Lần “chiến đấu” không thành công với anti-fan gần đây có lẽ đã chứng minh một điều: Hà Hồ chỉ nên làm ca sĩ, chứ không phải là đấu sĩ.
Lời tuyên bố “chiến đến cùng” với nhóm anti-fan của Hà Hồ có lẽ chỉ là giải pháp bất đắc dĩ của cô ca sĩ. Hơn ai hết, cô hiểu rằng kiện cáo hay nhờ pháp luật xử lý những vấn đề kiểu này không hề dễ dàng và trên thực tế, cũng chưa ngôi sao nào thành công cả.
Thể hiện sự giận dữ và thái độ quyết liệt của mình qua bức “tâm thư”, thứ Hà Hồ muốn có lẽ chỉ là giải toả sự ấm ức của mình, đồng thời kiếm tìm sự bênh vực từ người ủng hộ. Có điều, đây có thực sự là một giải pháp hoàn hảo của “nữ hoàng giải trí” trước những anti-fan?
Bức “tâm thư” của Hà Hồ có phải là giải pháp khôn ngoan?
Phản ứng giận dữ, bức xúc mới đây của Hà Hồ không quá khó hiểu, nhất là khi cô đã phải “gánh chịu” sự công kích từ anti-fan một thời gian không ngắn. Tuy nhiên, giải pháp “chiến đấu” tay đôi với đám đông không hề là một giải pháp khôn ngoan.
Hà Hồ và đòn tấn công không hề hiệu quả của mình gần đây
Solo với cả đám đông anti-fan là điều không tưởng, đặc biệt là khi khả năng đấu khẩu của nữ ca sĩ không thực sự sắc bén chút nào. Lý lẽ cô đưa ra trong bức tâm thư thật sự chẳng thể biện hộ được gì nhiều cho mình ngoài lập luận “người Việt tại sao lại đối xử với nhau như thế?”
Chưa kể, những câu chữ mang tính chất rủa xả dành cho anti-fan cũng không mang lại tác dụng tích cực nào. Ngược lại, nó chỉ khiến cho cái nhìn của khán giả trung lập dành cho Hà Hồ có ít nhiều thay đổi.
Quan trọng hơn, anti-fan vốn không có gì để mất, còn Hà Hồ thì lại có rất nhiều. Lao vào cuộc chiến kiểu này, thứ Hà Hồ mất đi là hình ảnh, là uy tín, là giá trị thương hiệu, còn với anti-fan, thứ họ mất đi chỉ là ít chi phí internet mà thôi…
Chiến đấu với đám đông anti, Hà Hồ có rất nhiều thứ để mất, còn họ thì chỉ tốn ít tiền…internet mà thôi!
Thậm chí, hiệu quả doạ dẫm cũng khó lòng đạt được qua những câu chữ của Hà Hồ. Cứ nhìn bức tâm thư đầy những lời lẽ bức xúc và cả đe doạ của Hà Hồ thì biết, chẳng một ai e dè hay ngại ngùng sau khi đọc chúng.
Thứ duy nhất đọng lại chỉ là những tiếng cười vì… lỗi chính tả chi chít trong bức tâm thư và đôi chút hả hê của những anti-fan, khi họ hiểu rằng đòn tấn công của mình đã làm Hà Hồ phẫn nộ.
“Sống chung với lũ”, tại sao không?
Hà Hồ có lẽ nên học cách bình tĩnh trước khi viết “tâm thư” và cân nhắc kỹ được mất sau tất cả. Bởi nếu đứng trên góc độ một ngôi sao, Hà Hồ gần như không có cửa thắng khi lao vào những cuộc chiến với anti-fan.
Nhờ pháp luật xử lý ư? Rất mất thời gian và phiền toái. Khiến anti-fan “tổn thương” ư? Điều đó nằm quá khả năng của Hà Hồ cũng như mọi nghệ sĩ khác.
Nên nhớ, anti-fan không phải một ai cụ thể và bất kì đòn tấn công nào hướng về phía họ cũng gần như… vô dụng. Chưa kể, việc chọc giận đám đông biết đâu còn sinh ra lắm anti-fan hơn gấp bội.
Vẫn biết, anti-fan là nỗi ám ảnh với mọi nghệ sĩ, nhưng không phải ai cũng chọn cách chiến đấu cùng với họ. Thay vào đó, “sống chung với lũ” có thể là giải pháp Hà Hồ nên cân nhắc…
Hà Hồ nên nhớ rằng nghề của cô là ca sĩ, chứ không phải là đấu sĩ.
Không thể khiến họ biến mất, hãy hạn chế tối đa lý do khiến họ công kích mình. Như ngừng viết tâm thư hay đấu khẩu với đám đông trên mạng chẳng hạn.
Hoặc đơn giản hơn, đừng tạo hứng khởi cho anti-fan tấn công mình. Đừng biểu lộ sự giận dữ, khó chịu, vì chúng chỉ khiến đám đông hả hê hơn.
Quan trọng nhất, Hà Hồ nên trả lời bằng hành động, chứ không phải là lời nói. Cô không thể đấu khẩu với hàng vạn con người, nhưng hoàn toàn có thể khiến những anti-fan im bặt bằng một kỷ lục âm nhạc, một bản hit đình đám.
Nhớ rằng, cô là nghệ sĩ và việc của nghệ sĩ không phải là chiến đấu với những người không thích mình. Trừ khi, Hà Hồ muốn chuyển sang nghề đấu sĩ.