Từng vướng phải cú phốt nhớ đời với CLB Hải Phòng nhưng sau tất cả, Stevens vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam, qua những tâm tình đầy chân thật.
Lời tòa soạn: Hơn 1 năm trước, ngoại binh Errol Stevens từng gặp mâu thuẫn lớn với Hải Phòng và đã đưa cả nhà đình rời Việt Nam trở lại Jamaica. Đến Hè 2019, anh thắng kiện Hải Phòng, được FIFA phán quyết nhận gần 5 tỷ đồng đền bù từ CLB của Việt Nam.
Hiện, Errol Stevens đang chơi cho CLB Thanh Hóa với tương lai rộng mở, vẫn ở V.League, vẫn ở Dải đất hình chữ S. Hãy nghe Errol Stevens tâm sự về hành trình của mình với đất nước Việt Nam.
VỀ JAMAICA KINH DOANH DỰ ÁN TIỀN TỶ NHƯNG QUYẾT KHÔNG BỎ BÓNG ĐÁ
Phóng viên (PV): Stevens này, phải nói thật tôi rất tò mò về cuộc sống của anh ở Jamaica trong vòng 1 năm qua. Một cầu thủ dù còn sung sức nhưng lại không thể chơi bóng, cảm giác chắc là tệ lắm?
Errol Stevens: Sau khi rời khỏi Việt Nam, tôi thực sự nghĩ về cuộc sống của mình nếu không có bóng đá thì sẽ ra sao? Vậy nên tôi bắt đầu kinh doanh, mua bất động sản, cho thuê một căn hộ qua Airbnb để có nguồn thu nhập chăm sóc cho gia đình.
Thỉnh thoảng tôi có đến tập cùng ĐTQG Jamaica mỗi khi đội tập trung. Điều đó cũng rất tốt nhưng tất nhiên đội tuyển cũng chỉ có những đợt tập trung nhất định nên nó không thể bằng việc liên tục được ra sân tập luyện và thi đấu.
Quyết định đầu tư vào bất động sản ở Jamaica, có vẻ như anh đã nghĩ đến việc sẽ ở lại quê nhà để tìm hướng đi mới?
Căn hộ tôi mua để kinh doanh ở Jamaica thực sự có vị trí rất tốt. Đó là khu nghỉ dưỡng bãi biển số 1 cho khách du lịch khi đến Jamaica, giống như Phú Quốc hay Nha Trang của Việt Nam vậy. Nhờ đó tôi có thể kiếm tiền để sống trong suốt cả năm qua mà không cần đến bóng đá.
Nhưng kể cả là thế, trong thâm tâm tôi cũng không bao giờ nghĩ mình không chơi bóng đá được nữa bởi tôi biết mình không làm gì sai cả. Trước khi FIFA có phán quyết cuối cùng, tôi cũng luôn tin tưởng rằng mình sẽ thắng kiện.
Trong khoảng thời gian đó, anh có tìm kiếm cơ hội chơi bóng ở một nơi khác mà không phải là Việt Nam?
Thực tế có CLB ở V.League liên hệ với tôi. Vào tháng 12, tôi cũng tới Malaysia và thử việc ở Pahang. Tại đây tôi chơi 1 trận, ghi được 1 bàn thắng và được đề nghị ký hợp đồng. Đến khi tất cả giấy tờ đã xong và được gửi đi thì FIFA nói rằng Errol Stevens vẫn còn hợp đồng với Hải Phòng. Tôi không hiểu vì sao bởi rõ ràng trước đó Hải Phòng đã chủ động cắt hợp đồng với tôi rồi.
Theo như anh nói, tôi có thể hiểu anh bị Hải Phòng gây khó dễ?
Tôi cũng cảm thấy dường như người ta đang cố tình làm khó mình. Tôi đã liên hệ với FIFA và họ cũng công nhận nếu cầu thủ đã ngừng hợp đồng với một CLB thì được phép ký với CLB khác. Thế nhưng khi LĐBĐ Malaysia gửi thủ tục để xin giấy phép chuyển nhượng quốc tế (ITC) nhưng không được chấp nhận.
Thực sự lúc đó tôi cảm thấy rất tệ. Tôi đã phải để vợ con ở lại Jamaica, mua vé máy bay đi một chặng đường rất xa tới Malaysia nhưng rồi chẳng đạt được điều gì cả. Nhưng dù mọi chuyện có tồi tệ ra sao thì tôi vẫn luôn tự nhủ rằng mình không được phép bỏ cuộc.
