Nhằm cải thiện công tác cải cách hành chính (CCHC), nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN), tỉnh đã và đang thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), hướng đến chính quyền số (CQS), đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế.
Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, việc thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến mạnh mẽ và tích cực. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiến hành rà soát, xác định rõ trách nhiệm và cụ thể hóa các giải pháp tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 31/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về CĐS tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), dữ liệu số, thúc đẩy CĐS, xây dựng CQĐT, CQS, kinh tế số và xã hội số.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Xuân Ngọc, với vai trò cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước về CĐS, xây dựng CQĐT, đơn vị đã tham mưu ban hành nhiều văn bản triển khai, hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS; đồng thời tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn trao đổi, chia sẻ về ứng dụng CNTT, CĐS chuyên ngành, lĩnh vực.
Sở TT-TT chỉ đạo các DN phát triển hạ tầng viễn thông, trạm thu phát sóng thông tin di động, cáp quang internet băng rộng, bảo đảm phủ sóng cả ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hiện, 100% trung tâm xã, phường, thị trấn có kết nối cáp quang internet băng thông rộng; mạng 3G, 4G phủ sóng trên 97,7% địa bàn cấp thôn; tỷ lệ điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối internet băng rộng cố định là 78,11%. Hạ tầng phục vụ ứng dụng CNTT tại các cơ quan trong hệ thống chính trị, nhất là cơ quan nhà nước tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc và cung cấp dịch vụ công (DVC) cho người dân, DN.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh được ứng dụng tại tất cả sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, xã; duy trì kết nối và cung cấp tiện ích “Tra cứu thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để triển khai trợ lý ảo hỗ trợ người dân, DN tiếp cận, sử dụng DVC.
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tỉnh duy trì hoạt động ổn định, liên thông 3 cấp chính quyền địa phương với bộ, ngành Trung ương, các địa phương khác và tích hợp với hệ thống theo dõi thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh. Tỷ lệ văn bản, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng tại cơ quan cấp tỉnh là 98%, cấp huyện là 96%, cấp xã là 80%. Tỷ lệ văn bản được ký số đầy đủ, đúng quy định của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh là 99,1%; UBND cấp huyện là 98,04%; UBND cấp xã là 96%.
Kinh tế số và xã hội số bước đầu có đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành, địa phương hàng năm đều xây dựng, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực; tích cực hướng dẫn, hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng các nền tảng quản trị, kinh doanh và đào tạo kỹ năng số cho lực lượng lao động; tạo môi trường thuận lợi cho phát triển hệ sinh thái ứng dụng công nghệ số nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ số thiết yếu, thông minh cho người dân…
Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Hoài Nam cho hay, thời gian qua, ngành Công thương đã triển khai duy trì hoạt động hệ thống phần mềm bản đồ số của ngành; tiếp tục đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu công nghiệp và thương mại tỉnh Quảng Bình”; tổ chức nhiều lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về thuế trong việc kê khai, nộp thuế từ các giao dịch điện tử; hỗ trợ DN áp dụng giải pháp công nghệ số để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, xây dựng “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử lớn, có uy tín hoặc phát triển thương hiệu trên môi trường internet thông qua kênh truyền thông marketing trên nền tảng số…
Đến nay, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh có 135 DN thành viên đăng ký tham gia và được niêm yết với 260 sản phẩm chào bán, trong đó phần lớn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của tỉnh.
Công an tỉnh tích cực chủ trì tham mưu, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai Đề án 06, bước đầu đạt mục tiêu, yêu cầu, mang lại lợi ích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN. Nổi bật, 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh được cấp căn cước công dân gắn chíp; 61% công dân đủ 15 tuổi trở lên được kích hoạt tài khoản định danh điện tử; ứng dụng VNeID được đa số người dân cài đặt sử dụng với các tiện ích tích hợp thông tin, giấy tờ, thực hiện DVC trực tuyến và thay thế việc xuất trình thẻ căn cước công dân khi đi máy bay đối với các chuyến bay nội địa… Có hơn 270 cơ sở lưu trú ứng dụng phần mềm quản lý lưu trú ASM, giúp nâng cao hiệu quả, tiết kiệm thời gian công tác quản lý, thông báo lưu trú.
Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đẩy mạnh CĐS, giao dịch điện tử trong lĩnh vực lao động, việc làm, quản lý chế độ, chính sách; chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, góp phần bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm nhân lực…
Có thể thấy, việc xây dựng CQĐT hướng tới CQS đã đạt được kết quả nhất định, góp phần đẩy mạnh CCHC, nâng cao năng lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc và chất lượng cung cấp DVC cho người dân, DN… Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, như: Nhận thức, kiến thức về ứng dụng CNTT, CĐS của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn hạn chế; hạ tầng thiết bị máy tính, kết nối mạng tại nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về cấu hình, chất lượng, ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết công việc; hiệu quả công tác hướng dẫn, trợ giúp người dân, DN tiếp cận, sử dụng DVC trực tuyến chưa cao…
Trước yêu cầu đặt ra, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TU, trong đó chú trọng xây dựng, phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, nguồn nhân lực tổ chức… Công tác tuyên truyền, phổ biến ứng dụng CNTT, CĐS cần tiếp tục triển khai để nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành và mọi tầng lớp nhân dân. Các cơ quan nhà nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để xây dựng CQĐT hướng tới CQS, gắn liền và thúc đẩy tiến trình CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh phát triển theo hướng bền vững phục vụ người dân và DN…
Hiện, toàn tỉnh có 1.175 TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được xây dựng, tích hợp, liên thông để cung cấp bằng hình thức DVC trực tuyến, đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 58,77%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 88,87%; tỷ lệ hài lòng của người dân, DN trong giải quyết TTHC, cung cấp DVC đạt 93,7%. |
Lê Mai
Nguồn Báo Quảng Bình: https://baoquangbinh.vn/chinh-tri/202408/thuc-day-xay-dung-chinh-quyen-dien-tu-huong-den-chinh-quyen-so-2220565/