Các nhà nghiên cứu đang hy vọng việc học cách buông bỏ cơ thể vật lý sẽ làm giảm lo lắng về cái chết của con người thông qua công nghệ thực tế ảo.
Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trên một chiếc ghế và nhìn xuống dưới. Bạn nhìn thấy cơ thể của mình, từ cánh tay cho tới vạt áo, rồi đôi chân. Nhưng nó không phải là cơ thể của bạn, nó là một cơ thể ảo được tạo bởi Mel Slater, một giáo sư về lĩnh vực môi trường ảo tại Đại học Barcelona ở bên trong phòng thí nghiệm của ông.
Khi bạn di chuyển, cơ thể ảo bạn nhìn thấy qua kính thực tế ảo (VR) sẽ di chuyển tương ứng. Có một tấm gương lớn ở phía đối diện và nếu bạn vẫy tay, nó sẽ phản chiếu lại hình ảnh của bạn. Rồi một quả bóng nảy màu xanh xuất hiện và đánh vào cổ tay cùng mắt cá chân của bạn. Bạn có thể cảm nhận được tác động của chúng lên cơ thể. Nhưng bạn không biết đó là cơ thể nào? Ranh giới giữa thực và ảo dần trở nên mờ nhạt, giữa người đang đeo kính VR và người đang ở trong môi trường kỹ thuật số.
Hóa ra, không mất nhiều thời gian để ý thức của bạn từ bỏ cơ thể vật lý và chuyển sang sống trong một cơ thể khác. Nó gọi là “ảo ảnh sở hữu toàn thân” và Slater nói rằng quyền sở hữu một cơ thể ảo này khá mạnh và quá trình cũng xảy ra khá nhanh.
Không chỉ là một trò chơi hay mánh khóe, nó còn có ý nghĩa vượt xa hơn thế. Slater phát hiện ra rằng những gì xảy ra với cơ thể ảo của một người có thể có ảnh hưởng đến thực tế cuộc sống của họ sau đó. Khi những người da trắng sống trong một cơ thể người da đen, thì quan điểm phân biệt chủng tộc của họ có dấu hiệu giảm một cách vô thức. Khi đặt người lớn vào cơ thể ảo của một đứa trẻ bốn tuổi, họ sau đó tự nhận mình trẻ con hơn và nghĩ rằng thế giới xung quanh trông rộng lớn hơn. Còn khi đưa đàn ông vào cơ thể phụ nữ, họ có xu hướng trở thành nhà tâm lý triệu liệu của chính mình.
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn bắt đầu thoát ra khỏi cơ thể ảo? Hãy tưởng tượng bạn đột nhiên nhìn thấy mình rời khỏi cơ thể, bay lơ lửng đâu đó trên trần nhà và nhìn xuống chính mình. Slater đã sử dụng thử nghiệm này để tìm đáp án cho một câu hỏi mới: VR có thể làm giảm nỗi sợ cái chết không?
Thử nghiệm đưa tâm trí tách rời cơ thể
Một số nghiên cứu, báo cáo khoa học đã ghi nhận việc sau khi một người có trải nghiệm cận tử (NDE), họ có thể có được một cái nhìn mới về cuộc sống như làm từ thiện nhiều hơn, quan tâm đến người khác nhiều hơn và ít sợ chết hơn.
NDE vẫn còn gây tranh cãi trong cộng đồng y tế, bởi vì không ai chắc chắn những gì xảy ra trong não của một người khi tình trạng này diễn ra. Tuy nhiên cho dù chúng có phải là sản phẩm của não bộ hay trải nghiệm thực sự, mọi người luôn báo cáo họ có những cảm giác khá tương tự nhau. Ví dụ như họ nhìn thấy ánh sáng rực rỡ, đường hầm, các thành viên đã quá cố trong gia đình và nhiều nhất là trải nghiệm ở bên ngoài cơ thể (OBE), tình trạng mà họ lơ lửng bên trên cơ thể và nhìn xuống từ trên cao. Đây cũng chính là một phần của trải nghiệm cận tử mà Slater muốn nắm bắt bằng công nghệ VR và hy vọng cùng với nó, nỗi sợ chết sẽ giảm đi.
