Đó là những chia sẻ đầy bất ngờ của Nguyễn Thị Vân, người được Hãng thông tấn BBC bình chọn vào Top 100 phụ nữ ảnh hưởng nhất thế giới năm 2019.
32 tuổi nhưng chưa một lần Vân có thể đứng thẳng lên để đo chiều cao. Cơ thể dị dạng, chân tay teo tóp vì mắc bệnh teo cơ tủy sống bẩm sinh, nặng vỏn vẹn 21kg, phải ngồi xe lăn, tiên lượng cái chết gần kề… đó là những gì số phận đã sắp đặt cho chị.
Từng có một Nguyễn Thị Vân học kém, tự ty… nhưng Vân của giờ đây là 1 trong 100 người phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất toàn cầu (Hãng thông tấn BBC bình chọn năm 2019), Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 (Tạp chí Forbers Việt Nam bình chọn). Chị hiện đang là Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp được định giá triệu đô, có doanh thu hơn 10 tỉ đồng (số liệu Forbers Việt năm 2018), cố vấn Giám đốc trung tâm Nghị Lực Sống (tổ chức phi lợi nhuận chuyên đào tạo kỹ năng công nghệ thông tin miễn phí cho người khuyết tật), MC chương trình Cuộc sống tươi đẹp VTV4 và diễn giả truyền cảm hứng sống tích cực đến cộng đồng…
Trò chuyện với Vân, những gì chị chia sẻ khiến tôi tin rằng, dù có là ai, xuất phát ra sao, lành lặn hay khuyết tật, tất cả đều sẽ chinh phục được đích đến vĩ đại của đời mình.
Trương Thu Hường: Nhìn vào những gì chị đã gặt hái được, hẳn là chị đã nỗ lực rất nhiều trong cuộc sống. Nhưng không biết sự nỗ lực ấy bắt đầu từ khi nào? Phải chăng, từ những năm tháng còn đi học đã có một chị Vân rất chăm chỉ, học giỏi khiến người khác nể phục?
Nguyễn Thị Vân: Nói thật, tôi là người có “lịch sử” học hành rất bết bát (cười).
Suốt 5 năm cấp 1, tôi được ba mẹ đưa tới lớp dành cho học sinh đặc biệt. Ở đó có đủ trẻ mắc bệnh tâm thần, người khuyết tật… Tôi chẳng học được gì nhiều, chỉ đủ biết đọc, viết và tính toán cơ bản. Lên cấp 2, khi đã được học ở lớp dành cho trẻ bình thường, tôi vẫn thường đội sổ, chỉ vớt vát đủ điểm lên lớp.
Hồi đó mẹ tôi bán hàng gần trường phục vụ học sinh. Mỗi ngày, mẹ đưa tôi đến sớm nhất và ra về khi trường không còn một bóng người. Tôi thường ngồi chơ vơ, chờ đợi rất lâu trong tình cảnh không thể tự đi lại được, có việc gì cũng không biết kêu ai. Ở trường quê nghèo nằm bên cánh đồng rộng lớn, khi mưa gió nước tạt vào tận trong lớp học… Đó là kỉ niệm sợ hãi, chẳng vui vẻ gì.
Ngoại hình khác biệt nên đám bạn ác ý thường tìm cách nhốt tôi lại trong lớp, miệt thị, có lúc đánh đập. Họ gọi tôi là người ngoài hành tinh mà trong ký ức của trẻ con, đó là sinh vật phải tiêu diệt.
Lên cấp 3, tôi học hệ dân lập vì điểm thấp. Học hết lớp 10, tôi bỏ sang huyện khác thuê một quán internet tự kinh doanh. Thầy Hiệu trưởng trường THPT Ngô Trí Hòa (Diễn Châu – Nghệ An) lúc đó thấy tôi khuyết tật mà bỏ dở việc học đi kiếm tiền đã gọi về trường, miễn toàn bộ học phí.
Đến cuối năm lớp 12, tôi chuyển về trường cũ ở huyện mình (Nghi Lộc, Nghệ An), tập trung ôn thi. May mắn, tôi vừa đủ điểm tốt nghiệp.
