Mỹ cần kiềm chế: Giáng đòn quá đau vào Trung Quốc, cả một châu lục sẽ “gặp nguy”?

Ảnh minh họa: AFP

CNBC dẫn lời các nhà phân tích cho rằng châu Âu sẽ chịu nhiều “nỗi đau” kinh tế hơn nếu chính quyền ông Trump tiếp tục gây sức ép đầu tư nhằm vào Trung Quốc.

Một số thông tin mới đây tiết lộ rằng Nhà Trắng đang tìm cách hạn chế các khoản đầu tư giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các lựa chọn đang được cân nhắc bao gồm loại bỏ chứng khoán Trung Quốc khỏi thị trường Mỹ và hạn chế đầu tư chính phủ Mỹ vào thị trường Trung Quốc.

Trả lời phóng viên đầu tuần này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói bất kì động thái nào cũng sẽ “gây tổn hại lợi ích của các doanh nghiệp và người dân Mỹ và Trung Quốc, gây ra xáo trộn trong thị trường tài chính, làm tổn hại thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế”.

Constantine Fraser, một nhà phân tích chính trị châu Âu, cho rằng: “Nếu những lời đe dọa này biến thành hiện thực, châu Âu sẽ ‘gặp nguy’ bởi nỗi sợ chiến tranh thương mại có thể sẽ khiến đồng Nhân dân tệ sụt giá mạnh hơn nữa”.

“Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ có ít nhu cầu mua hàng hóa nước ngoài hơn, và cả thế giới cũng vậy. Châu Âu sẽ chịu thiệt hại nặng nề bởi nền kinh tế khu vực này phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu”.

Cấm vận

Đầu tuần này, Clete Willems, một cựu quan chức thương mại tại Nhà Trắng từng giữ chức Phó Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, cho rằng cắt dòng tiền giữa Washington và Bắc Kinh là một ý tưởng đáng cân nhắc.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng động thái này có thể phản tác dụng nếu được áp dụng không chính xác.

Agedit Demarais, giám đốc dự báo toàn cầu của Đơn vị Tình báo Kinh tế (EIU), cho biết bà hy vọng Mỹ “sẽ dần dần áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty và ngân hàng Trung Quốc.”

“Cấm vận Mỹ có những yếu tố vượt khỏi phạm vi lãnh thổ. Nếu được áp dụng, tất cả các công ty trên thế giới sẽ phải dừng hợp tác với các thực thể bị cấm vận nếu họ sử dụng đồng USD để giao dịch. Điều đó có nghĩa rằng cấm vận sẽ cắt đứt mối liên quan giữa ngân hàng Trung Quốc với ngân hàng quốc tế”.

“Lúc đó, nếu các ngân hàng quốc tế không cắt đứt quan hệ với Trung Quốc, họ có thể chịu mức phạt lên tới hàng tỉ USD,” Demarais nói.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Peter Navarro và Thượng nghị sĩ Mitch McConnell đã phủ nhận các báo cáo cho rằng Mỹ sẽ chấm dứt các nguồn đầu tư đối với Trung Quốc.

Trợ lý các vấn đề công chúng của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cũng tuyên bố: “Chính quyền không dự tính ngăn chặn các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ vào thời điểm này. Chúng tôi hoan nghênh đầu tư vào Mỹ.”

Đối thoại thương mại

Nhiều người cho rằng động thái của Mỹ được coi là một nỗ lực nhằm có thêm lợi thế trong cuộc đối thoại thương mại Mỹ-Trung sắp tới.

Washington và Bắc Kinh đã áp thuế đối với hàng tỉ USD hàng hóa của đối phương từ đầu năm 2018 tới nay, gây xáo trộn thị trường tài chính và khiến các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng gặp khó khăn.

Chiến tranh thương mại cũng đe dọa tạo nên viễn cảnh xấu cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giữa lúc châu Âu đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái.

Một nhà phân tích đánh giá: “Bất kì động thái nào trong việc loại bỏ Trung Quốc khỏi thị trường chứng khoán cũng sẽ làm tổn hại cả Mỹ. Giữa lúc ông Trump cần thỏa thuận thương mại như hiện tại thì có khả năng cao cuộc đàm phán sẽ kết thúc với một loạt các biện pháp hạ nhiệt căng thẳng.”

Ngày 10/10 tới, các nhà đàm phán thương mại Mỹ – Trung sẽ gặp tại Washington để tiếp tục thỏa thuận.