Hồng Kông giữa hỗn loạn: Đầu não cảnh sát đón viên tướng “cứng rắn”, súng trường hiếm hoi xuất hiện

Cảnh sát đối đầu người biểu tình ở đường phố Hồng Kông. Ảnh: SCMP

Gần đây, Hồng Kông đã ghi nhận tình trạng bạo lực gia tăng và chính ở đỉnh điểm cuộc xung đột, Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông đã tiến hành thay đổi vị trí cấp cao.

Tờ HK01 (Hồng Kông) ngày 18/11 đưa tin, vào ngày 19/11, ông Đặng Bính Cường (tức Tang Ping-keung) – nhân vật số hai trong lực lượng cảnh sát Hồng Kông – sẽ chính thức tiếp quản toàn diện vị trí Trưởng cảnh sát Hồng Kông từ người tiền nhiệm Lư Vĩ Thông (tức Stephen Lo).

Ông Đặng vốn được đánh giá là người “cứng rắn” nên động thái trên sẽ là tín hiệu mạnh mẽ mà cơ quan chức năng Hồng Kông gửi tới người biểu tình quá khích.

Hồng Kông giữa hỗn loạn: Đầu não cảnh sát đón viên tướng cứng rắn, súng trường hiếm hoi xuất hiện - Ảnh 1.

Tân Trưởng cảnh sát Hồng Kông Đặng Bính Cường. Ảnh: Tân Hoa Xã

Tân Trưởng cảnh sát Đặng Bính Cường năm nay 54 tuổi, có kinh nghiệm phong phú trong điều tra tội phạm hình sự, các vấn đề liên lạc quốc tế và chỉ huy hoạt động thực tiễn. Ông từng là người đứng đầu tổ hình sự thuộc Ban thư ký Interpol. Đặc biệt, ông đã từng tham gia dập tắt phong trào Dù vàng ở Hồng Kông hồi năm 2014.

Truyền thông Trung Quốc đại lục khẳng định, ông Đặng Bính Cường tiếp quản lực lượng cảnh sát trong bối cảnh bạo lực leo thang, xã hội chia rẽ, trật tự hỗn loạn xuất hiện ở Hồng Kông.

Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) dẫn nguồn tin tiết lộ, do tác phong làm việc cứng rắn, mạnh mẽ nên Đặng Bính Cường từng bị bôi nhọ và bị cáo buộc hợp tác với thế giới ngầm. Đáp trả, ông này đã công khai tuyên bố, “cảnh sát và xã hội đen không đội trời chung, trấn áp xã hội đen là trách nhiệm thiêng liêng của cảnh sát, tuyệt đối không chấp nhận mọi cáo buộc”.

Kể từ khi các cuộc biểu tình phản đối thông qua luật dẫn độ tội phạm hình sự bùng phát vào tháng 6, tân Trưởng cảnh sát Hồng Kông luôn xuất hiện ở tuyến đầu. Vào ngày 1/10, trả lời nghi vấn về việc cảnh sát nổ súng khiến người biểu tình bị thương, ông Đặng nói rằng, “các sĩ quan cảnh sát khi đó đang ở giữa ranh giới sự sống và cái chết nên việc nổ súng là hợp pháp và hợp lý”.

Cảnh sát Hồng Kông sử dụng súng trường trấn áp người biểu tình. Ảnh: Weibo/SCMP

Về chất vấn “cảnh sát không nên nổ súng” vào người biểu tình, ông này cho rằng, hành động đó xảy ra do tính bạo lực của người biểu tình quá khích.

Và mới đây nhất, trong cuộc đụng độ nghiêm trọng giữa cảnh sát và người biểu tình tại Đại học Bách khoa Hồng Kông PolyU kéo dài từ đêm ngày 17/11 sang rạng sáng ngày 18/11, Đặng Bính Cường đã tham gia chỉ huy ở hiện trường.

Trước đó, phía cảnh sát đã ra yêu cầu người biểu tình rời khỏi khuôn viên trường trước 22h00 đêm hôm đó, nếu không họ sẽ bị bắt giữ và bị cáo buộc “gây bạo động”. Sau đó, cảnh sát đã mở cuộc đột kích và hành động kéo dài đến 5h30 sáng hôm sau.

Ngoài ra, hình ảnh hiện trường cho thấy, cảnh sát Hồng Kông không chỉ bắt giữ nhiều người biểu tình quá khích mà còn được trang bị súng trường chuyên dụng, trong đó bao gồm súng trường AR và súng trường tấn công SIG516. Giới quan sát nhận định, đây được coi là một trong những hành động cứng rắn của cảnh sát đặc khu trong quá trình trấn áp biểu tình.

 

 

Thủy Thu , theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.vn/doi-song/hong-kong-giua-hon-loan-dau-nao-canh-sat-don-vien-tuong-cung-ran-sung-truong-hiem-hoi-xuat-hien-82019191161510296.htm