Hết cấp 3, tôi muốn đi làm kiếm tiền vì tôi nghĩ, muốn người ta nghe mình thì phải có đồng tiền chân chính. Người nghèo khổ trong xã hội này nhiều lắm, họ kêu than cũng đã nhiều nhưng đâu ai thấu? Hoặc có lẽ xã hội chỉ thương cảm chứ không thật sự tin họ. Chẳng ai tin người không thành công nói về mình.
Thế nên chẳng có cách nào khác khiến người ta nể trọng mình hơn là việc vươn lên, kiếm ra đồng tiền một cách đường đường chính chính. Điều này không chỉ đúng với nhiều người mà nó còn là con đường ngắn nhất để xóa bỏ sự kỳ thị đối với người khuyết tật.
Trương Thu Hường: Nhưng người ta thường nói, cuộc sống không nên lấy mục tiêu kiếm tiền đặt lên hàng đầu. Chị nghĩ sao về điều ấy? Hẳn là chị cũng đã giống như nhiều người trẻ ở quê mình, có nhiều ước mơ lớn lao khác ngoài chuyện kiếm tiền?
Nguyễn Thị Vân: Ở làng tôi, gần như thanh niên lớn lên là đi ra nước ngoài. Có người đi hợp pháp, có người không. Họ gửi tiền về quê chu cấp cho gia đình. Đám trẻ chúng tôi, từ khi mới biết nhận thức về thế giới xung quanh đã nghĩ đến tương lai ra nước ngoài, thậm chí dành nhiều năm để nghĩ đủ cách làm sao đi được và kiếm ra ngoại tệ.
Chính ba tôi thời trẻ cũng đã từng vượt biên thất bại và bị trục xuất về nước. Hồi đó ba tôi đi vì muốn kiếm tiền trị bệnh cho tôi và anh trai. Chị gái tôi (người con lành lặn duy nhất trong gia đình) thì cố gắng đi Úc, du học ngành vật lý trị liệu để giúp tôi khỏe hơn.
Sẽ có nhiều người nghe nói đến mục tiêu kiếm tiền thì cười nhạo. Có người phê phán tư tưởng tìm đủ mọi cách, bất chấp để ra nước ngoài lao động chui, sống quãng đời rủi ro ngoài vòng pháp luật. Cũng có người hỏi vì sao bỏ ra cả tỷ bạc để “gieo mình” cho bọn buôn người, chấp nhận đánh đổi cả tính mạng mà không dùng tiền đó làm ăn? Mỗi người một số phận, hoàn cảnh và ước mơ khác nhau. Tôi không ở trong hoàn cảnh của họ nên không muốn phán xét.
Quê tôi rất nghèo. Số tiền vượt biên phải đem cầm cố nhà đất để vay mượn trăm bề mới có đủ. Ai cũng nuôi mộng lao động ở trời Tây vì họ đã nhìn thấy nhiều người giàu lên nhờ con đường đó. Nếu được sinh ra và lớn lên trong môi trường người người, nhà nhà tìm cách sang Tây để mong đổi đời, hẳn là bạn cũng sẽ lựa chọn như thế dù có phải đánh đổi. Đó là một dạng bị ảnh hưởng bởi số đông.
Số phận không may ban cho tôi sức khỏe yếu nhưng bù lại, tôi may mắn có ba, mẹ, anh chị tôi là những người đáng học hỏi. Ba tôi là người dành rất nhiều thời gian làm việc thiện. Ông tình nguyện làm việc cho các tổ chức thiện nguyện của Pháp, Đức, điều phối việc hỗ trợ học sinh nghèo ở quê nhà. Mẹ tôi là người yêu lao động, chăm chỉ và rất dễ gần. Anh trai tôi là Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin Nguyễn Công Hùng đã giúp đỡ nhiều người khuyết tật. Còn chị tôi, dù vừa học vừa làm rất vất vả để có thể chi trả học phí nhưng chưa bao giờ chị có ý định nhảy ra ngoài lao động chui, một người rất tôn trọng pháp luật.
Trương Thu Hường: Tôi thực sự thắc mắc, một cô gái 18 tuổi học hành bết bát với khát khao cháy bỏng nhất là kiếm tiền, chị đã bước ra cuộc sống như thế nào?
