ cùng cho biết chiến thuật trên sẽ sẵn sàng được đưa vào áp dụng trong khoảng 1 năm tới.

Ví dụ được ông Goldfein đưa ra trong bài phát biểu cũng không liên quan tới việc gây bất ổn chính trị, mà là chiến thuật dành cho lực lượng không quân Mỹ

“Nếu Trung Quốc, Nga hay một đối thủ khác [của Mỹ] trên thế giới nhìn thấy một chiếc F-35 của Mỹ chẳng hạn, thì đó chính là thông điệp của Mỹ, rằng ‘chúng tôi đang ở đây’. Không phải ‘tôi’, mà là ‘chúng tôi’.

Bởi nếu họ trông thấy một chiếc F-35, thì khả năng rất cao là nó đi cùng một đội quân thâm nhập. Thông điệp là chúng tôi đã ở đây và đang theo dõi các vị, chúng tôi biết hết những điều đang điều đang diễn ra, và có lẽ là chúng tôi đã thâm nhập được vào mọi lớp phòng thủ mà các vị nghĩ rằng mình đang sở hữu”.

Nhằm đáp trả phát ngôn trên của tướng Mỹ về đội quân tiêm kích tàng hình F-35, Đại sứ quán Nga tại Washington đã đăng tải dòng tweet “Hãy nhớ về Việt Nam”, cùng đoạn video tên lửa Nga bắn hạ một chiếc máy bay.

Có thể cụm từ “Ngựa chiến thành Troy” đã được báo Telepolis sử dụng để ám chỉ mối đe dọa “tàng hình” của tiêm kích Mỹ và những vấn đề “tiến thoái lưỡng nan” mà Tướng Goldfein chỉ nói thoáng qua trong bài phát biểu.

Tuy vậy, F-35 và các loại vũ khí khác của Mỹ dường như không phải là mối lo lớn nhất của tướng Gerasimov và nhiều quan chức quốc phòng Nga, bởi họ tin rằng Nga đang dẫn đầu thế giới về phát triển vũ khí, đặc biệt là loại tên lửa siêu thanh mới được công bố gần đây.

Cũng theo ông Gerasimov, 82% lực lượng hạt nhân của Nga đã được trang bị các loại vũ khí hiện đại. Ngoài ra, vị tướng này cũng rất tự hào về lực lượng quân đội Nga hiện nay, trong đó 96% chỉ huy bậc trung đều có kinh nghiệm chiến đấu, và dự kiến đến năm 2025, quân đội Nga sẽ có 475.000 binh sĩ chuyên nghiệp theo diện hợp đồng tự nguyện, thay vì phải dựa vào chế độ bắt buộc nhập ngũ.

Như vậy, điều Kremlin và các tướng lĩnh Nga thực sự e ngại, theo cây viết Bershidsky, chính là những người dân Nga “bình thường”. Họ lo sợ rằng chính những công dân của họ sẽ trở thành quân cờ của Mỹ, và đâm họ từ phía sau lưng.


*Chú thích: “Đạo quân thứ năm” là khái niệm được sử dụng để chỉ nội gián – lực lượng tay sai ngầm phá hoại nội bộ của đối thủ. 

Đây là chiến thuật được viên tướng Emilio Mol thuộc phái độc tài sử dụng từ thời nội chiến Tây Ban Nha (1936-1939) khi đưa quân đánh chiếm thành Madrid. Bên cạnh 4 đạo quân bao vây và tấn công từ 4 hướng, thì đạo quân thứ 5 là những tay nội gián được cài cắm trong thành phố để thu thập thông tin gián điệp và sẵn sàng nổi loạn.