Đó là câu chuyện của chị Hoa Thị Thúy An (26 tuổi) cùng 2 người con gái Hoa Thị Thanh Thảo (13 tuổi) và Hoa Thị Tú Tiên (5 tuổi). Hiện cả 3 mẹ con sống nương nhờ trong căn nhà tình thương của người mẹ già tại thị trấn Hậu Nghĩa, tỉnh Long An.
Hai đứa trẻ không cha, sống côi cút bên người mẹ khờ
Từ nhiều năm nay, người dân ở ấp Sò Đo, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã quen thuộc với hình ảnh một người phụ nữ lớn tuổi, mỗi ngày đi bán từng tấm vé số để về nuôi con gái và 2 đứa cháu ngoại.
Ngôi nhà tình thương nằm sâu trong cánh đồng lúa là nơi 4 người nhà bà Đẹp sinh sống.
Tú Tiên (5 tuổi) là đứa con gái thứ 2 của chị An.
Phải mất nhiều tiếng di chuyển, chúng tôi mới tìm đến căn nhà nằm sâu trong cánh đồng lúa của bà Hoa Thị Đẹp (53 tuổi). Nghe thấy tiếng bước chân, bà Đẹp hướng ánh nhìn về phía chúng tôi, có vẻ ái ngại. Trong khi đó, chị An cùng đứa con gái út lại cười hớn hở, ngô nghê khi thấy người lạ.
Qua trò chuyện, bà Đẹp cho biết chị An (26 tuổi) là đứa con gái duy nhất của bà và người chồng đã mất. Từ nhỏ, chị An tính tình chậm chạp, khờ khạo, không được lanh lẹ như những đứa trẻ cùng tuổi khác.
Chị An có vẻ khờ khạo, không được lanh lợi như những người phụ nữ khác.
Thanh Thảo (13 tuổi) vẫn không hề biết mặt cha là ai bởi mẹ sinh em ra lúc mới 14 tuổi.
Đến năm 14 tuổi, chị An bị một người đàn ông lạ mặt dụ dỗ rồi xâm hại đến mang thai, sinh ra bé Thảo. Ít năm sau, bà Đẹp lại buồn bã khi đứa con gái khờ khạo của mình một lần nữa mang thai. Cả hai chị em Thảo và Tiên đều không biết mặt bố là ai khiến cuộc sống của gia đình bà Đẹp chìm trong bế tắc.
2 lần có con là 2 lần chị An bị người ta dụ dỗ rồi xâm hại.
Hai chị em Thảo – Tiên vui vẻ cười đùa với nhau.
Ngồi một góc trước cửa nhà, chị An ôm đứa con gái nhỏ vào lòng, mặt ngơ ngác nhìn mọi vật xung quanh. Dù đã 26 tuổi nhưng chị An không có nghề nghiệp ổn định, lúc tỉnh lúc lại khờ khạo nên ai kêu gì làm nấy, những ngày không có việc, chị ở nhà để chăm sóc 2 đứa con gái, trông chờ vào những tấm vé số từ người mẹ già bán được.
“Thương con, thương con lắm. Mấy bữa đi làm cho người ta á, nay ở nhà chơi với Tiên (con gái út). Em có điện thoại, điện thoại mẹ hết tiền rồi, của em còn tiền”, chị An ngô nghê nói.
Chị An vui tính, suốt ngày cười nói vui vẻ bên hai đứa con của mình.
Tú Tiên cho biết con rất thích đi học và thèm ăn đồ ăn có cá, thịt.
Để có được cơm ngày ba bữa, bà Đẹp phải đi bán khoảng 40 tờ vé số, sau đó dùng số tiền ít ỏi kiếm được để mua gạo, thức ăn cho cả nhà. Sống trong cảnh nghèo khó, hàng ngày 4 bà cháu chỉ biết quanh quẩn trong căn nhà cũ kỹ nằm biệt lập sau cánh đồng lúa, ít giao tiếp với mọi người. Riêng bé Thảo may mắn được đi học, dù 13 tuổi mới học đến lớp 3 nhưng cô bé rất ham học, mọi chi phí học tập của Thảo đều được người mẹ nuôi hỗ trợ.
“Con Thảo ham học lắm, nó đi học bằng xe đạp, bà cũng dành dụm tiền bán vé số để cho nó đi học mua quà bánh”, bà Đẹp nói.
Bà Đẹp trầm tư bởi hoàn cảnh gia đình luôn nghèo khổ.
Niềm mơ ước, hạnh phúc lớn nhất của bà là thấy 2 đứa cháu gái được ăn học thành người.