Nguyễn Thị Vân: Hết cấp 3, tôi rủ một người em họ đi vào Sài Gòn rồi đi một vệt tất cả tỉnh miền Tây tìm kiếm cơ hội. Sau đó, tôi trở lại Hà Nội, di chuyển khắp nơi để xin việc. Quãng thời gian 4-5 năm đó, tôi đã làm rất nhiều việc, mày mò kinh doanh nhỏ lẻ từ quần áo đến bán vé máy bay… rồi học thiết kế đồ họa, kiến thức công nghệ thông tin và tiếng Anh.
Hồi đi học tôi học kém, lại không thích đọc sách. Kiến thức tôi có được, một nửa nhờ mạng internet, nhất là lên YouTube để xem người khác làm. Nửa còn lại do chịu khó quan sát và học hỏi mọi người. Tôi thích chơi với người giỏi hơn mình và hỏi họ tất cả mọi thứ mình không hiểu. Dần dần, kiến thức và tiếng Anh của tôi khá lên. Tôi xin được việc ở một công ty Đan Mạch tại Hà Nội chuyên gia công sản phẩm đồ họa cho các công ty nước ngoài với mức lương khá.
Rồi cú sốc lớn xảy đến với gia đình tôi. Cuối năm 2012, anh trai tôi đột ngột qua đời. Tâm nguyện của anh là muốn tôi tiếp quản Trung tâm Nghị lực sống do anh sáng lập. Đó là tâm huyết cả đời anh nên tôi không thể từ chối.
Khi mới bắt tay vào việc, mọi thứ ngổn ngang và vô cùng khó khăn. Nhiều người không tin tôi làm được. Tôi gặp áp lực khủng khiếp đến nỗi ám ảnh cả vào những giấc mơ.
Nhưng rồi mọi thứ cũng qua đi. Trung tâm Nghị lực sống đến nay sau 7 năm tôi tiếp quản vẫn tồn tại, phát triển, vẫn đào tạo nghề và giới thiệu việc làm miễn phí cho 60-70 người khuyết tật/ năm.
Trương Thu Hường: Cùng trong 1 năm, chị vừa được Forbers Việt bình chọn top 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất cả nước, vừa được hãng BBC bình chọn 1 trong 100 người ảnh hưởng nhất toàn cầu. Chị nghĩ sao về những danh hiệu đó và nếu tự đánh giá về sức ảnh hưởng của mình, chị sẽ nói điều gì?
Nguyễn Thị Vân: Tôi chỉ có duy nhất một cảm xúc là bất ngờ khi nhận được những danh hiệu đó vì tôi thấy những gì mình làm rất nhỏ bé. Cũng có người hỏi tôi sẽ làm gì sau khi nhận được danh hiệu? Tôi nghĩ tôi sẽ làm những gì mình tin là cần thiết. Không phải vì những danh hiệu ấy mà tôi bị áp lực hay miễn cưỡng đề ra kế hoạch lớn lao nào đó.
Trung tâm Nghị lực sống đến nay đã đào tạo được hơn 1.000 học viên. Công ty Imagtor có hơn 80 nhân viên, trong đó 50% là người khuyết tật. Tôi rất hạnh phúc khi được cùng đồng nghiệp giúp đỡ người khuyết tật và gia đình của họ có cuộc sống tốt hơn.
Trước kia tôi rất ngại trả lời báo chí vì không thích chia sẻ chuyện riêng tư. Nhưng sau này tôi nghĩ, chỉ cần một lần trả lời trên truyền thông, biết đâu sẽ giúp được hàng nghìn người. Có thể sẽ có nhiều người đọc bài báo này, trong một lúc nào đó, có thể họ đang bế tắc, biết đâu đấy, họ sẽ nhận được một chút năng lượng tích cực.
Bởi vì tôi không hơn ai cả, tôi học hành kém cỏi, không có bằng ĐH, CĐ, khuyết tật, xuất thân trong gia đình nghèo có 2 con khuyết tật ở một vùng quê nghèo… Vậy mà tôi cũng có thể làm nên điều gì đó thì các bạn không có lý do gì lại không thể làm được điều mình muốn. Miễn sao, điều mong muốn đó không trái luật và phạm đạo đức.
Tôi cũng thường đi trong và ngoài nước làm diễn giả. Tôi thích truyền cho mọi người năng lượng tích cực, niềm vui và lòng tin. Có nhiều người đã nhắn tin cảm ơn tôi vì những chia sẻ đó. Tôi nhớ một bạn nữ sinh sau khi ra trường đã mở doanh nghiệp xã hội. Cô ấy nhắn tin nói cảm ơn tôi vì nhờ có chia sẻ của tôi trong chương trình tọa đàm ở trường mà cô ấy có thêm lòng tin, quyết tâm chinh phục ước mơ.
