Lễ hội khai sáng nghề nông

Miền đất của những di sản văn hóa và thắng cảnh, Phú Thọ hiện còn lưu giữ, duy trì tổ chức thường niên hàng trăm lễ hội gắn với thời đại Hùng Vương. Một trong những lễ hội đặc sắc đã được phục dựng và tổ chức thành công trong những năm gần đây thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân địa phương và du khách, là Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa ở phường Minh Nông, TP Việt Trì…

Đoàn rước trong trang phục truyền thống…

…và nghi thức tế lễ, hóa bài cúng tại lễ hội.

Truyền thuyết kể lại rằng, thuở xưa người dân chưa biết cày cấy, làm ra thóc gạo mà ăn, chỉ sống bằng rễ cây, thịt thú rừng và nhiều loại quả, rau dại nhặt được. Các vùng đất ven sông mỗi lần nước lớn dâng lên lại được phù sa bồi thêm màu mỡ. Vua Hùng thấy đất tốt liền gọi dân đến bảo tìm cách đắp bờ giữ nước; thấy lúa mọc hoang nhiều mới bày cách cho dân giữ hạt, gieo mạ, khi mạ lên xanh thì đem cấy vào các tràn ruộng có nước. Lúc đầu dân không biết cấy, tìm hỏi Vua. Vua Hùng nhổ mạ lên, đem tới ruộng nước, lội xuống cấy cho dân xem, rồi mọi người làm theo. Kể từ đó, cứ vào đầu vụ hằng năm (tháng Giêng và tháng Sáu âm lịch) người dân Minh Nông làm Lễ Vua Hùng dạy dân cấy lúa để tri ân công lao to lớn của Vua Hùng.

Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng Giêng, gồm phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ với các nghi thức Cáo yết, cúng Thần Nông. Sau khi rước kiệu từ bến sông đến Đàn Tịch Điền và nghi lễ tế thần truyền thống là phần tái diễn “Vua Hùng dạy dân cấy lúa” được tiến hành trang nghiêm trên cánh đồng Lú thuộc phường Minh Nông. Phần hội gồm hoạt động thi cấy lúa của các đội và trò chơi dân gian gói bánh chưng, giã bánh giầy với sự tham gia của người dân, du khách thập phương.

Tái hiện sinh động hình ảnh Vua Hùng dạy dân cấy lúa.

Được chọn hóa thân tượng trưng cho Vua Hùng tại lễ hội, ông Phùng Văn Binh chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên tại Minh Nông nên tôi hiểu được phong tục tập quán cũng như bản sắc văn hóa của địa phương. Các nghi thức lễ hội được tổ chức trang nghiêm và tôi rất vinh dự được thực hiện nghi thức Vua Hùng dạy dân cấy lúa, thể hiện sự biết ơn, tôn thờ của nhân dân đối với công lao Vua Hùng, được người xưa tôn là thần nông – ông tổ nghề nông”.

Theo các nghiên cứu, Nú đồng nghĩa và đồng âm với Lú nghĩa là Lúa, cho nên Kẻ Nú còn gọi là Kẻ Lú hay Kẻ Lúa, nghĩa là Làng Lúa. Kẻ Nú xưa, nay là phường Minh Nông (thành phố Việt Trì) gồm các xóm Hồng Hải (xóm Giải Làng), Thông Đậu (xóm Đõ), Minh Tân (xóm Nhúi), Minh Bột (xóm Đồi Ngược), Hòa Phong (đồi Lúa, đồi Rơm). Trong tiến trình xây dựng và phát triển, trên địa bàn phường cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ; tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhưng những giá trị văn hóa truyền thống vẫn mãi được gìn giữ, phát huy.

Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.

Đồng chí Nguyễn Quang Chung – Chủ tịch UBND phường Minh Nông cho biết: “Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa được phục dựng năm 2018 đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân địa phương và quy định của tỉnh về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Lễ hội phản ánh sự hòa đồng các tín ngưỡng thờ Vua, thờ Thần, thờ Lúa của người Việt cổ, mang màu sắc nguồn cội cổ xưa, đó cũng chính là một trong những đặc trưng của văn hóa Hùng Vương trên vùng đất Phú Thọ cội nguồn. Lễ hội ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và du khách, trở thành hoạt động văn hóa tiêu biểu của địa phương dịp đầu Xuân. Trong quy hoạch chung của thành phố đã bố trí quỹ đất khoảng 10ha để xây dựng khu di tích lịch sử văn hóa Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Địa phương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc đầu tư xây dựng khu di tích xứng tầm giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, tạo điều kiện để nhân dân, du khách thực hành, trải nghiệm các hoạt động của lễ hội…”.

Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa là lễ hội duy nhất mang tính đặc trưng, tiêu biểu khởi thủy của nghề trồng lúa nước Việt Nam gắn liền với thời đại Hùng Vương. Việc khôi phục, tái hiện các giá trị văn hóa truyền thống, các điển tích lịch sử, các trò chơi dân gian có ý nghĩa giáo dục và nghệ thuật cao cũng chính là hành động thiết thực của các cấp, các ngành, trong đó có sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân phường Minh Nông nhằm góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc vùng Đất Tổ và xây dựng thành phố Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Thùy Dương

Nguồn Báo Phú Thọ: https://baophutho.vn/du-lich-le-hoi/le-hoi-khai-sang-nghe-nong/192590.htm