Tập trung phòng chống tham nhũng trong các lĩnh vực nhạy cảm
Cuộc họp diễn ra chiều qua (12/1) nhằm đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực trong khối Chính phủ và chính quyền địa phương.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành đều cho rằng công tác thanh tra, PCTN tiêu cực đã và đang được thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực và được cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được đẩy mạnh; công tác chỉ đạo, điều hành thanh tra, PCTN được tập trung thường xuyên; kịp thời phát hiện các dấu hiệu sai phạm để ngăn chặn, xử lý…
Công tác thanh tra, PCTN được tập trung trong các lĩnh vực nhạy cảm như khoáng sản, đất đai, bất động sản, tài chính, đầu tư, xây dựng, quản lý tài sản nhà nước, quy hoạch… Qua đó góp phần ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để các vấn đề phát sinh ảnh hưởng lớn tới các vấn đề vĩ mô và các cân đối lớn.
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng nhận định, các hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, trên nhiều lĩnh vực, một số vụ việc có quy mô lớn. Trong khi đó, quy định của pháp luật còn chưa hoàn thiện, đồng bộ; lực lượng chuyên ngành PCTN chưa đủ mạnh; công tác phòng ngừa được quan tâm, song hiệu quả chưa cao; xử lý sai phạm, thu hồi tài sản do tham nhũng mà có còn khó khăn…
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong năm qua, công tác PCTN, tiêu cực trong hệ thống thuộc khối Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức xuyên suốt, bao quát, liên tục, quyết liệt từ Chính phủ đến chính quyền các địa phương, dưới sự lãnh đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực và sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương; thể hiện quyết tâm chính trị cao và đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Trong suốt quá trình chỉ đạo, lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội và các vấn đề khác, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm và luôn đề cập tới công tác PCTN, tiêu cực; đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tổ chức tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục hậu quả các vụ việc tồn đọng, kéo dài trong nhiều năm qua.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được đặc biệt quan tâm với nhiều nghị định, nghị quyết được Chính phủ ban hành; đề xuất Quốc hội sửa đổi, ban hành các Luật, Nghị quyết để dần hoàn thiện thể chế, khơi thông các “điểm nghẽn” và làm cơ sở pháp lý để thực hiện.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đẩy mạnh. Tổ chức, bộ máy tại các cơ quan, đơn vị chuyên trách về PCTN được kiện toàn. Trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN được nâng cao.
PCTN tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước được quan tâm hơn. Công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo được đẩy mạnh, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, đã phát hiện, xử lý nhiều sai phạm, tham nhũng, tiêu cực…
Chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục, Thủ tướng cho rằng, chất lượng các cuộc thanh tra cần được nâng lên; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần được đổi mới; chất lượng, số lượng đội ngũ làm công tác thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu ở mức cao; thanh tra chuyên đề, chuyên ngành cần được đẩy mạnh; công tác giám định, định giá tài sản, việc xử lý tài sản, thu hồi tài sản còn khó khăn; quyết tâm chính trị của một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa cao; cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đủ mạnh; việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của người dân còn hạn chế…
Theo Thủ tướng, trong PCTN thì công tác phòng ngừa là cơ bản, lâu dài; xử lý, khắc phục hậu quả là cấp bách, quan trọng. Do đó, các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải tuân thủ lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, tham mưu kịp thời… để PCTN từ sớm, từ xa.
Minh bạch hóa các hoạt động, giảm nguy cơ tham nhũng, tiêu cực
Thủ tướng Chính phủ dự báo, năm 2022 tình hình diễn biến khó lường trên mọi mặt, ảnh hưởng đến công tác PCTN, tiêu cực. Do đó, công tác PCTN, tiêu cực cần bám sát các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Theo đó, các bộ, ngành, cơ quan thuộc khối Chính phủ, chính quyền các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bám sát sự lãnh đạo của Đảng; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong lĩnh vực PCTN, tiêu cực; thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực.
Thủ tướng yêu cầu ngành Thanh tra tăng cường thanh tra, nhất là đối với trách nhiệm người đứng đầu, trong đó có người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương; tổ chức thanh tra chuyên đề, chuyên ngành.
Tập trung thanh tra các chương trình lớn như chương trình phòng, chống Covid-19; chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội; cổ phần hóa doanh nghiệp; xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; đầu tư công… và thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực: đất đai, chứng khoán, quy hoạch, tài nguyên, môi trường; quy hoạch năng lượng; quản lý khoáng sản…
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các ngành nội chính đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, xét xử các vụ án theo đúng pháp luật, trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kinh tế – xã hội để có cơ sở dữ liệu và minh bạch hóa các hoạt động, giảm nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Cần tiếp tục củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tham nhũng; có biện pháp tốt hơn, bảo vệ những người tố giác.
Ngoài triển khai PCTN theo kế hoạch cần bám sát thực tiễn, kịp thời kiểm tra, thanh tra đối với những vấn đề nổi lên…
Theo K.L (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/phong-chong-tham-nhung-phong-ngua-la-co-ban-khac-phuc-hau-qua-la-cap-bach-d174698.html