Những chương trình tôi đi nói chuyện, đa số đều không nhận trả công, thậm chí còn phải tự bỏ tiền đi lại. Nhưng tôi nghĩ đó là những việc nhỏ, khiến mình vui và thực hiện tâm nguyện giúp được ai thì giúp. Có những sự giúp đỡ đúng lúc rất quan trọng. Qua khoảnh khắc ấy rồi, có cho họ cả núi tiền cũng hóa thành vô nghĩa. Nên tôi không thích quan niệm một số người phải giàu mới có thể giúp đỡ người khác. Tôi trân trọng hiện tại với suy nghĩ nếu làm được gì cho người khác thì phải làm ngay.
Cứ như thế, tôi đã có cơ hội nói chuyện với hàng chục nghìn người. Tôi không biết như vậy có phải là ảnh hưởng nhất Việt Nam hay nhất thế giới hay không. Tôi chỉ biết mục tiêu của tôi không phải là gây dựng tầm ảnh hưởng mà chỉ muốn giúp mọi người điều gì đó mình có thể làm được.
Trương Thu Hường: Nhưng tôi lại thắc mắc vì sao một người đánh giá cao vai trò đồng tiền như chị, khi thành lập công ty lại quyết định trích một phần lợi nhuận phục vụ Trung tâm Nghị lực sống cùng các dự án cộng đồng?
Nguyễn Thị Vân: Đúng là tiền rất quan trọng với tôi nhưng một người ăn được bao nhiêu? Mặc được bao nhiêu? Ở được bao nhiêu cái nhà? Tôi sống đơn giản lắm. Ngày trước tôi trọ chung với 6 người, mỗi người chia nhau 700.000đ tiền nhà/ tháng, thêm khoảng 1 triệu tiền ăn nữa là đủ. Sau này kết hôn, tôi và chồng mua căn hộ chung cư 60m2 ở cùng ba mẹ và hai đứa cháu. Chúng tôi vẫn thấy rất thoải mái, đầy đủ. Mình làm sao nuốt nổi khi thấy những người khác đang đói, đúng không? Vậy ta hãy chia sẻ mỗi người một ít cho vui.
Trước kia, trên quãng đường phiêu bạt từ Nam ra Bắc tìm cơ hội, lúc đói ăn được người khác giúp đỡ một gói mì tôm, ổ bánh mỳ, tôi rất trân quý. Tôi muốn giúp những người khác thay đổi số phận giống như tôi đã nhận sự ủng hộ, giúp đỡ từ nhiều người.
Nếu có Trung tâm Nghị lực sống, chỉ mất 6 tháng đào tạo, người khuyết tật có thể tìm được công việc thu nhập ổn định, thay đổi cuộc sống của cả gia đình. Thấy vậy thì người làm công tác xã hội như chúng tôi mừng lắm chứ.
Tuy nhiên, ngân sách hoạt động của Trung tâm lại thiếu, tài chính bếp bênh. Mà tài chính không có thì khó thu hút nhân viên giỏi, làm ra các chương trình hay và ý nghĩa.
Cũng vì vậy mà năm 2016, tôi và bạn mình quyết định mở công ty chuyên gia công sản phẩm đồ họa cho đối tác nước ngoài. Chúng tôi hy vọng sẽ có được lợi nhuận tốt để có tiền cho chính mình và giúp được trung tâm. Lúc khởi nghiệp, tôi chỉ có 5.000 USD tiền tiết kiệm. Đó là nỗ lực suốt nhiều ngày tháng, đã có lúc tôi ăn cơm rau, ăn mì tôm cả tháng để tích tiền. Nhiều người nghe tôi nói về dự định mở công ty cung cấp dịch vụ cho người nước ngoài nhưng nhân viên là người khuyết tật thì họ bảo tôi liều, khùng.
Không ai tin người khuyết tật làm việc hiệu quả. Họ cho là sản phẩm người khuyết tật làm ra chỉ mang tính tình thương, kém chất lượng, giá thành cao. Nếu lại muốn làm cho doanh nghiệp nước ngoài thì càng ảo tưởng lớn. Mà trong tay tôi chỉ có khoảng 100 triệu đồng thì làm sao khởi nghiệp?