Vậy làm thế nào để mô phỏng một OBE, mà gần như không phải thử chết? Các nghiên cứu về tay cao su đã cho chúng ta thấy rằng ý tưởng này không quá khó khăn như bạn nghĩ. Trong nhiều thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu bạn đặt một bàn tay cao su gần cơ thể mình và giấu bàn tay thật ra khỏi tầm nhìn, bộ não có thể bị đánh lừa rằng rằng bàn tay cao su là bàn tay thật. Nó thường được thực hiện bằng cách chạm hoặc vuốt ve bàn tay thật của bạn và chạm vào bàn tay cao su theo cùng một cách, cùng một lúc. Các nghiên cứu tương tự cũng chỉ ra nếu ai đó đe dọa bàn tay cao su như dùng một con dao hoặc búa để đâm, đập vào thì bộ não cũng xuất hiện sự lo lắng và nỗi lo này gia tăng theo mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa.
Olaf Blanke, giám đốc Phòng thí nghiệm khoa học về thần kinh nhận thức tại viện nghiên cứu của trường đại học ở Lausanne, Thụy Sĩ kiêm giáo sư thần kinh học tại Bệnh viện Đại học Geneva, cho biết bạn có thể tạo ra “ảo giác sở hữu toàn thân” cũng như trải nghiệm thoát ra khỏi cơ thể thông qua công nghệ thực tế ảo.
Hyeongdong Park, một nghiên cứu sinh làm việc tại phòng thí nghiệm của Blanke cho biết, các thử nghiệm OBE có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về sự tương tác giữa não và cơ thể, cũng như cách nó ảnh hưởng đến ý thức tự giác của chúng ta. Từ đó, họ đã sử dụng OBE để cố gắng tác động đến nhận thức đau, để có khả năng điều trị các chứng đau mãn tính. Cuối cùng, OBE có thể giúp chúng ta tìm hiểu thêm về các cơ chế thần kinh để tự nhận dạng, tự định vị và các quan điểm từ góc nhìn thứ nhất.
Đây là những đặc điểm cơ bản của tâm trí và có những ví dụ về những gì sẽ xảy ra khi cỗ máy não bộ này gặp trục trặc. Năm 1942, nhà thần kinh học Josef Gerstmann đã chứng kiến hai bệnh nhân bị tổn thương vỏ não vùng thái dương phải và bị mất quyền sở hữu đối với cánh tay và bàn tay trái, một tình trạng gọi là somatoparaphrenia. Mặc dù cánh tay và bàn tay của họ được kết nối với cơ thể, họ chỉ không nghĩ rằng nó là của họ. Ở một số người, điều này có thể biểu hiện theo hướng ngược lại: Họ sẽ tuyên bố quyền sở hữu với bàn tay hoặc bàn chân của người khác.
Các vấn đề thần kinh tương tự có thể dẫn đến những gì được gọi là hiện tượng “autoscopic”, trong đó một người không thể nhìn thấy cơ thể của họ, vị trí của họ hoặc nhớ danh tính của họ một cách chính xác. Những người có hiện tượng “heautoscopy” thì nói họ nhìn thấy một bản sao thứ hai của cơ thể ở một nơi khác, thậm chí có những trải nghiệm thân thiết với cơ thể này. Tất nhiên, các nhà khoa học chưa phát hiện ra những gì bất thường về bộ não có thể dẫn tới các tình trạng trên.
