Bạo lực học đường – cần xử lý mạnh hơn?

Vụ bạo lực học đường tại trường quốc tế thành phố Hồ Chí Minh vừa qua đã gây xôn xao dư luận. Hồi chuông về vấn nạn này lại lần nữa dấy lên trong lòng mỗi phụ huynh và học sinh.

Ảnh minh họa. Nguồn: China Daily

Theo một báo cáo do UNICEF công bố vào năm 2018, một nửa số học sinh từ 13 – 15 tuổi trên toàn thế giới – ước tính khoảng 150 triệu người đã từng bị bạo hành bởi các bạn cùng trang lứa. Còn theo Báo cáo của cơ quan phòng chống tội phạm Liên Hợp quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 4 – 6 triệu học sinh liên quan trực tiếp đến bạo lực học đường. Tại Việt Nam, theo một số liệu của Bộ GD-ĐT, trung bình mỗi năm có khoảng 1600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học.

Trong Chương trình “Thiếu niên nói” phát sóng năm 2020, em Đoàn Hùng Mạnh, Trường THPT Trần Phú đã chia sẻ về việc bị bắt nạt năm cấp II: “Chiếc áo của mình toàn là vết giày, vết dép. Trong lớp có vài bạn lớn tuổi cậy khỏe nên toàn bắt nạt mình”. Mạnh đã thường xuyên bị đối xử tệ bạc, thậm chí còn bị các bạn khác tụt quần và quay lại video để đưa lên mạng. Việc này ảnh hưởng đến cuộc sống của Mạnh và cả gia đình, em đã cảm thấy vô cùng đau khổ.

Phần lớn những học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường đều chia sẻ rằng, các em đã hoặc từng có ý định không chia sẻ điều này đối với nhà trường hoặc phụ huynh của mình. Giống như học sinh Đoàn Hùng Mạnh nói: “Em không muốn nói với gia đình hoặc nhà trường là bởi vì em sợ. Sợ sẽ bị bạn bè gọi là núp bóng người lớn. Hay như mọi người nói đó là ‘núp sau váy mẹ’”.

Theo điều tra của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, chỉ có khoảng 40% trẻ nói ra các vấn đề mình đang gặp ở trường, phần lớn thì sợ hãi hoặc trốn tránh. Trong một bài nghiên cứu của Thạc sĩ Lê Thanh Hà, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, có đến 26,4% học sinh không hề muốn chia sẻ hay nhận bất cứ sự trợ giúp từ người khác. Trẻ thường có cảm giác sợ hãi, xấu hổ hoặc thậm chí không tin tưởng khi chia sẻ với mọi người trong gia đình. Do đó, việc chia sẻ và dạy dỗ con trẻ không chỉ là việc của nhà trường. Phụ huynh không quan tâm, hay bao che khuyết điểm con cái của mình đều có thể gây ra hậu quả khó lường.

Học sinh nhiều cấp học ngày nay dành phần lớn thời gian mỗi ngày ở trường. Theo thống kê, năm 2020, trung bình các hộ dân cư phải chi hơn 7,0 triệu đồng cho một thành viên đang đi học, tăng khoảng 7,0% so với năm 2018. Ở thành thị, các hộ chi 10,7 triệu đồng cho một thành viên đi học, gấp 2,1 lần so với mức chi ở nông thôn; nhóm hộ có mức thu nhập cao nhất chi hơn 15,4 triệu đồng/người/12 tháng, tăng 4,7% so với năm 2018. Tuy nhiên, trường học đã thực sự là nơi an toàn cho học sinh hay chưa, khi có đến 1.600 vụ đánh nhau trong và ngoài trường học.

Phải chăng đã đến lúc cần sự tham gia của pháp luật? Giống như vụ việc xảy ra vào tháng 3/2022 ở Trường THCS – THPT Hà Thành, khi đoạn video một em học sinh lớp 8 bị bạo lực học đường ngay trước cổng trường được tung lên mạng, không chỉ nhà trường vào cuộc mà ngay cả phụ huynh, Ban Giám hiệu nhà trường cũng đồng ý trình báo sự việc lên Công an huyện Bắc Từ Liêm để giải quyết với hy vọng: “Sẽ không còn sự việc như vậy xảy ra ở trường này hay bất cứ ngôi trường nào khác nữa”.

 

Hương Ngọc
Nguồn Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/bao-luc-hoc-duong–can-xu-ly-manh-hon-d183126.html