Rồi người bạn đồng hành khởi nghiệp cùng cũng rẽ ngang. Những khó khăn thật khó để kể hết. Sau 7 tháng công ty mới tìm được khách hàng đầu tiên nhưng tôi vẫn kiên trì tiếp tục.
Sau 13 tháng, công ty hòa vốn và có nhà đầu tư rót thêm tiền rồi sinh lãi. Đến nay công ty có 50% nhân viên là người khuyết tật, kiếm được hợp đồng từ đối tác bên Mỹ, Úc, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Công ty vẫn đang mở rộng và lên kế hoạch nhắm vào các mảng việc khác còn tôi thì đã rút khỏi vị trí quản lý trực tiếp, lên làm CTHĐQT và chỉ tham gia cố vấn các quyết định lớn.
Trương Thu Hường: Từ nhỏ đã bị quá nhiều người nói những lời nhận định không hay về tương lai, khi bắt đầu kinh doanh thì bị phản đối dữ dội. Vậy điều gì đã khiến một cô gái bé nhỏ như chị kiên định với mục tiêu và con đường của mình?
Nguyễn Thị Vân: Trước kia, vì ai cũng nói tôi sau này sẽ thành người ăn xin, không thể làm được việc gì nên lâu dần, tôi cũng tin là như thế. Nhiều khi tôi tin tới mức muốn chết cho xong.
Nhưng từ khi ý thức được những lời nói ấy không đúng, tôi bắt đầu nghiệm ra, cuộc sống này không thể bị phụ thuộc vào người khác. Ví dụ ngay cả chuyện chúng ta yêu ai, nhiều người cũng chịu ảnh hưởng từ ba mẹ, bạn bè hay thậm chí hàng xóm, người không quen trên mạng. Thấy người ta nói quá nhiều rằng người kia không tốt thì cũng tự nhiên nghi ngờ họ.
Ví dụ như khi còn trẻ, mấy ai dám tự quyết định học trường nào, làm nghề gì. Nhiều người phó mặc cho ba mẹ quyết định giùm rồi đến khi không như ý thì lại quay sang đổ lỗi.
Tôi nghĩ tất cả là vì họ thiếu tính độc lập. Một người có bản lĩnh sống độc lập thì dù cả xã hội đi ngược lại với mình, mình cũng không sợ. Quyết định sai hay đúng là do mình. Vì thế, tôi có tinh thần tự quyết định, tự chịu trách nhiệm. Nếu để người khác quyết định thay thì hẳn tôi sẽ phải cả đời đi theo họ, chờ họ quyết định hộ.
Con người thường có nỗi sợ cố hữu ở trong lòng. Nên khi đối diện với thực tế họ thường do dự. Khó khăn đôi khi không như ta tưởng nhưng lại cứ tưởng tượng ra như thế. Họ thường tìm kiếm sự củng cố bằng cách muốn có sự đồng tình từ người ngoài dù chưa biết, sự đồng thuận ấy có thật lòng hay không.
Nếu không sợ hãi, nếu sống độc lập thì tôi nghĩ không có khó khăn gì chúng ta không thể vượt qua.
Nhiều người cũng thường đổ lỗi cho số phận. Tôi nghĩ đúng là cuộc đời có một phần may rủi của số phận. Ví như chuyện sinh ra là con trai hay con gái, được ai sinh ra, sinh ra ở đâu… là do ông trời quyết định. Phần còn lại là do chúng ta kiến tạo ra. Nếu không có cơ hội thì phải tự tạo ra cơ hội, phải biết biến bất lợi thành thuận lợi, trong rủi do nhìn ra được cơ hội.
Tôi rất thích câu nói: “Bạn không thể thay đổi hướng gió nhưng có thể điều khiển cánh buồm để luôn đạt được điểm đến của mình“. Cuộc đời tôi, tôi nghĩ rất đúng với câu nói ấy.
Trương Thu Hường: Nếu là người luôn nhìn thấy cơ hội trong rủi do, biến bất lợi thành thuận lợi thì chị nghĩ, việc sinh ra là người khuyết tật đã cho chị những khó khăn và thuận lợi gì?