“Người trưởng thành thường có trải nghiệm về một cái tôi thật, cư trú trong cơ thể và một cái tôi khác liên quan tới kinh nghiệm và suy nghĩ”, Blanke viết. “Khía cạnh tự ý thức về bản thân này thường được coi là một trong những đặc điểm đáng kinh ngạc nhất của tâm trí con người”.
Bộ não con người có thể bị đánh lừa trong thử nghiệm tay cao su.
Trong nghiên cứu gần đây của mình, Slater đã thử nghiệm hai phiên bản OBE bằng cách sử dụng thực tế ảo, dựa trên các công trình của Blanke và một thiết kế nghiên cứu OBE tương tự khác được xuất bản cách đây 10 năm. Ông thiết lập cho cả hai kịch bản là như nhau: Bạn đang ở trong một cơ thể ảo, cơ thể này mô phỏng chuyển động của bạn và khi những quả bóng nảy xuất hiện, bạn có thể cảm thấy chúng chạm vào bạn (thông qua việc sử dụng kích thích trên cơ thể thật). Một khi bạn đạt được ảo giác sở hữu cơ thể và cảm thấy như cơ thể ảo là của bạn, viễn cảnh sẽ đưa bạn thoát ra và bắt đầu trôi nổi trên trần nhà.
Trong phiên bản thử nghiệm đầu tiên, Slater sẽ giữ các quả bóng nảy gần mặt đất với cơ thể. Bạn vẫn có thể cảm thấy chúng chạm vào và nếu di chuyển cánh tay của mình, cánh tay của cơ thể ảo vẫn bắt chước bạn. Nhưng lúc này góc nhìn trực quan của bạn là từ trên cao, nơi trần nhà. Điều này tạo ra một loại nhầm lẫn, hoặc một cảm giác kỳ lạ, khi tâm trí ở hai nơi cùng một lúc, theo Slater. Tâm trí của người tham gia thử nghiệm sẽ xuất hiện suy nghĩ họ đang ở trên trần nhà, nhưng bằng cách nào đó họ vẫn còn liên quan đến cơ thể ở bên dưới. Nó dẫn đến loại cảm giác rằng: Tôi cùng lúc ở hai nơi.
Trong phiên bản thứ hai, Slater di chuyển các quả bóng lên cao, cho chúng ở ngang vị trí với góc nhìn trên cao. Bạn có thể cảm nhận được chúng ở gần trần nhà hơn là bên dưới. Khi di chuyển chân tay, cơ thể ảo bên dưới không làm gì cả và bạn hoàn toàn tách biệt với nó. Theo Slater, việc này có thể tạo ra cảm giác bạn đã tách rời hoàn toàn với cơ thể phía dưới.
Trong 16 người khỏe mạnh tham gia thử nghiệm, ông phát hiện rằng việc tiếp xúc với kịch bản thứ hai đã dẫn đến các báo cáo ghi nhận họ đã giảm nỗi sợ chết, còn kịch bản đầu thì không. Ông nghĩ rằng OBE có thể dẫn đến một sự thay đổi tâm lý liên quan đến cái chết, nhưng chỉ khi có sự tách biệt hoàn toàn khỏi cơ thể, chứ không phải một phần.
“Những gì chúng tôi nghĩ đang xảy ra là bằng cách nào đó, bộ não của bạn đang học ngầm rằng nó có thể tách rời ý thức khỏi cơ thể” ông nói. “Đó là cơ thể của tôi, tôi đã thoát ra khỏi nó và tôi vẫn còn ý thức đầy đủ. Do đó, mặc nhiên, ý thức có thể tách rời khỏi cơ thể. Và nếu ý thức có thể tách rời khỏi cơ thể, thì có thể có sự sống ngoài cơ thể”.
Công trình của Slater đã truyền cảm hứng cho những người khác, không chỉ trong cộng đồng khoa học. Ví dụ như nhà thiết kế thiết bị y tế người Hà Lan Frank Kolkman.
