Tại cuộc thi Robotacon WRO 2018, rất đông đội tuyển đã khiến ban giám khảo hết sức ngạc nhiên vì những ý tưởng sáng tạo độc đáo của các em. Một trong số đó phải kể tới đội HKD từ trường TH School với dự án sản xuất phân bón hữu cơ từ vỏ hạt cà phê.
Khi vấn đề môi trường đang ngày càng được đại chúng quan tâm nhiều hơn, các cuộc thi nhắm tới vấn đề môi trường cũng thu hút đông đảo các thí sinh, đặc biệt là các bạn học sinh – sinh viên. Tuy nhiên, để ra được một ý tưởng sáng tạo có tính ứng dụng không phải điều dễ dàng, nhất là với các bạn nhỏ. Ấy nhưng có một nhóm các bạn nhỏ tới từ trường TH School đã khiến cộng đồng và đặc biệt là ban giám khảo tại Robotacon WRO 2018 ngạc nhiên vì ý tưởng sử dụng vỏ cà phê để sản xuất phân bón hữu cơ của mình.
Các bạn học sinh TH School thực hành với mô hình của mình.
Quay trở lại TH School vào một chiều đầu thu, tôi được gặp các chàng trai đại diện TH School tham gia Robotacon WRO 2018 – không chỉ có một đội mà tới 4 đội từ TH School. Không khí những ngày nay đang khá náo nhiệt khi 1 trong 4 đội đã vào được vòng quốc tế và sẽ sang Thái Lan thi đấu. Hải Đăng, Trung Hiếu và Minh Khoa là 3 thành viên đến từ HKD, đều đang là học sinh lớp 9 tại TH School. Khi được hỏi về cuộc thi, các em đều háo hức chia sẻ:
“Robotacon – “Tài năng Robot Robotacon – WRO 2018” là một cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam có chung chủ đề và luật chơi với cuộc thi quốc tế. Chủ đề của năm 2018 là “VẤN NẠN VỀ LƯƠNG THỰC”. Với chủ đề này, các thí sinh sẽ vận dụng kiến thức liên môn STEM (khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán) đã học cùng với kỹ năng thiết kế robot và lập trình vào việc tìm ra giải pháp thiết thực để giải quyết những đề bài đưa ra cho từng bảng thi (4 bảng thi với từng cấp học). Trường em có tổng cộng 4 đội đi thi ở 2 bảng thường (B1, B2), 1 bảng mở (B4) và 1 bóng đá B6. Chúng em rất vui khi đội mình và 1 đội khác đã giành được huy chương đồng tại cuộc thi, còn 1 đội khác đã giành chức vô địch và lọt vào vòng quốc tế. Đây quả thực là một kết quả nằm ngoài sức tưởng tượng khi chúng em phải thi đấu với gần 300 đội tới từ cả nước”.
Các thành viên của trường TH School tham dự giải Robotacon 2018.
Từ trái qua phải: Hải Đăng, Trung Hiếu, Minh Khoa – 3 thành viên đến từ đội HKD.
Với đội HKD, các em mang tới cuộc thi một mô hình tự động sản xuất phân hữu cơ từ hạt cà phê. Mô hình này mô phỏng dựa trên hoạt động thực tế của 1 dây chuyền sản xuất công nghiệp. Dây chuyền này lấy sản phẩm đầu vào là vỏ cà phê rồi qua một quy trình sản xuất tự động để cho ra phân hữu cơ.
“Điểm nhấn của dự án chính là việc các bạn đã tận dụng triệt để các nguồn tài nguyên, sử dụng sản phẩm thừa từ việc sản xuất cà phê. Khi được hỏi về điều gì khiến các bạn nghĩ tới ý tưởng này”, Trung Hiếu chia sẻ.
“Dự án này muốn tập trung vào các mục tiêu như hướng tới nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, xa hơn là các vấn đề như cải thiện an ninh lương thực và chấm dứt đói nghèo. Tại Việt Nam là quốc gia trồng và xuất khẩu cà phê thuộc hàng top trên thế giới, các sản phẩm phụ từ sản xuất cà phê rất nhiều thì tại sao ta không tận dụng nó? Bên cạnh đấy, việc sử dụng phân bón hóa học gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, chất lượng thực phẩm và kể cả độ bền của đất canh tác; vậy làm sao để có một hướng canh tác thân thiện và sạch hơn? Từ 2 câu hỏi trên, chúng em đã đi đến ý tưởng cho dự án của mình”.