Nguyễn Thị Vân: Khó khăn nhất là sự kỳ thị. Mới gặp tôi, họ thường không tin tôi làm được. Thuận lợi nhất là tôi luôn gây sự chú ý. Ví như ở chương trình có hơn 1.000 doanh nhân, duy nhất tôi là người ngồi xe lăn. Tôi nghĩ sau buổi giao lưu, có nhiều người sẽ chẳng được nhớ mặt nhưng sẽ có rất nhiều người biết tôi.
Khi mình gây chú ý như vậy, nếu có thể bứt phá thì sẽ đảo chiều từ kỳ thị sang nể trọng rất nhanh chóng.
Trước kia, khi đi đâu, mỗi lần thấy người ta đổ dồn nhìn về phía mình, tôi rất tự ty, sợ hãi, thậm chí khó chịu, ác cảm… Nhưng khi học cách quan sát, đặt mình vào trường hợp người khác, tôi hiểu đó đôi khi là phản ứng bình thường không ác ý. Vì thế, nỗi sợ bên trong thường làm ta không nhìn nhận đúng thực tế. Vượt qua được điều này, tôi dần dần tận dụng triệt để lợi thế gây chú ý của mình.
Trương Thu Hường: Tôi nghe nói chị đang có cuộc hôn nhân rất hạnh phúc với chồng là người nước ngoài. Trước đó, chị cũng đã có nhiều mối tình. Chị nghĩ sao về điều này?
Nguyễn Thị Vân: Cuộc sống không thể thiếu tình yêu dù ta có là ai. Chuyện gặp gỡ rồi chia tay, tôi nghĩ hẳn cũng là điều bình thường.
Có thể mỗi người quan niệm một khác nhưng tôi nghĩ, việc mất thời gian đau khổ vì cuộc tình không đi đến đâu sẽ làm ta mất đi nhiều thứ khác trong cuộc sống. Mất sức khỏe, thời gian, cơ hội tìm người mới, giảm nhiệt thành trong công việc, cản trở sự thăng tiến, sụt năng lượng, mất đi sức hấp dẫn, thậm chí mất bạn bè vì không ai thích ở gần người mà lúc nào cũng âu sầu, ủ ê.
Nghiệm ra điều này, tôi nghiêm khắc rèn luyện mình. Tôi học cách tự cân bằng cảm xúc, kiểm soát bản thân. Mỗi khi buồn, tôi tìm người tâm sự, tìm việc vui vẻ để làm, mở rộng quan hệ và những cơ hội khác cứ thế tự nhiên đến. Sự kết nối với nhiều người làm ta bớt cô đơn và xao nhãng đi nỗi buồn cũ.
Tôi nghĩ trong vấn đề yêu đương không thể đánh giá dựa vào chuyện yêu nhiều hay ít mà là sự đàng hoàng, tử tế khi yêu và chia tay.
Trương Thu Hường: Vậy bí kíp để chị hấp dẫn và chinh phục chồng mình là gì vậy?
Nguyễn Thị Vân: Tình yêu có thể đến từ những điều rất giản dị. Ví như chồng tôi, anh không biết tôi là người như thế nào nhưng cũng bay từ Úc sang Việt Nam gặp mặt vì thích nụ cười của tôi khi xem ảnh. Rồi chúng tôi chia sẻ rất nhiều và cảm thấy hợp nhau. Sau chừng hơn 1 năm thì quyết định kết hôn.
Nhiều người cứ hỏi tôi, ngoại hình tôi như vậy thì có thể giữ được anh bao lâu? Tôi nghĩ sức hấp dẫn của con người không chỉ vì tuổi tác hay ngoại hình. Nó là một phạm trù thuộc về kỹ năng sống.
Ví như việc mình biết lựa tính đối phương để cư xử, biết bật đèn xanh đúng lúc, cương nhu tùy lúc, biết mở lòng để đón nhận… Những cái đó có được đều nhờ trải nghiệm. Phải đi nhiều, quan sát và trải nghiệm nhiều thì vốn sống mới dày lên, mới nghĩ khác đi được.
Khi đến với chồng, tôi cũng suy nghĩ rất nhiều về việc có nên kết hôn hay không, vì tôi không biết mình sẽ sống được bao lâu với sức khỏe yếu như vậy. Nhưng rồi chúng tôi vẫn chọn kết hôn vì cả 2 đều nghĩ rằng: không ai lường trước được ngay mai nên hãy dành thời gian làm điều mình muốn.