“Mấy bạn bảo con không cha, sau này con muốn làm công an”
11h trưa, sau khi kết thúc buổi học, Thảo đi xe đạp về nhà, xách theo bịch dưa hấu để 4 bà cháu ăn cơm. Thấy Thảo từ đằng xa, bé Tiên chạy òa ra ngõ đón chị, hai đứa trẻ quấn quýt nhau không rời.
Thảo cho biết, em rất thích đi học, dù đôi lúc mặc cảm với bản thân vì em không có cha. “Con không có nhớ cha đâu, con chỉ thương mẹ, thương em và bà ngoại thôi. Con không biết cha là ai cả, con cũng buồn lắm”, Thảo nghẹn lời rồi nói tiếp: “Ở lớp con được các bạn chơi cùng nhưng cũng có bạn không thích chơi với con. Bạn ấy chọc con, nói con là đứa không cha, con tức nên đi méc thầy, thầy la bạn ấy luôn”.
Tú Tiên chạy òa ra đón chị mỗi khi chị đi học về.
Với hai đứa trẻ, ước mơ được ăn no, được đi học đã là quá đủ.
Dù từ nhỏ sống thiếu thốn tình thương của cha, mẹ lại không được lanh lợi nhưng Thảo rất ngoan ngoãn. Sau giờ học, Thảo về nhà để chơi cùng em Tiên, chỉ cho em tập tô màu, đọc chữ.
Thảo ước: “Con thích làm công an lắm, sau này con muốn trở thành công an để đi bắt tội phạm, lo cho bà ngoại, mẹ và em con nữa”.
Nép vào người bà ngoại, Tú Tiên nhõng nhẽo.
Nụ cười hồn nhiên của 2 đứa trẻ dù chẳng biết mặt cha là ai.
Ngồi kế bên chị, Tú Tiên (5 tuổi) đưa đôi mắt tròn xoe, lém lỉnh nhìn mọi người. Ở cái tuổi lên 5, cô bé con chưa hiểu hết được sự vất vả, khó nhọc mà gia đình con đang chịu đựng. Con chỉ biết lâu lắm, bữa cơm chiều mới có đầy đủ cá thịt.
“Con ăn cơm với xì dầu, con thích ăn thịt mà lâu lắm bà ngoại mới mua về. Con thương chị hai, muốn đi học như chị“, Tú Tiên thỏ thẻ.
Ôm 2 đứa cháu ngoại vào lòng rồi nhìn chị An, bà Đẹp nuốt nước mắt: “Gia đình khổ quá, con An lại bị như vậy, giờ chỉ mong kiếm được cơm ngày ba bữa thôi. Người ta thương mấy bà cháu, đem gạo mì lại cho, bà vui lắm. Bà chỉ ước cho mấy đứa cháu được đi học thành người, có cực khổ cỡ nào cũng chịu được”.
Ánh mắt ngây ngô của cô bé con.
Chưa được đi học nhưng Tú Tiên đã học tô màu, rất thích học chữ.
Nghe bà Đẹp nói vậy, chị An vừa cười, vừa nói: “Lo cho con, em đi làm để kiếm tiền nuôi con”, rồi ôm lấy Thảo, Tú Tiên vào lòng.
Có lẽ với chị An, dù bản thân chị không được lanh lợi như những người mẹ khác, không đủ khả năng để chăm lo cho 2 đứa con gái một cuộc sống đủ đầy nhưng tình yêu thương của chị dành cho con không hề thua kém bất cứ ai.
Nhìn cách chị An vui đùa cùng hai đứa con gái, chăm chú nhìn Tú Tiên tập tô màu hay cột lại đầu tóc cho Thanh Thảo mới cảm nhận hết tình cảm mà chị dành cho các con.
Mong có thêm nhiều điều may mắn sẽ đến với Thảo – Tiên.
Nụ cười ấm áp, dẫu nghèo khổ nhưng cả gia đình bà Đẹp vẫn vui vẻ, sống hạnh phúc bên nhau.
Hi vọng hai đứa trẻ sẽ được tiếp tục đi học, gia đình có thêm sự giúp đỡ để có thể cải thiện cuộc sống.
Mọi sự đóng góp xin vui lòng số điện thoại bà: Hoa Thị Đẹp: 0387190230. Hoặc số điện thoại chị Hoa Thị Thúy An: 0866675794.
Ngoài ra, quý độc giả có thể gởi quà, quần áo hoặc tìm đến địa chỉ: Ấp Sò Đo, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An để thăm 4 bà cháu.
Căn nhà tình thương của bà Đẹp nằm sâu trong con hẻm cạnh trường mầm non Hướng Dương. Vì cả 2 mẹ con bà Đẹp và chị An chậm chạp trong giao tiếp, không được lanh lợi nên mong quý bạn đọc gọi điện thông cảm.
Xin chân thành cảm ơn!