Số vụ và số đối tượng đều giảm
Trong năm 2019, UBND TP Hải Phòng đã ban hành 04 văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường quản lý nhà nước về công tác xử lý VPHC. UBND TP Hải Phòng cũng thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành chủ trì với các đơn vị địa phương có liên quan tham mưu UBND TP tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác xử lý VPHC.
Theo thống kê, năm 2019, tổng số vụ và số đối tượng VPHC trên địa bàn đều giảm. Cụ thể, tổng số vụ VPHC trên địa bàn TP Hải Phòng là 12.136 vụ, giảm 3.478 vụ (tức 22%) so với cùng kỳ 2018. Trong đó, số vụ bị xử phạt VPHC là 12.070 vụ, giảm 3.420 vụ (tức 22%) so với cùng kỳ; số vụ chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự là 37 vụ (tăng 07 vụ so với cùng kỳ); số vụ áp dụng biện pháp thay thế nhắc nhở đối với người chưa thành niên là 29 vụ (tăng 12 vụ so với cùng kỳ). Tổng số đối tượng bị xử phạt là 12.094 đối tượng (giảm 3.673 đối tượng) so với cùng kỳ.
Tại Hải Phòng, biện pháp xử lý hành chính được áp dụng nhiều nhất là biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn, sau đó đến biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Biện pháp này chủ yếu áp dụng đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc ít được sử dụng vì cần phải thu thập nhiều lần vi phạm của đối tượng; sự trao đổi thông tin, tài liệu cần nhiều cơ quan phối hợp, thẩm định, xem xét, quyết định.
Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Thành cho rằng TP Cảng còn gặp một số vướng mắc trong quá trình THPL về VPHC. Đơn cử, một số hành vi vi phạm có quy định mức xử phạt cao, người vi phạm đã bỏ giấy tờ, không chấp hành nộp phạt dẫn đến hồ sơ tồn đọng ngày càng nhiều.
Tiếp đó, các phương tiện vận tải có giá trị lớn, người lái xe đa số làm thuê nên không có khoản tiền tương đương để nộp dẫn đến quyết định xử phạt khó thực hiện như quy định tại Khoản 1 điều 126 Luật xử lý VPHC. Hơn nữa, việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 6 Điều 12 và điểm a khoản 2 Điều 28 Luật xử lý VPHC còn quy định mâu thuẫn về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Điều này dẫn đến thực tiễn áp dụng có nhiều cách hiểu và cách thực hiện khác nhau.
Hiện nay tổ chức bộ máy, biên chế thực hiện công tác THPL về xử lý VPHC tại Hải Phòng còn gặp nhiều khó khăn. Phòng pháp chế tại một số sở, ngành phải sáp nhập vào các phòng chuyên môn hoặc giải thể. Phòng Quản lý xử lý VPHC và theo dõi THPL thuộc Sở Tư pháp mặc dù đã được kiện toàn và bổ sung biên chế nhưng vẫn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác nhau. Hiện nay, trung bình mỗi phòng tư pháp cấp huyện được giao từ 4-6 biên chế/phòng; phụ trách công tác THPL về xử lý VPHC; chưa có cán bộ chuyên trách cho công tác này.
Cơ sở vật chất đảm bảo cho việc THPL về xử lý VPHC chưa được đáp ứng so với yêu cầu thực tế; các trang thiết bị, kỹ thuật, phương tiện còn thiếu, kinh phí thực hiện tại địa phương chủ yếu bố trí từ nguồn chi thường xuyên của đơn vị…. Việc tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC còn nhiều vướng mắc nhất là trường hợp vi phạm nhưng không bị tạm giữ tài sản có giá trị để đảm bảo thi hành hoặc đối tượng vi phạm không có tài sản để thi hành.
Tháo gỡ nhiều “nút thắt”.
Ngày 25/6/2020, Đoàn kiểm tra của Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra 55 hồ sơ xử phạt VPHC. Cục trưởng Cục Quản lý xử lý VPHC và theo dõi THPL Đặng Thanh Sơn cho biết về cơ bản, các hồ sơ được kiểm tra đã được lập theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Tuy nhiên, một số hồ sơ vẫn có sai sót, hạn chế. Đoàn kiểm tra đề nghị UBND TP Hải Phòng quan tâm, chỉ đạo các Sở, ngành liên quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Đoàn kiểm tra, UBND TP Hải Phòng cũng đề nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành Thông tư hướng dẫn về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quản lý THPL về xử phạt VPHC đồng thời cùng với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính thống nhất về cán bộ phụ trách công tác này trên cả nước để sắp xếp đội ngũ có năng lực, kinh nghiệm. UBND TP Hải Phòng cũng đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn triển khai các quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý VPHC để các ngành, người có thẩm quyền có thể tra cứu, khai thác dữ liệu để nâng cao hiệu quả xử lý, giải quyết các vụ việc theo đúng quy định.
Kết luận chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá Hải Phòng là một trong những địa phương thực hiện tốt việc THPL về xử lý VPHC, đóng góp rất nhiều ý kiến quý báu trong quá trình hoàn thiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý VPHC. Trong bối cảnh kinh phí hạn hẹp, Hải Phòng đã có hơn 700 cán bộ, lãnh đạo Sở, ngành được tập huấn chuyên sâu về xử phạt VPHC đồng thời phát hành hơn 96.000 tờ gấp về xử phạt VPHC đến các đơn vị hành chính là nỗ lực không nhỏ.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cũng chia sẻ với TP Cảng những khó khăn chung về số lượng biên chế, cán bộ chuyên trách về xử phạt VPHC trong chủ trương phải tinh gọn bộ máy theo quy định hiện hành. Thứ trưởng mong muốn Hải Phòng quan tâm, bổ sung thêm vốn ngân sách và các trang thiết bị để thực hiện tốt hơn nữa việc xử lý VPHC, phấn đấu không còn vụ việc khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến xử phạt VPHC trong thời gian tới.
Theo Phương Thanh (Pháp Luật Việt Nam)
https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thu-truong-dang-hoang-oanh-hai-phong-quan-tam-bo-sung-ngan-sach-de-thuc-hien-tot-hon-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-d128077.html