Chắc chắn phải có một động lực lớn lao để anh không gục ngã trong hoàn cảnh éo le đó?
Gia đình luôn luôn là động lực số 1 để tôi cố gắng. Sau tất cả những lùm xùm, tôi nói với vợ mình rằng nếu em tin anh, anh sẽ kiện lên FIFA, nhưng đó sẽ là một quãng thời gian khó khăn bởi có thể sẽ phải mất tới cả năm trời và tiền kiếm được sẽ ít đi.
Cô ấy bảo đó không phải là vấn đề, có tiền hay không chẳng quan trọng, em sẽ luôn ở cạnh anh và chắc chắn sẽ chỉ có một sự thật trong vụ việc này. Nếu FIFA nói tôi sai, vợ tôi cũng chấp nhận, nhưng cả hai chúng tôi đều tin rằng mình luôn làm đúng từ đầu đến giờ.
“ĐẾN VIỆT NAM CHƠI BÓNG TỐT HƠN SO VỚI MỸ”
Sau “thất bại” ở Malaysia, mọi thứ ở Jamaica vẫn ổn với anh chứ?
Trời. Tôi phải nói rằng mọi thứ rất buồn chán. Khi trở về Jamaica tôi cũng có xuất hiện trên truyền hình và được hỏi về những rắc rối mình gặp phải. Bố mẹ, em gái, bạn bè của tôi đều rất buồn.
Bố tôi có thói quen chạy bộ. Ông thường bảo “Này con trai, đi chạy với ta cho khuây khỏa nào”. Nhưng thực sự thời gian đầu tôi không còn cảm hứng để làm gì cả, dù mọi người trong gia đình luôn cố gắng động viên. Buổi sáng sau khi đưa con đến trường, tôi chỉ biết ở nhà và chẳng có nhiều việc để làm. Thỉnh thoảng tôi có đưa các con đi chơi hay gặp gỡ bàn bè. Vậy thôi.
Việc kinh doanh ở khu nghỉ dưỡng cũng không có gì khó khăn lắm, mọi thứ được vận hành thông qua Airbnb, tiền sẽ được chuyển về tài khoản khi có khách thuê, tôi thậm chí chẳng cần phải có mặt ở đó để quản lý.
Được mời lên TV, lại có thể tập nhờ tại ĐTQG, dường như cái tên Errol Stevens rất nổi tiếng ở Jamaica?
Thực ra để tập luyện ở ĐTQG không bao giờ là dễ dàng. Nhưng do tôi từng khoác áo đội tuyển và có sự quen biết với BHL nên tôi có thể xin tập cùng mà không gặp khó khăn gì. Ở quê nhà mọi người đều biết đến tôi, họ cũng theo dõi cả V.League nữa đấy. Ngoài ra, các cầu thủ khác cũng luôn bày tỏ sự tò mò với tôi về Việt Nam.
Tôi rất tò mò muốn biết anh đã kể với họ những gì…
Tôi luôn nói với họ rằng nếu ra nước ngoài chơi bóng, đến Việt Nam tốt hơn so với Mỹ. Chơi bóng ở MLS (giải nhà nghề Mỹ) có thể danh tiếng hơn nhưng để nếu muốn chăm lo được cho gia đình thì nên đến V.League.
Năm 2012, tôi từng nhận được đề nghị từ Philadelphia Union nhưng người đại diện của tôi nói rằng mức đãi ngộ của đội bóng này quá thấp. Bởi vậy tôi luôn nói với những người bạn của mình như Rimario (Thanh Hóa) hay Chevaugh Walsh (HAGL) nên đến Việt Nam để chơi bóng.
Còn đối với các cầu thủ trẻ, tôi chỉ chia sẻ đơn giản rằng họ luôn phải nghĩ đến việc sau khi không chơi bóng nữa thì mình sẽ làm gì và đến Việt Nam sẽ tạo ra được một nền tảng tốt hơn để họ có thể chăm sóc cho gia đình của mình.
Nghe có vẻ như anh rất có tiềm năng để trở thành một nhà môi giới cầu thủ Jamaica cho V.League đó chứ. Đã có ai được anh trực tiếp giới thiệu cho một CLB của Việt Nam chưa?