Hải Đăng chia sẻ: “Team em đã học được rất nhiều điều sau cuộc thi; từ làm việc nhóm, học một ngôn ngữ lập trình mới cho tới những vấn đề về môi trường và nông nghiệp Việt Nam vốn khá xa lạ với học sinh”.
Là một cuộc thi chế tạo, lập trình robot với chủ đề về lương thực, các bạn học sinh đã nhận ra việc nền nông nghiệp Việt Nam chưa thực sự tận dụng được kỹ thuật và khoa học máy móc vào sản xuất. Với sự bùng nổ của công nghệ hiện đại trong kỷ nguyên 4.0, mục tiêu của HKD là đem công nghệ tới gần hơn với cuộc sống, với nông nghiệp.
“Khi thực hiện dự án, cả nhóm gặp khó khăn khi chỉ có 1 tháng để chuẩn bị, trong khi các đội khác sẽ có khoảng 3-4 tháng. Có lẽ vì thế nên chúng em chỉ giành được Huy chương đồng; nếu năm sau có đi thi lại chắc chắn sẽ cố gắng đoạt giải cao hơn. Rất may mắn khi thực hiện dự án, team HKD cũng được thầy cô tại TH School giúp đỡ để có thể hoàn thiện mô hình, quay video giới thiệu và củng cố tâm lý.
Ngày nay, có rất nhiều sản phẩm phân bón giả trên thị trường. DKH hy vọng ý tưởng và mô hình này có thể được triển khai trong tương lai để đem lại nhiều lợi ích cho nông dân Việt Nam. Tuy chỉ dừng bước ở huy chương Đồng và không thể đi tiếp vòng quốc tế, chúng em đã học được rất nhiều điều sau cuộc thi; từ làm việc nhóm, học một ngôn ngữ lập trình mới cho tới những vấn đề về môi trường và nông nghiệp Việt Nam vốn khá xa lạ với học sinh”, hy vọng của Hải Đăng sau cuộc thi.
Nguyễn Trần Tuấn Đạt và Nguyễn Gia Minh sẽ sang Thái Lan dự vòng quốc tế vào tháng 11 tới đây.
Đỗ Đức Huy giành huy chương đồng ở bảng bóng đá cuộc thi Robotacon.
Bên cạnh đội HKD, trường TH School còn 3 đội thi khác tham gia giải Robotacon. Đội thi của Nguyễn Trần Tuấn Đạt và Nguyễn Gia Minh đã giành giải nhất trong bảng thi thường với thử thách trồng cây lương thực còn Đỗ Đức Huy – học sinh khối 9, đã giành huy chương Đồng trong bảng bóng đá với phần thi mô phỏng trò chơi bóng đá của con người. Mỗi đội thi sẽ có 2 Robot tự động đuổi theo một quả bóng phát tia hồng ngoại, đội nào ghi nhiều bàn thắng hơn trong thời gian quy định là đội chiến thắng.
“DKH phải giải bài toán về việc trồng cây vào những vùng được chỉ định theo độ Ph của đất theo từng trang trại và lập trình robot để nó đi theo một lộ trình mà mình đã đề ra. Tháng 11 tới, chúng em sẽ sang Thái Lan để thi vòng Quốc tế. Với nhiều đội mạnh thi đấu, chúng em cũng gặp phải áp lực trong việc lập trình làm sao để robot đi nhanh hơn, chính xác và hiệu quả hơn”, Gia Minh chia sẻ về bài toán thử thách trồng cây của mình. Hiện tại,các thầy cô tại TH School và các thành viên đội khác đang hỗ trợ hết sức cho đội Gia Minh chuẩn bị cho kỳ thi Quốc tế.
Một buổi tập luyện của Gia Minh và đồng đội với mô hình.
Dù cuộc thi đã kết thúc nhưng khi nghĩ về khoảng thời gian ấy, những cậu học sinh của TH School vẫn không giấu được niềm vui và sự hào hứng. Có người dừng chân ở vòng chung kết trong nước, có người đi tiếp vào vòng quốc tế nhưng có lẽ kết quả ra sao cũng không làm các em giảm đi niềm nhiệt thành cho việc chế tạo robot, cho những giải pháp và hy vọng cho nền nông nghiệp xanh của Việt Nam.