Không phải Ronaldo, không phải Messi, xin giới thiệu vị vua mới của làng bóng đá thế giới

Dù sở hữu tài năng xuất chúng, thế nhưng, có lẽ cả Ronaldo lẫn Messi đều không thể khiến cục diện của trận đấu thay đổi một cách chóng mặt và liên tục như cách mà tổ trọng tài video (VAR) đã làm trong thời gian qua.

Ai mới là ông vua của bóng đá thế giới?

Người nói Ronaldo, kẻ lại bảo Messi. Trong hơn một thập kỷ qua, fan hâm mộ túc cầu trên toàn thế giới đã tranh cãi không hồi kết để tìm ra lời giải chính xác nhất trong câu hỏi đó.

Thế nhưng, với những cổ động viên của Tottenham có mặt tại Etihad vào hôm 17/4 để chứng kiến đội nhà thi đấu với nhà vô địch nước Anh Man City, họ sở hữu cho mình đáp án hoàn toàn khác. Trong những giây cuối cùng, trên khắp bốn bên khán đài, tất cả đồng loạt hô vang trong niềm vui sướng: “Ôi VAR, ngài quả thật là vị vua”. Và có lẽ rất nhiều fan túc cầu trên thế giới rồi cũng sẽ có chung quan điểm như thế.

Thử hỏi trong làng túc cầu thế giới hiện tại: Ai được “quyền lực” như VAR? Họ khiến hàng triệu con người thót tim chờ đợi kết quả từ cái màn hình nhỏ xíu. Họ đưa các cầu thủ cùng toàn thể cổ động viên đi từ cảm xúc này đến nỗi niềm khác. Mọi thứ, chỉ gói gọn trong vỏn vẹn có vài chục giây mà thôi.

Không phải Ronaldo, không phải Messi, xin giới thiệu vị vua mới của làng bóng đá thế giới - Ảnh 1.

Tổ trọng tài VAR làm việc tại World Cup. Ảnh: World Cup.

VAR và những cảm xúc khó diễn tả 

Nếu nghi ngờ về điều này, hãy nhìn lại một chút về trận đấu diễn ra vào hôm thứ tư.

Phút bù giờ trong ngày Tottenham chạm trán với Man City, tận dụng đường chuyền lỗi của Eriksen, các học trò của HLV Pep Guardiola đã luân chuyền bóng nhanh như điện trước khi kết thúc bằng cú đá tung lưới đối phương, một pha lập công vừa đủ để giúp Man City sở hữu trong tay tấm vé đi tiếp.

Khỏi phải nói người Man City đã phấn khích thế nào. Sterling cùng các đồng đội chạy thẳng ra phía khán đài để chung vui cùng số đông các cổ động viên nhà. Phía bên ngoài, Guardiola cũng như phát điên! Ông chạy vòng quanh, hô hào ăn mừng trước khi nhảy tót lên người một thành viên trong ban huấn luyện.

Không phải Ronaldo, không phải Messi, xin giới thiệu vị vua mới của làng bóng đá thế giới - Ảnh 2.
Không phải Ronaldo, không phải Messi, xin giới thiệu vị vua mới của làng bóng đá thế giới - Ảnh 3.

Từ vui mừng, Pep nhanh chóng chuyển sang trạng thái thất vọng. Ảnh: Getty.

Phía đối diện, Tottenham chìm trong vẻ sầu não. HLV Pochettino thì chết lặng trong khi các học trò đổ gục xuống sân. “Tôi đã nghĩ tất cả đã chấm dứt”, Eriksen thừa nhận ở buổi phỏng vấn sau trận.

Tuy nhiên, khi tất cả đang ở giữa hai thái cực cảm xúc thì VAR lên tiếng. Không một ai trên sân nhìn ra Aguero đã việt vị ở tình huống trước đó, trừ tổ trọng tài video. Sau đó, họ nói những gì mình biết cho trọng tài chính. Và bàn thắng đã không được công nhận.

Vui mừng, hào hứng tột đỉnh, rồi chìm trong thất vọng, chán chường tột cùng và ngược lại. Đó là tất cả những gì cầu thủ hai đội và các cổ động viên đã được nếm trải chỉ trong vỏn vẹn 30 giây ở cuộc đối đầu được đánh giá hay bậc nhất trong lịch sử của Champions League.