Cả tôi và anh đều quan niệm, tình yêu, hạnh phúc cũng là trải nghiệm. Cho nên đang lúc đón nhận điều tốt đẹp cũng phải sẵn sàng cho cả những điều không hay. Nếu nghĩ được thế thì có thể đón nhận mọi thứ nhẹ nhàng hơn.
Chẳng có cái gì là mãi mãi. Tôi cũng không thể nói sẽ sống hạnh phúc với anh trong bao lâu. Tôi không kỳ vọng cái gì là vĩnh hẵng mà chỉ biết trân trọng hiện tại. Tôi cũng hiểu rằng, chỉ có thể kiểm soát chính mình nhưng tình yêu và hạnh phúc gia đình còn phụ thuộc một nửa vào đối phương nên không thể miễn cường. Miễn sao mình hiểu, hạnh phúc không nên dựa vào một người khác. Mỗi người phải tự sống vui, có nhiều việc ý nghĩa để làm. Tôi nghĩ chính vì sự tương hợp trong suy nghĩ này mà chúng tôi đã đến được với nhau dù ở cách xa nửa vòng trái đất.
Có lần một tờ báo phỏng vấn anh ấy rằng: anh có nghĩ cô ấy thật may mắn khi gặp anh và anh đã làm cho cuộc sống của cô ấy hạnh phúc hơn? Chồng tôi trả lời: không, vì trước khi quen tôi, cô ấy đã là người rất hạnh phúc. Cuộc sống của cô ấy thật sống động và nhiều màu sắc. Tôi nghĩ, tôi mới là người may mắn khi được tham gia hành trình với cô ấy.
Trương Thu Hường: Có lẽ sẽ là hơi khiếm nhã nhưng tôi rất tò mò, chị duy trì đời sống tình dục của mình như thế nào để vun đắp hạnh phúc gia đình vì người ta nói, hôn nhân hạnh phúc có đóng góp của tình dục đến 50%?
Nguyễn Thị Vân: Tôi nghĩ tình dục đúng là rất quan trọng trong hôn nhân. Nhờ có nó mà tôi và chồng hiểu nhau hơn. Nó giúp giảm stress sau công việc, tăng cường hạnh phúc, sự thân mật.
Tôi không thể tưởng tượng một cuộc hôn nhân không có tình dục là như thế nào. May mắn, tôi tuy không đi lại được nhưng vẫn có thể trải nghiệm đời sống này một cách trọn vẹn ở tất cả các giác quan trên toàn bộ cơ thể. Và vợ chồng tôi đã có cuộc hôn nhân rất hạnh phúc, kể cả về tình cảm lẫn tình dục.
Dù học hành kém ở trường nhưng tôi rất chịu khó quan sát, học hỏi từ mọi người, từ cuộc sống và qua mạng internet. Tôi nghĩ tình dục cũng là một kỹ năng cần phải học hỏi, rèn luyện. Trên đời này, không có cái gì không học mà lại giỏi được, tình dục cũng vậy.
Trương Thu Hường: Tôi vừa nghe chị nói sức khỏe mình rất yếu, không biết sống chết ra sao. Chị có thể nói rõ hơn về điều này?
Nguyễn Thị Vân: Năm 2014, bác sĩ tiên lượng tôi chỉ sống đến năm 31 tuổi. Đó cũng là năm anh tôi qua đời vì đột ngột suy hô hấp.
Những người mắc bệnh như tôi có tuổi thọ không cao. Bệnh teo cơ tủy sống gây ra bởi tình trạng thiếu một protein noron vận động. Protein này phân bố rộng rãi trong tất cả nhân tế bào và cần thiết cho sự tồn tại của nơ-ron vận động. Khi mức protein thấp sẽ dẫn đến mất chức năng của các tế bào vận động thuộc sừng trước của tủy sống và gây nên hậu quả teo cơ toàn bộ hệ thống của hệ cơ xương.
Các trường hợp càng nặng thì càng tử vong sớm. Có thể sống đến khi trưởng thành với người bệnh này đã là một may mắn.
