Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế khu vực

Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa (gạch liền) và Sáng kiến Con đường Tơ lụa hàng hải (gạch đứt). (Đồ họa: Bryan Christie Design/Bloomberg Markets; Nguồn: Hội đồng Phát triển thương mại Hong Kong, Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc)

Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế khu vực, trong đó có Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Việc triển khai các sáng kiến trong “Vành đai và Con đường” phải bảo đảm các nguyên tắc hợp tác hoà bình, bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, hướng đến mục tiêu đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng chung của tất cả các quốc gia.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường” lần thứ hai tại Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 25 đến 27 tháng 4 năm 2019.

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu lần đầu tiên trong chuyến thăm Trung á- (tháng 9/2013) và Đông Nam á (tháng 1/2013). Sáng kiến BRI trải dài từ châu Á sang châu Âu và có thể mở rộng ra châu Phi, châu Mỹ La-tinh. Hai cấu phần chính là Vành đai kinh tế con đường tơ lụa (trên bộ) và Con đường tơ lụa (trên biển) thế kỷ 21.

Tăng cường liên kết kinh tế, kết nối trên nhiều mặt, từ cơ sở hạ tầng, kinh tế khoa học – công nghệ đến văn hoá xã hội, giao lưu nhân dân là xu thế chung của khu vực và trên thế giới. Bên cạnh sáng kiến “Vành đai và Con đường”, trên thế giới hiện nay có rất nhiều khuôn khổ hợp tác, sáng kiến nhằm thúc đẩy liên kết, kết nối giữa các quốc gia và khu vực, nôi bật như: Kế hoạch kết nối APEC: giai đoạn 2015 – 2025, Nhóm tiên phong về Kết nối ASEM, Chiến lược EU về kết nối châu Âu và châu Á, Liên minh kinh tế Á – Âu, Quan hệ đối tác Á – Âu, Liên minh Kết nối Cơ sở hạ tầng toàn cầu, vv…

Đặc biệt, tại khu vực Đông Nam á, cũng có rất nhiều các khuôn khổ, sáng kiến hợp tác nhằm thúc đẩy liên kết, kết nối. Trong khuôn khổ ASEAN đã có Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN 2025, Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN và Sáng kiến ASEAN về Kết nối các Kết nối. Tại khu vực Mê Công, các nước cũng đã đề xuất và triển khai các sáng kiến liên kết, kết nối như: Kế hoạch hành động Hà Nội 2018 – 2022 và Khung đầu tư tiểu vùng 2022 của hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) với các lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy như giao thông vận tải thuận lợi hoá thương mại, nông nghiệp, môi trường; Kế hoạch tổng thể về kết nối ba nền kinh tế Cam-pu-chia – Làơ – Việt Nam đến năm 2030 với những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác kết nối về cơ sở hạ tầng, kết nối về thể chế và kinh tế, giao lưu nhân dân; các dự án trong khuôn khổ hợp tác Mê Công – Nhật Bản nhằm triển khai Quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao giữa Nhật Bản, các nước Châu á và các tổ chức quốc tế; thúc đẩy các tuyến hành lang kinh tế liên quốc gia như hành lang kinh tế Đông – Tây, Bắc – Nam và ven biển phía Nam trong các khuôn khổ hợp tác tại khu vực Mê Công.

Thành công của Việt Nam trong công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua là kết quả của những nỗ lực cải cách kinh tế trong nước và hội nhập quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đang tham gia nhiều cơ chế hợp tác thuộc nhiều tầng nấc từ hợp tác tiểu vùng, khu vực, cho tới liên khu vực và toàn cầu như Liên hợp quốc, APEC, ASEM, ASEAN, và các cơ chế hợp tác tại khu vực Mê Công. Việt Nam cũng tham gia vào việc hình thành các Hiệp định thương mại thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Nhằm phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được trong công cuộc Đổi mới và hướng tới mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế với phương châm, “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”; nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thê giới. Trên tinh thần đó Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế khu vực, trong đó có Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Việc triển khai các sáng kiến trong “Vành đai và Con đường” phải bảo đảm các nguyên tắc hợp tác hoà bình, bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, hướng đến mục tiêu đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng chung của tất cả các quốc gia.

Tháng 5/2017, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự Diễn đàn hợp tác quốc tế vê BRI lần thứ nhất và có phát biểu quan trọng thể hiện quan điểm của Việt Nam về các nguyên tắc mà hợp tác cần bảo đảm để đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới. Tháng 11/2017, nhân chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ cấp Chính phủ về thúc đẩy kết nối khuôn khổ “Hai hành lang,  một vành đai” của Việt Nam với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Hai bên hiện đang trong quá trình thảo luận để xây dựng kế hoạch chung về thực hiện Bản ghi nhớ./.