Guardiola vừa nhảy lên ăn mừng rồi đổ gục tiếc nuối. Son Heung-min từ thẫn thờ đau đớn bỗng được đưa lên tận mây xanh.

Từ giờ, có lẽ, chẳng ai nói việc sử dụng VAR giết chết cảm xúc trong bóng đá nữa.

Không phải Ronaldo, không phải Messi, xin giới thiệu vị vua mới của làng bóng đá thế giới - Ảnh 4.

Niềm vui của các cầu thủ Tottenham sau chiến thắng. Ảnh: Getty.

VAR – người đưa bóng đá tới gần sự công bằng tuyệt đối

Mới chỉ xuất hiện tại Champions League kể từ vòng đấu loại trực tiếp nhưng VAR đã nhanh chóng cho thấy vị thế của mình. Theo thống kê tổng cộng 11 lần tại giải đấu danh giá nhất cấp CLB mùa này, trọng tài chính thay đổi quyết định sau khi tham khảo sự tư vấn của VAR, đó đều là những phán quyết quan trọng.

Không có VAR, Man United sẽ mất quả penalty trong những phút cuối trận gặp PSG và nhiều khả năng mất tấm vé lọt đến vòng tứ kết. Porto cũng tương tự. Và trường hợp thoát hiểm mới nhất chính là Tottenham.

Vẫn biết, VAR chỉ làm công tác tư vấn còn quyết định cuối cùng vẫn thuộc về trọng tài chính. Tuy nhiên, mỗi khi họ lên tiếng y như rằng có b. Như tại giải vô địch quốc gia Mỹ mùa vừa qua, có tới 68 quyết định bị thay đổi chỉ sau vỏn vẹn 95 lần ông vua áo đen xem lại hệ thống video.

Không phải Ronaldo, không phải Messi, xin giới thiệu vị vua mới của làng bóng đá thế giới - Ảnh 5.

Man United đánh bại PSG nhờ bàn thắng có sự can thiệp bởi VAR. Ảnh: Getty.

Tất nhiên, không như Goaline được điều khiển hoàn toàn bởi công nghệ, VAR cũng chỉ là con người và vì thế sẽ không thể hoàn hảo. Nhưng việc ở trong phòng kín và được theo dõi những góc máy quay chậm thuận lợi nhất, những sai sót sẽ được giảm thiểu tới mức tối đa.

Những con số không biết nói dối. Tại Serie A, chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện, VAR đã giúp đưa tỷ lệ sai sót của các trọng tài từ mức 5,75% về con số 0,89%. Ở World Cup 2018, VAR cũng xử lý chính xác tới 99,3% các tình huống được coi là bước ngoặt của trận đấu.

Trong thời đại con người hướng tới sự công bằng và chuẩn mực, có lẽ quan điểm “sai lầm là một phần của bóng đá” dần đi vào lỗi thời. Nếu là một cầu thủ, chẳng ai muốn những nỗ lực cả năm ăn tập của mình bị uổng phí vì một quyết định bất công.

“Tôi ủng hộ sử dụng VAR, dù bản thân vẫn còn thắc mắc tình huống bóng chạm tay của Llorente. Nhưng nhìn chung, tôi ủng hộ sự công bằng trong bóng đá. Kể cả bây giờ hay trong tương lai, VAR vẫn sẽ hỗ trợ tốt cho các trọng tài. Còn với Man City, dù khó khăn nhưng toàn đội chấp nhận kết quả vừa qua”, “nạn nhân” Pep Guardiola chia sẻ trong phòng họp báo.

Với tính ưu việt vốn có cộng thêm sự hậu thuẫn tích cực đến từ FIFA, không bất ngờ nếu VAR xuất hiện tại những giải đấu hàng đầu thế giới trong tương lai gần, sắp tới rất có thể sẽ là Ngoại hạng Anh. Điều người hâm mộ có thể làm lúc này đơn giản chỉ là tập làm quen với tổ trọng tài video và những drama cảm xúc kịch tính nghẹt thở mà họ mang lại.

VAR mà tuyển Việt Nam được trải nghiệm tại tứ kết Asian Cup 2019 là gì?