May mắn hơn nữa là tôi đã vượt quá số năm sống mà bác sĩ tiên lượng. Mới đây khi tái khám, bác sĩ nói hiện nay y học chắc chắn các mức độ tuổi thọ của người bệnh như tôi. Một mốc là đến năm 18 tuổi (tôi đã qua), một mốc là 34 tuổi, một mốc khác là đến 54 tuổi. Chỉ cần gửi mẫu sang Úc kiểm định thì sẽ có kết quả. Nhưng lần này, tôi từ chối phương pháp ấy.
Trương Thu Hường: Lý do vì sao vậy?
Nguyễn Thị Vân: Tôi nghĩ là cuộc sống thật vô thường. Dù không chết vì bệnh, ngày mai ra đường cũng có thể chết vì tai nạn giao thông. Mà dù có biết hay không thì cái chết nhất định sẽ tới. Tiên đoán trước số ngày còn sống chỉ càng làm người bệnh thêm hoang mang.
Cách đây 5 năm, khi bác sĩ tiên lượng tôi chỉ còn sống 4 năm, đó là một lời tuyên án thật lạnh lùng. Vì lời nói đó mà tôi luôn ám ảnh, nhiều quyết định đưa ra cũng bị ảnh hưởng. Ví như tôi không dám nghĩ đến cái gì lâu dài, không dám hoạch định kế hoạch 5, 10 năm. Tất cả những gì tôi làm thường đáp ứng cho hiện tại nhiều hơn. Mỗi khi phải quyết định điều gì đó dài hơi, tôi lại phải trăn trở nhiều. Chẳng hạn, chuyện đi du học, kết hôn hay mua nhà, tôi rất đau đầu với suy nghĩ mình sẽ chẳng còn sống được bao lâu.
Trương Thu Hường: Tôi lại nghĩ, khi đối mặt với cái chết như vậy, chị sẽ có nhiều thời gian để chuẩn bị và sống tốt hơn trên tinh thần: trọn vẹn từng khoảnh khắc. Phải không?
Nguyễn Thị Vân: Sống tốt hơn thì tôi không chắc nhưng chuẩn bị thì có.
Cách đây 2 năm, tôi đã bàn giao công việc quản lý trực tiếp ở Trung tâm Nghị lực sống và công ty Imagtor. Giờ đây, tôi chỉ còn đóng vai trò cố vấn ở Trung tâm và CTHĐQT ở công ty. Tôi nghĩ, các tổ chức này cần phải hoạt động vững mạnh khi không có tôi để đảm bảo ngày nào đó, lỡ tôi ra đi đột ngột như anh trai mình, cả 2 nơi đều không bị ảnh hưởng.
Mặt khác, sức khỏe tôi cũng không cho phép tôi làm việc nhiều. Tôi nghĩ mỗi người có giới hạn về năng lực. Khi đã đạt đến điểm giới hạn đó rồi thì nên đứng sang một bên nhường đường cho tổ chức phát triển tiếp.
Tôi là người có tham vọng nhưng không tham lam và luôn nghĩ cho tập thể. Vì sự lớn mạnh của công ty, của Trung tâm Nghị lực sống phụ thuộc vào người đứng đầu.
Sau khi rút khỏi vị trí Giám đốc, tôi có nhiều thời gian hơn để làm điều mình thích. Tôi thường dành thời gian đi nói chuyện, chia sẻ và thực hiện giấc mơ đi vòng quanh thế giới truyền cảm hứng sống cho mọi người.
Đến bây giờ, tôi thấy mình đã sống khá trọn vẹn và không có gì để tiếc nuối nữa. Nhiều khi tôi cũng nghĩ về cái chết và cảm thấy nó khá nhẹ nhàng, miễn sao không đau đớn là được vì cả đời tôi, mỗi lúc đang ngồi nói chuyện như thế này vẫn luôn phải chịu đau. Tôi cũng trải qua nhiều ca phẫu thuật với ước mơ đi lại được làm hai chân đều có nhiều vết sẹo. Có lẽ vì thế, tôi chỉ mong ra đi không đau đớn. Thế thôi. Còn lại mọi thứ, tôi không tiếc điều gì.
Cho nên nếu có một ngày, tôi biết đó là ngày cuối cùng để sống, tôi vẫn sẽ sống như mọi ngày đã từng.
Trương Thu Hường: Xin cảm ơn chị và chúc chị luôn hạnh phúc!