Trong ý tưởng thiết lập của Kolkman, bạn sẽ đứng trước một đầu robot gắn trên xe đẩy đang di chuyển. Chiếc đầu này có camera trong hốc mắt và khi bạn đeo kính VR, bạn sẽ thấy đầu robot nhìn thấy gì, chính là bản thân bạn từ phía sau. Thông qua loa trong tai robot, bạn nghe thấy tiếng ồn từ vị trí của đầu robot chứ không phải của bạn. Khi bạn di chuyển đầu của mình, đầu robot di chuyển tương ứng. Khi đầu robot bắt đầu di chuyển chậm trên con đường ra khỏi cơ thể bạn, bạn cảm thấy rằng bạn đang đi với nó.
“Hầu hết mọi người vào thời điểm đó có mối liên hệ khá chặt chẽ với robot”, Kolkman nói. “Họ cảm thấy như thể họ có mặt ở vị trí của robot thay vì cơ thể của họ”.
Khi bạn rời khỏi cơ thể thật của mình, bạn có thể tiếp tục nhìn xung quanh từ phối cảnh góc nhìn robot. Phối cảnh thức tỉnh được thiết lập khá thô lỗ, là một tấm gương. Khi bạn quay mặt về phía gương, chỉ có khuôn mặt người máy màu trắng lạnh lùng nhìn lại, và đây là cách mà Kolkman nói sẽ mang đến trải nghiệm ngoài cơ thể một cách cực đoan.
Sau đó, chiếc đầu sẽ từ từ di chuyển về phía cơ thể của bạn, một kiểu tua ngược. Trong giai đoạn này, mọi người đã trải nghiệm cảm giác mình đang trôi dạt. “Họ có thể ở trong robot hoặc bên trong cơ thể mình hoặc ở đâu đó ở giữa. Đó là một cảm giác khá kỳ lạ”, ông nói.
Hơn 2.000 người đã dùng thử máy Kolkman, tại các sự kiện như triển lãm và hội chợ về công nghệ. Ông cho biết gần như tất cả trong số họ đã mô tả một số trải nghiệm ngoài cơ thể. Còn đối với việc giảm lo lắng về cái chết, đó là những gì ông hy vọng sẽ tiếp tục có thể khám phá với sự hợp tác với các nhà nghiên cứu.
“Tôi hy vọng rằng những cỗ máy như thế này, hoặc cách suy nghĩ này, có thể thay đổi suy nghĩ của một số người vào giây phút cuối đời. Có lẽ nếu chúng ta có thể lấy đi một chút sợ hãi và sau đó thay thế nó bằng sự chấp nhận, thì điều đó có nghĩa là mọi người sẽ đưa ra các quyết định khác nhau. Họ có thể lựa chọn chống lại việc điều trị, thứ có thể mang lại cho họ thêm một tháng tồn tại nữa nhưng sẽ phải trả giá bằng cả chất lượng cuộc sống và kinh tế”, ông chia sẻ.
Nhưng những kinh nghiệm này thực sự có thể được áp dụng cho việc chăm sóc bệnh nhân ở giai đoạn cuối không? Theo Craig Blinderman, giám đốc Dịch vụ y tế dành cho người lớn tuổi tại Trung tâm y tế Đại học Columbia, ông không nghĩ ai đó đang bị mắc bệnh hiểm nghèo hoặc sắp qua đời có mong muốn tham gia các thử nghiệm như thế này.
Slater cũng có quan điểm tương tự. “Tôi không nghĩ điều này sẽ hữu ích cho những bệnh nhân bị bệnh nặng. Tôi đoán là nó sẽ phù hợp hơn cho những người khỏe mạnh nhưng đang có tâm trạng lo lắng về cái chết”, ông chia sẻ.
