Trụ sở Sở GD&ĐT Hòa Bình.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết, đến thời điểm hiện tại, ông chưa nhận được báo cáo nên không thể biết những thí sinh được nâng điểm là con, cháu của ai, ở đơn vị nào.
Giám đốc Sở chưa nhận được báo cáo danh sách quan chức có con được nâng điểm
Theo thông tin của Tiền Phong, nhiều thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018 và bị các trường của Bộ Công an trả về hầu hết đều là con lãnh đạo của nhiều Sở, ngành tỉnh Hoà Bình.
Trong đó, có trường hợp là cháu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, con một số Giám đốc Sở, Trưởng phòng CSGT…
Trao đổi với PV vào sáng 22/4, ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình cho biết, đến thời điểm hiện tại, ông chưa nhận được báo cáo nên không thể biết những thí sinh được nâng điểm là con, cháu của ai, ở đơn vị nào.
“Tôi chưa có bất cứ thông tin gì”, ông Đắc nói.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho rằng, thông tin được báo chí đăng tải chỉ để tham khảo và Sở sẽ thực hiện theo yêu cầu của cơ quan điều tra.
Trước câu hỏi, Sở có tiến hành xác minh và thông tin cụ thể về danh sách trên cũng như vấn đề gian lận điểm thi tại địa phương mà báo chí đang phản ánh không, ông Đắc trả lời sẽ chờ chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên.
“Chúng tôi đang chờ ý kiến chỉ đạo chung của Bộ xem như thế nào và theo quy trình, hướng dẫn cụ thể từng công việc. Việc gì thực hiện trước, việc gì thực hiện sau, chúng tôi sẽ tiến hành làm”, ông Đắc nêu.
Ông Bùi Trọng Đắc.
Khi được hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu ngành Giáo dục địa phương trước việc gian lận điểm thi hết sức nghiêm trọng trong thời gian qua, ông Đắc lấy lý do bận họp nên không trả lời.
Một lãnh đạo Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết thêm, hiện Sở đã thực hiện xong các bước theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xét lại công nhận tốt nghiệp xem thí sinh đủ điều kiện hay không. Sau đó cập nhật vào phần mềm của Bộ, gửi danh sách cho nhà trường.
Cần công khai danh sách phụ huynh, thí sinh gian lận thi cử
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, làm rõ và phải xử lý nghiêm minh các cán bộ “chạy điểm” cho con, cháu, để làm gương.
“Tôi rất xót xa khi nhìn vào bảng danh sách báo chí đăng tải, hầu hết thí sinh được nâng điểm là con, cháu của những người có quyền.
Điều này đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp giáo dục, phát triển con người, gây ra hệ lụy rất lớn đến nhận thức, lối sống của thế hệ trẻ”, bà Hiền nói.
Vị nữ ĐBQH này đề nghị cần công khai, minh bạch danh sách các phụ huynh, thí sinh trong xử lý gian lận thi cử ở các địa phương, chứ không bỏ qua niềm tin của nhân dân bằng thái độ tránh né sự thật.
“Đây là một vụ án “chạy điểm” gây chấn động dư luận và người dân đang rất chú ý theo dõi.
Hãy nhìn phản ứng của dư luận xã hội những ngày qua, có muốn cũng không thể che giấu được và ai có tên trong danh sách sai phạm này dù vô tình hay cố ý cũng cần xác định mình phải chịu trách nhiệm.
Việc công khai minh bạch danh sách này sẽ có giá trị củng cố niềm tin của người dân về sự ngay thẳng của cơ quan công quyền. Đừng để nó xuất hiện với lý do “bị lộ” sẽ khó mà giải quyết khủng hoảng
Tuy nhiên, các vụ việc liên quan đến con người, ở độ tuổi nào cũng đều ít nhiều có tính nhạy cảm. Do vậy, khi công khai danh tính, cơ quan chức năng cần có biện pháp bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân nằm ngoài phạm vi của vụ việc”, bà Hiền nêu.
Vị Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ, thực tế trong vụ việc này, có những thí sinh khi biết mình sai, được nâng khống điểm đã tự rút hồ sơ, xin thôi học.
“Dù có thể đã muộn, nhưng ít ra các em biết mình phải đối diện với những sai lầm, phải chấp nhận và vượt qua.
So ra các em này còn hơn những phụ huynh, người lớn là người trong cuộc, có trách nhiệm liên quan, làm rõ vụ việc nhưng chỉ biết tránh né hoặc nói mình vô can, im lặng và không có một lời xin lỗi nào”, bà Hiền bày tỏ.