Thủ tướng đưa ra giải pháp “8G” phát triển ĐBSCL

Tại hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra ở Cần Thơ, ngày 13/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra giải pháp “8G” thúc đẩy phát triển ĐBSCL bền vững và cường thịnh.

 

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vị trí vai trò quan trọng của ĐBSCL. ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, góp phần đảm bảo lương thực ở châu á, châu phi và châu mỹ la tinh. Nhắc lại câu ca dao “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/Ăn gạo nhớ kẻ đâm, xay, giần, sàng”, Thủ tướng gửi lời cảm ơn đến tất cả nông dân miền Tây đã cần cù lao động, làm ra các sản phẩm nông sản, bảo đảm an ninh lương thực.

Theo Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 120 là tinh thần thuận thiện, thích ứng chứ không phải phó thác cho trời đất ra thế nào cũng được. Để phát triển ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra khái niệm “8G” – 8 vấn đề mấu chốt cần vận dụng trong thực tiễn để thúc đẩy phát triển ĐBSCL: Giao, Giáo, Giang, Gắn, Giàu, Giỏi, Già, Giới

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh VGP

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh VGP

Theo đó Thủ tướng phân tích: “Giao” là Giao thông, thủy lợi. Cần tập trung dành nguồn lực ưu tiên phát triển giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung, nhất là cao tốc. Qua đó, tạo sự kết nối thuận tiện chi phí thấp, mở mang giao thương cho các địa phương trong khu vực. “Lộ thông thì tài thông”, tạo động lực phát triển đất chín rồng. “Giáo” là “Giáo dục”.

Theo Thủ tướng, “phát triển nguồn nhân lực giáo dục là chìa khóa vàng phát triển bền vững. Đối với ĐBSCL giáo dục là đáp án cho bài toán ngắn hạn và dài hạn”. “Giang” có nghĩa là sông. Đặc thù ĐBSCL là vùng sông nước, sinh kế người dân gắn liền với các con sông  cần tận dụng lợi thế, phát huy tiềm năng vốn có, “không có dòng sông, con rạch thì không phải văn hóa miền Tây”.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng vấn đề này còn khá mờ nhạt trong Nghị quyết 120. Cần bổ sung vào nghị quyết để đảm bảo thực hiện có hiệu quả. “Gắn” là gắn kết trung ương địa phương, nhà nước với thị trường, người dân và doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là gắn kết vùng ĐBSCL.

Thủ tướng nêu rõ, chiến lược phát triển ĐBSCL là dài hạn, vượt phạm vi của một địa phương, một tổ chức nên cần phải gắn kết hợp tác cùng chia sẻ cơ hội. “Giàu”, theo Thủ tướng ĐBSCL cần thu hút người giàu, doanh nghiệp có tiềm lực tới đầu tư phát triển kinh tế địa phương, phải sẵn sàng “xây tổ đón đại bàng”.

“Giỏi” tức là thu hút tài năng đến đóng góp chất xám trí tuệ cho sự phát triển của ĐBSCL. “Già” tức là già hóa dân số và chính sách an ninh xã hội. ĐBSCL có mức độ dân số già hóa dân số cao hơn cả nước. Đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương về kinh tế văn hóa xã hội lẫn môi trường.

Do đó ĐBSCL cần chủ động cho vấn đề dân số già hóa và hình thành mạng lưới an sinh xã hội để nâng đỡ cho người già và yếu thế. “Giới” có nghĩa là phải thúc đẩy bình đẳng giới, cần có chiến lược đảm bảo cơ hội lao động, làm việc cho phụ nữ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò, vị trí của ĐBSCL.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò, vị trí của ĐBSCL.

Theo Thủ tướng trong 8 vấn đề trọng tâm nêu ở trên, còn nhiều nội dung chưa được thể hiện hoặc thể hiện chưa rõ nét trong Nghị quyết 120. Trong thời gian tới, yêu cầu các bộ ngành trung ương khẩn trương bổ sung hoàn thiện Nghị quyết để làm cơ sở cho các địa phương cùng nhau chung tay thực hiện, góp phần phát triển mạnh mẽ, bền vững vùng đất chín rồng giàu tiềm năng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các tỉnh ĐBSCL cần nhanh chóng tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất, bằng các dự án cụ thể, hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp. Song song với đó là trung hòa các tác động của biến đổi khí hậu, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, tăng trưởng kinh tế và tăng thu ngân sách.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý đến việc hoàn thiện các liên kết “cứng” và liên kết “mềm”. Theo đó, liên kết cứng là các dự án giao thông trọng điểm, liên kết các tỉnh với nhau cần được đẩy nhanh theo đúng quy hoạch.

Ngoài ra, cần thúc đẩy liên kết các tỉnh với nhau, và 13 tỉnh miền Tây với TP HCM và các trung tâm kinh tế khác; đồng thời nhanh chóng xây dựng thí điểm về thể chế và chức năng, nguồn lực cho các khuôn khổ hợp tác của hội đồng vùng, sớm trình Chính phủ xem xét.

Thủ tướng nhấn mạnh, nếu thu nhập bình quân ở ĐBSCL vẫn ở mức trung bình, hàng ngày phải chống biến đổi khí hậu thì mục tiêu 2045 coi như chưa đạt được. “Sự thành công chỉ được quyết định bằng hành động cụ thể của chính quyền các địa phương nhân hội nghị quan trọng này”, Thủ tướng nói.

Qua đây, Thủ tướng cũng khởi xướng tổ chức một diễn đàn trong sáng kiến 2045 tại ĐBSCL. Tại diễn đàn, các chuyên gia, trí thức, giới khoa học, doanh nghiệp có thể gặp gỡ và bàn các giải pháp phát triển khu vực này.

 

Theo Đình Thương (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thu-tuong-dua-ra-giai-phap-8g-phat-trien-dbscl-d150852.html