Trực tiếp giới thiệu thì mới chỉ có một người duy nhất thôi. Cầu thủ đó tên Girvon Brown, tới thử việc tại Đồng Tháp vào năm 2015 nhưng tiếc rằng sau đó hai bên đã không thể ký hợp đồng. Cậu ấy có nói với tôi rằng khó khăn nằm ở chỗ không thể ăn được đồ ăn Việt Nam và một vài điều nhỏ nhặt khác nên quyết định sẽ trở về nhà thì tốt hơn.
Thực tế Jamaica là một quốc gia Caribe, lại khá gần Mỹ nên lối sống có không ít sự khác biệt với Việt Nam và không phải ai cũng có thể thích nghi được.
Kể ra môi giới cầu thủ cũng là một lựa chọn hay, nhưng tôi thích trở thành HLV hơn. Hiện tại tôi đã có bằng D của FIFA và có thể tham gia các lớp huấn luyện cho các cầu thủ trẻ từ 8 đến 12 tuổi rồi.
Đời cầu thủ không thể kéo dài mãi, tôi có thể chỉ chơi bóng được trong 5,6 năm tới là cùng. Ít nhất trong 1 năm vừa qua, tôi đã học được cách để sống một cuộc sống không có bóng đá. Bởi vậy những gì vừa trải qua cũng là một trải nghiệm quý giá, giúp tôi có thêm tự tin cho những định hướng xa hơn của cuộc đời.
Nhưng làm HLV dường như áp lực và vất vả hơn một người môi giới nhiều…
Tôi biết chứ. Nhưng tôi yêu bóng đá và muốn theo nghiệp huấn luyện. Và có thể lắm chứ, tôi muốn huấn luyện hai con trai mình trở thành cầu thủ và đưa chúng tới Việt Nam thi đấu.
Tôi từng đọc được ở đâu đó rằng anh không muốn con mình trở thành cầu thủ bóng đá vì nghề này quá nhiều vất vả. Điều gì đã thay đổi suy nghĩ của anh vậy?
Thực ra không phải tôi thay đổi mà đơn giản tôi luôn nghĩ mình sẽ để cho hai con trai của tôi theo đuổi những gì chúng thích. Hiện tại tôi thấy các con đang có sự hứng thú với bóng đá, bởi chúng thích được như bố của mình. Nhưng nếu sau này các con nói với tôi rằng muốn làm bác sĩ, phi công hay gì đó, tôi sẽ luôn đồng ý mà không có sự gò ép nào.
Để thành công được với bóng đá không phải dễ. Đôi khi chấn thương ập đến bất ngờ hoặc gặp phải những mùa giải kém may. Tôi cũng từng nghĩ nếu con mình trở thành cầu thủ thì cũng sẽ phải trải qua những khó khăn như của tôi.
Nhưng thực ra bác sĩ cũng sẽ có vấn đề riêng của bác sĩ, giáo viên hay bất kì ngành nghề khác cũng đều như vậy. Cuộc sống không bao giờ có lựa chọn dễ dàng và chúng ta đều phải tìm cách để đương đầu và vượt qua chúng.
V.LEAGUE CÓ THỂ CÒN NHIỀU VẤN ĐỀ, NHƯNG VIỆT NAM VẪN LÀ SỐ MỘT
Có thể thấy anh vẫn duy trì được động lực thi đấu rất mãnh liệt sau tất cả những biến cố phải trải qua. Hỏi riêng tư một chút, bầu Đệ có đặt mục tiêu gì cho anh và CLB Thanh Hóa trong thời gian tới không?
Chủ tịch đội bóng có nói về chức vô địch V.League 2020. Nhưng đó không phải mục tiêu mà chỉ là kì vọng thôi. Tôi có biết chuyện người ta nói ngoài Hà Nội ra thì không ai có thể vô địch, nhưng chẳng phải SLNA hay Bình Dương trong những năm qua đều đã đoạt cúp đó sao. Bản thân tôi cũng suýt chút nữa lên ngôi cùng Hải Phòng vào năm 2016.
Nói thế để thấy việc vô địch V.League không hề dễ dàng nhưng không phải chuyện không thể. Bản thân một cầu thủ như tôi sẽ luôn phải duy trì sự cố gắng và tất nhiên hi vọng may mắn cũng sẽ đến với đội bóng của tôi.
Còn về lối chơi của Thanh Hóa, anh có cảm thấy sự khác biệt đáng kể nào so với Hải Phòng không?