Blinderman nói rằng những lo lắng về cái chết đã được ghi lại một cách có hệ thống ở những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nhưng kinh nghiệm của ông cho thấy một số lượng đáng kể bệnh nhân mắc bệnh ung thư sẽ bị suy nhược cơ thể, phổ biến nhất là trong ba tháng sau khi có được chẩn đoán về tình trạng bệnh. Ông cũng nói rằng những lý do phổ biến nhất được đưa ra cho việc sử dụng “cái chết nhân đọa” là những lý do tồn tại, như sợ tương lai, sợ trở thành gánh nặng cho người khác, mất quyền tự chủ.
Nhưng ông cũng nghĩ rằng trải nghiệm VR này có thể là một sai lầm bởi nếu hoạt động, nó có thể thúc đẩy hoặc tạo ra các hệ thống niềm tin chưa từng có trước đây. Sẽ ra sao nếu tất cả mọi người có niềm tin rằng có một cuộc sống sau khi chết, hoặc cơ thể họ là thứ duy nhất chết đi. Thay vào đó, ông gợi ý rằng mọi người nên chú ý hoặc nói ra tới những gì xảy ra trong cơ thể họ thay vì quay lưng lại với nó.
Đồng thời, ông cũng đồng ý với việc sử dụng psilocybin, một hợp chất psychedelic từ các loại nấm “ma thuật”, như một lựa chọn trị liệu phi truyền thống có tính hứa hẹn hơn. Anthony Bossis, một trợ lý lâm sàng về tâm thần học tại NYU Langone Health, một trung tâm học thuật về y tế có liên kết với Đại học New York, gần đây đã công bố một nghiên cứu kiểm soát giả dược và tác dụng của nó trong một môi trường an toàn, có kiểm soát cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Bossis nghĩ rằng tất cả mọi người đều nghĩ về cái chết và sợ chết, ngay cả khi chúng ta trẻ và khỏe mạnh. “Chúng tôi rất khó để nói ra và khiến mọi người không sợ nó”, ông nói. “Đối với một số người, nó ảnh hưởng đến họ nhiều hơn những người khác. Nếu bạn là một con người, bạn không thể nghĩ về việc mình sẽ chết như thế nào”. Thêm vào đó, văn hóa y tế cũng như xã hội khiến cho việc nói về cái chết rất khó khăn. Đó là lý do tại sao cần tìm những cách tốt hơn để nói về nó.
Bossis cho biết trong nghiên cứu của mình, psilocybin đã kích hoạt một loại trải nghiệm thần bí cho bệnh nhân, dẫn đến hành vi và thái độ của họ có sự thay đổi lớn về cái chết và cuộc sống. Sự lo lắng của họ xung quanh cái chết đã giảm đi đáng kể, ông cho biết.
Trong những trải nghiệm huyền bí nói trên, những người tham gia cho biết họ có cảm giác hợp nhất với mọi sinh vật, cảm giác siêu việt, cảm giác có ý nghĩa, cảm giác thiêng liêng. “Cảm giác siêu việt, nó đặc biệt quan trọng”, Bossis nói. “Trong nghiên cứu của chúng tôi, một số người hiểu rõ rằng chúng ta không chỉ là những cơ thể này, không chỉ là bệnh ung thư, mà còn một thứ khác bền vững hơn”.
Nhưng những điều này có khác lắm so với những gì mà Sater đã cố gắng đạt được trong các thiết lập thực tế ảo của mình hay không? Bossis cho rằng mục tiêu cuối cùng là giống nhau, dù phương thức và cách thực hiện cần phải được nghiên cứu thêm.
“Có lẽ chúng ta có thể tạo ra sự siêu việt với công nghệ này”, Bossis nói.
Tuy nhiên, có người lại cho rằng đây chỉ là một lối thoát để rời xa thực tế, hoặc chỉ là một phương pháp để đánh lừa não bộ. Nhưng dù đúng hay sai, đây vẫn là một loại trải nghiệm ảo ảnh khá tuyệt vời mà mọi người có thể tiếp cận trong thời gian ngắn.
Tham khao Vice