Giải thích vụ việc “Yeah1 bỗng dưng bị YouTube nghỉ chơi”

Tất tần tật đầu đuôi câu chuyện về Yeah1 đang nổi lên đình đám trên Internet những ngày này.

Những ngày gần đây, cư dân mạng đang xôn xao trước thông tin về việc Yeah1 sẽ bị YouTube chấm dứt quá trình hợp tác và hoạt động kiếm tiền, đồng nghĩa với việc hơn 1500 kênh liên kết cũng sẽ bị ảnh hưởng vì cùng nằm trong mạng lưới quản lý.

Khá nhiều thông tin dồn dập liên tục được cung cấp khiến cộng đồng chỉ biết Youtube là chỗ xem video giải trí hoặc “low-tech” chả biết gì nhiều về công nghệ trở nên hoang mang không biết chuyện gì đang xảy ra. Vậy thì sau đây sẽ là một số giải thích cơ bản để ai cũng có thể nắm bắt được câu chuyện này.

Giải thích vụ việc Yeah1 bỗng dưng bị YouTube nghỉ chơi - Ảnh 1.

Yeah1 đang trở thành tâm điểm lớn trong cộng đồng mạng Việt Nam xoay quanh vụ việc ngưng hợp tác với YouTube.

Trước hết, chính quy mô và cách hoạt động của Yeah1 là chìa khóa chính dẫn đến sự việc ngày hôm nay.

Đầu tiên, hãy xem như YouTube là một cái chợ và mỗi kênh là một ki-ốt/sạp bán sản phẩm. Còn người dùng như chúng ta đương nhiên là khách hàng, vào nhặt nhạnh xem xét hàng hoá, ưng cái bụng thì “trả tiền” bằng cách ủng hộ lượt xem (view).

Ki-ốt nào có sản phẩm thu hút khách hàng đương nhiên sẽ được săn đón – thể hiện ở lượt người theo dõi (Subscriber). Số người hóng hàng của bạn càng nhiều, đương nhiên sản phẩm bạn cung cấp càng có giá trị. Khi bạn có danh tiếng nhất định (lắm người theo dõi), sản phẩm của bạn bán được nhiều (thể hiện qua view), YouTube sẽ nhìn thấy tiềm năng từ ki-ốt đó và đặt vấn đề làm ăn hợp tác.

Màn làm ăn hợp tác này về cơ bản là YouTube sẽ đặt quảng cáo ở kênh của bạn, nôm na là gửi 1 cái standee hoặc poster quảng cáo dán ở Ki-ốt bạn. Người đến vì sản phẩm của bạn cũng theo một cách nào đó, buộc phải chú ý đến quảng cáo mà YouTube “gửi gắm”. Và đương nhiên, YouTube sẽ trích phần trăm lợi nhuận cho chủ ki-ốt chứ không phải là kiểu ép uổng con nhà người ta trưng miễn phí cho mình.

Từ đó có thể suy ra, Yeah1 là một ki-ốt khá lớn trong cái chợ mang tên YouTube này. Nhưng không chỉ dừng ở quy mô 1 ki-ốt nhỏ, lợi nhuận từ những video được săn đón mỗi ngày khiến Yeah1 có đủ tiềm lực để mở rộng quy mô buôn bán, mở thêm nhiều “sạp con” và lâu lâu vui tay vung tiền mua lại vài sạp đang làm ăn khấm khá.

Giải thích vụ việc Yeah1 bỗng dưng bị YouTube nghỉ chơi - Ảnh 2.

Lợi nhuận quảng cáo từ YouTube sẽ được chia theo % cho cả chủ kênh và mạng lưới quản lý.

Mà đã là con buôn thì chẳng bao giờ làm chuyện gây lỗ, các ki-ốt, sạp hàng thuộc hệ thống chân rết của Yeah1 cũng phải trích lợi nhuận mỗi tháng cho kênh “đại ca”.

Trong cùng một chợ YouTube, cũng còn có rất nhiều những con buôn khác làm công việc quản lý nhiều cửa hàng tương tự như cách Yeah1 hoạt động. Cách đây ít lâu, Yeah1 có mở rộng tiền túi, thâu tóm thêm những con buôn khác là ScaleLab (Mỹ, được mua lại 100%) và SpringMe (Thái Lan, mua lại 16,5% cổ phần). Tại đây, chính SpringMe là con sâu làm rầu nồi canh, để xảy ra biến cố to đùng đang đình đám này.

Cụ thể, thời gian gần đây, phiên chợ YouTube bổ sung thêm nhiều anh chị thuộc hệ thống kiểm duyệt an ninh. Các anh chị này có trách nhiệm soát lỗi, duyệt nội dung đăng tải, đảm bảo không có nội dung đồi truỵ hay sai phạm được cài cắm trong các video được đưa tới người dùng.

Sau cùng, một vài cửa hàng thuộc SpringMe đã bị sờ gáy vì vi phạm tiêu chuẩn nào đó. Vì bởi SpringMe cũng thuộc phần sở hữu của Yeah1, YouTube đã quyết định tạm ngưng hoạt động hợp tác để điều tra và làm rõ thêm, ảnh hưởng tới toàn bộ mạng lưới bao gồm cả các kênh thuộc Yeah1 quản lý.

Ôi thôi, rõ là tai bay vạ gió. Một con ngựa “đau”, cả tàu bỏ chơi YouTube.

Trước đây, Yeah1 cũng từng dính “phốt” tiếp tay quản lý các kênh thường xuyên đăng tải video đội lốt Elsa, SpiderMan với nội dung độc hại để dụ dỗ trẻ em. Chính vì lợi dụng các hình tượng nhân vật hoạt hình nổi tiếng nên lượng view đến từ độ tuổi nhỏ cực cao, lên tới hàng triệu, nhưng nội dung thì lố lăng, phản cảm, không thể chấp nhận được. Hành vi này của Yeah1 được coi là thờ ơ, dung túng, bao che nội dung bẩn vì xảy ra lâu nhưng khi đó vẫn không chịu khắc phục.

Những bằng chứng vị “bóc” trước đây về các kênh thuộc quản lý của Yeah1.

Rõ ràng, buôn bán mà lại tung ra toàn hàng kém chất lượng, câu kéo và bị tẩy chay như vậy thì lòng tin của khách hàng cũng bị sụt giảm rất nhiều, nghỉ chơi cũng là chuyện dễ hiểu.

Mọi chuyện hồi sau có lẽ sẽ phải chờ tới ngày 11/3 này, YouTube sẽ chính thức công bố kết quả điều tra mọi chuyện.