Nhìn chung sau 1 năm trở lại, tôi thấy V.League cũng không có nhiều thay đổi. Nhưng việc các CLB được phép chơi với 3 ngoại binh khiến tôi cảm thấy mọi thứ có phần dễ dàng hơn.
Còn nếu so sánh, tôi nghĩ cầu thủ nội của Thanh Hóa có chất lượng tốt hơn. Văn Thắng, Đình Tùng, Văn Hiếu, Trọng Hùng, Xuân Cường, Văn Nam… đều là cầu thủ giỏi. Đội bóng cũng được vận hành với lối chơi ban bật, tích cực chuyền bóng ngắn phối hợp chứ không phải lúc nào cũng là những đường phất dài lên cho tiền đạo ngoại tự xử lý.
Vậy anh có đặt mục tiêu mình sẽ ghi bao nhiêu bàn thắng trong phần còn lại của mùa giải?
Với tôi chiến thắng của đội bóng là điều quan trọng nhất. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải ghi bao nhiêu bàn mà luôn luôn cố gắng chơi tốt nhất có thể và khi đó bàn thắng sẽ đến thôi. Tôi ghi bàn cũng được, hoặc kiến tạo cho đồng đội cũng được, đó đều là bàn thắng dành cho đội bóng.
Dù đã phải trải qua không ít những sóng gió, nhưng có lẽ đến Việt Nam vẫn là quyết định đúng đắn nhất trong sự nghiệp của anh?
Việt Nam có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời tôi. Cuộc sống mà tôi đang có bây giờ đều nhờ nơi đây, các con tôi cũng được sinh ra ở đây.
Thời điểm 1 năm sống ở Jamaica vừa rồi, khi không thể biết liệu mình có thể trở lại Việt Nam chơi bóng hay không, nhưng tôi có nói với vợ mình rằng khi các con lớn lên, tôi sẽ đưa chúng trở lại đây để chúng không bao giờ quên nơi mình chào đời.
Tôi là người Jamaica, vợ tôi là người Nga nhưng con tôi bây giờ có thể nói được 4 thứ tiếng. Đôi khi trong một câu nói, chúng dùng cả tiếng Việt, Anh, Jamaica và Nga. Ngộ nghĩnh lắm.
Khi chúng đến trường, thấy con tôi có thể nói chuyện bằng tiếng Việt với các bạn, cô giáo của chúng không giấu được sự ngạc nhiên. Thậm chí con út của tôi có thể hát một cách trôi chảy một bài hát tôi không nhớ tên nhưng giai điệu nó như thế này: “bà ơi bà cháu yêu bà lắm, tóc bà trắng bà trắng như mây…”.
Tôi yêu Việt Nam và tôi biết rằng vợ cùng các con tôi cũng vậy!
Đồng hương Rimario Gordon tâm sự về đàn anh Errol Stevens
“Trước khi đến Việt Nam, tôi có được biết Stevens đang chơi bóng ở đây rồi. Ngày đó tôi đang thi đấu ở Mỹ và cảm thấy mình còn phải học hỏi anh ấy rất nhiều. Đối với các cầu thủ trẻ ở Jamaica, Stevens giống như một idol. Bởi vậy bây giờ tôi cảm thấy rất vui khi giờ đây chúng tôi có thể cùng chơi cho một đội bóng.
Trong lần đầu tiên đá cặp với tôi, Stevens vừa trải qua hành trình bay hơn 30 giờ đồng hồ những vẫn có thể ra sân và thay đổi cục diện trận đấu. Chúng tôi chơi với nhau rất hợp bởi tình bạn, sự hiểu nhau đã có từ trước.
Ở Việt Nam, Stevens và Pape Omar chính là hai cầu thủ mà tôi cảm thấy hợp nhất khi thi đấu cùng. Nhiều người nói cầu thủ này giỏi, cầu thủ kia chưa hay, nhưng tôi cho rằng nếu nghĩ một tập thể chỉ cần có nhiều ngôi sao để thành công là chưa đủ.
Điều quan trọng nhất nằm ở việc đội bóng phải biết làm thế nào để giành được chiến thắng. Bóng đá là cuộc chơi của tập thể, cần có sự kết hợp của tính đồng đội, tình bạn, sự gắn kết, tinh thần thoải mái của toàn đội để mang về chiến thắng sau cùng.”