Mỗi một lần bạn tìm kiếm trên Google, Trái Đất sẽ ô nhiễm thêm như thế này đây

Hai trang web cho thấy Google “độc hại” như thế nào. May mắn cho nhân loại, Google đã có những biện pháp giảm thải hiệu quả để vẫn tiếp tục là mắt xích quan trọng nhất trong hệ sinh thái Internet của kỷ nguyên số.

Mỗi khi bạn tìm kiếm thứ gì đó trên Google, hành tinh bạn đang sinh sống lại chịu chút tổn thất. Để có thể xử lý được 3,5 tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày, Google chịu trách nhiệm cho việc thải ra môi trường 40% trong tổng vết carbon toàn Internet thải ra.

Mỗi một lần bạn tìm kiếm trên Google, Trái Đất sẽ ô nhiễm thêm như thế này đây - Ảnh 1.

Ta vẫn biết phần lớn mạng Internet ngày nay “điện toán đám mây”, mà mây thì vốn mỏng manh, trắng sạch, không làm hại ai. Thế nhưng, “mây” ta đang nói đến thì hơi đen đúa chút: nó là hàng triệu server mạng có tại vô vàn các trung tâm xử lý dữ liệu có khắp nơi trên thế giới, được nối với nhau bằng hệ thống cáp ngầm dưới biển. Toàn bộ cơ sở hạ tầng mạng ngốn rất nhiều điện năng một năm, mà nguồn năng lượng lại cũng là nguồn xả thải carbon dioxide lớn.

Một nghiên cứu năm 2015 chỉ ra lượng khí thải carbon mà hoạt động sử dụng Internet thải ra tương đương với lượng thải của ngành hàng không toàn cầu.

“Dữ liệu gây ô nhiễm nặng nề”, Joana Moll, một nhà nghiên cứu với trọng tâm công việc là những ảnh hưởng môi trường của Internet. Năm 2015, để mô tả một cách trực quan lượng khí thải mà Google thải ra, Joana Moll tạo ra trang web này:

Mỗi một lần bạn tìm kiếm trên Google, Trái Đất sẽ ô nhiễm thêm như thế này đây - Ảnh 2.

Google.com đã thải ra 5615,41 kg CO2 kể từ khi bạn bật trang web này lên.

“Gần như chẳng ai nhớ ra việc Internet là mạng lưới kết nối của một loạt cơ sở hạ tầng, xây dựng từ những vật liệu tự nhiên rất thực”, cô Moll viết. “Làm thế nào mà sự thật hiển nhiên đó lại lu mờ đi trong ảo mộng xã hội vậy?”.

Trang web CO2GLE sử dụng dữ liệu traffic mạng từ năm 2015, dựa trên giả định Google.com “xử lý 47.000 yêu cầu tìm kiếm mỗi giây, tương đương với việc thải ra 500 kg CO2 mỗi giây”. Từng đó là khoảng 10 gram CO2 với mỗi lần tìm kiếm. Moll nói con số này chỉ là ước tính, nhưng khi trang tin Quartz hỏi trực tiếp Google về những con số có trên CO2GLE, gã khổng lồ công nghệ không bác bỏ những phép tính trên là sai.

Thực tế, chính Google đã ước tính năm 2019 rằng mỗi một yêu cầu tìm kiếm tạo ra 0,2 gram khí thải CO2.

Phát ngôn viên của Google cũng chia sẻ với Quartz: cung cấp dịch vụ cho một người trong một tháng tương đương với lượng khí thải một chiếc ô tô tạo ra khi đi được 1 dặm, tương đương 225,43 gram/km.

Mỗi một lần bạn tìm kiếm trên Google, Trái Đất sẽ ô nhiễm thêm như thế này đây - Ảnh 3.

Dù có được số má như vậy, các nhà khoa học vẫn không xác định được chính xác lượng khí thải mà công cụ tìm kiếm hàng đầu thế giới thải ra. Ước tính từ chính phủ Anh Quốc cho thấy lượng CO2 thải ra đâu đó giữa khoảng 1 gram và 10 gram; điểm cực đại là tính cả lượng CO2 thải ra khi bật máy tính, còn điểm cực tiểu (dữ liệu có năm 2009) thì còn cao hơn cả ước tính của Google (đưa ra năm 2009) và của Moll (đưa ra năm 2015).

Google hiểu rõ mình hoạt động của mình ảnh hưởng thế nào tới môi trường, mà trong thời đại Internet, Google là mắt xích tối quan trọng không thể thiếu. Vậy nên họ hiểu rõ, hoặc là Google phải đổi mới, hoặc là họ cũng sẽ chết theo hành tinh: Google thiết kế những trung tâm dữ liệu sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, đầu tư lớn vào năng lượng sạch, đặt ra nhiều chương trình giảm khí thải.

Từ năm 2007, phát ngôn viên của Google đã tuyên bố họ là công ty có mức carbon trung hòa, tức là họ sử dụng năng lượng tái tạo và giảm khí thải đủ nhiều để đền bù được lượng carbon thải ra. Nhưng sự thật vẫn còn đó, Google vẫn đều đặn xả khí thải mỗi khi có người sử dụng dịch vụ của họ.

Tầm này năm ngoái, trong sự kiện về cách công nghệ biến đổi cuộc sống chúng ta như thế nào diễn ra tại Barcelona, Joana Moll lại tạo ra một trang web khác, cho ta thấy một cách trực quan: với mỗi giây bạn mở Google, 23 cái cây đã sử dụng hết khả năng hút CO2 của mình.

Mỗi một lần bạn tìm kiếm trên Google, Trái Đất sẽ ô nhiễm thêm như thế này đây - Ảnh 4.

Trang web DEFOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOREST sau 20 giây.

Chủ thể nghiên cứu của Moll thường xuyên là Google bởi lẽ quy mô của dịch vụ tìm kiếm trực tuyến này là quá khổng lồ, nhưng không vì thế ta quên mất những “nhà vô địch xả thải” khác, có thể kể tới Facebook hay Amazon. Hai công ty này cũng tự ý thức được việc mình làm, cũng thực hiện những bước đền carbon không khác Google.

“Mục đích thực sự của tôi là khiến người xem suy nghĩ, nhận thức được tính hữu hình của dữ liệu và cách chúng ta vẫn sử dụng Internet”, Moll nói. “Tính toán CO2 mà Internet thải ra phức tạp lắm. Đây có lẽ là hệ thống cơ sở hạ tầng lớn nhất từng được con người xây dựng và là tổ hợp của quá nhiều yếu tố … Nhưng vẫn có những con số có thể khiến người ta quan tâm tới hiện trạng đáng sợ”.

Tham khảo Quartz