Di sản văn hóa là nguồn lực phát triển bền vững

Vùng đất cổ Luy Lâu- Siêu Loại-Thuận Thành từ thuở hồng hoang đã là trung tâm tụ cư của người Việt cổ, nơi hội tụ, giao thoa và tiếp biến của nhiều nền văn minh lớn. Trải hàng ngàn năm chung sống, các thế hệ người dân nơi đây đoàn kết, kề vai, sát cánh bên nhau trong mọi hoàn cảnh, từ đó hình thành, kết tinh nên những di sản văn hóa đặc sắc, đóng góp vào kho tàng văn hóa dân tộc nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp.

 

Diễn xướng nghệ thuật hát trống quân Bùi Xá phục vụ du khách tham quan tại Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành).

 

Kiểm đếm lại khối tài sản đồ sộ, vô giá này để soi rọi, khắc sâu những bài học của tiền nhân về quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa, đồng thời bồi đắp thêm sức mạnh, bản lĩnh, đưa quê hương Thuận Thành tiếp tục bứt phá bền vững trong hành trình phát triển mới.
Thuận Thành hiện có 81/224 di tích lịch sử văn hóa được nhà nước xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt là chùa Dâu và chùa Bút Tháp; 22 di tích cấp quốc gia và 57 di tích cấp tỉnh. Một số di tích tiêu biểu như: Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, Thành cổ Luy Lâu, chùa Dâu, hệ thống chùa Tứ Pháp chùa Bút Tháp, lăng và đền thờ Sỹ Nhiếp-Nam giao học tổ…
Thống kê sơ bộ, Thuận Thành đang bảo lưu, gìn giữ khoảng hơn 5.000 di vật, cổ vật đa dạng về loại hình và niên đại, trong đó có 314 bia đá, 393 sắc phong, hơn 1.800 tượng các thời kỳ, còn lại là hoành phi, câu đối, đồ thờ tự… Đáng chú ý, trong tổng số 17 Bảo vật Quốc gia mà Bắc Ninh hiện có thì Thuận Thành có tới 6 bảo vật và nhóm bảo vật gồm: Tượng Tam thế bằng đá chùa Linh Ứng (xã Gia Đông); Tượng Tứ pháp vùng Dâu-Luy Lâu; và 4 bảo vật, nhóm bảo vật đang lưu giữ tại chùa Bút Tháp là: Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay, Tượng Tam thế, Hương án, Cửu phẩm liên hoa.
Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong công tác giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa nên nhiều loại hình diễn xướng nghệ thuật dân gian đặc sắc ở Thuận Thành cũng có điều kiện phục hồi và phát huy giá trị, tiêu biểu như ca trù ở Thanh Khương, hát trống quân ở Bùi Xá, múa rối nước ở Đồng Ngư, hát chèo ở Ngọc Khám… Ngoài ra, Thuận Thành còn có 103 lễ hội truyền thống được các địa phương thực hành tổ chức hàng năm, tiêu biểu là lễ hội Kinh Dương Vương, lễ hội chùa Dâu, lễ hội chùa Bút Tháp, hội thi gà Hồ làng Lạc Thổ, hội thi mã Đông Hồ… Thuận Thành cũng nổi tiếng với những làng nghề thủ công truyền thống như: Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, gốm Luy Lâu; đúc đồng Nguyệt Đức… Đặc biệt, với sự sáng tạo và đôi tay tài hoa khéo léo, người dân Thuận Thành chế biến rất nhiều món ăn ngon mang hương vị và xúc cảm khó quên như nem Bùi Xá, tương Đình Tổ, thịt gà Hồ, đậu phụ Trà Lâm, bánh cuốn Mão Điền… Mỗi món ăn đều mang thông điệp riêng về tập quán, nếp sống lâu đời của người dân bản địa.
Tự hào, trân trọng di sản văn hóa quê hương, những năm qua, Thuận Thành đã nắm bắt cơ hội, khai thác nguồn lực di sản văn hóa quý báy ấy để xây dựng thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Đến nay, nhiều di tích nổi tiếng trở thành điểm đến không thể thiếu trong tour du lịch của khách thập phương như: Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương (thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành), chùa Dâu (xã Thanh Khương), chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ), chùa Linh Ứng (xã Gia Đông)…

 

Di sản văn hóa là nguồn lực dồi dào để Thuận Thành phát triển du lịch.

Các cấp, ngành của huyện tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh nghiên cứu phát huy giá trị, đưa di sản văn hóa trở thành nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Hàng năm, huyện phối hợp với các kênh truyền hình của Trung ương và địa phương tổ chức sản xuất các phim tư liệu giới thiệu di tích lịch sử, các làng nghề truyền thống tiêu biểu; phối hợp tích cực, hiệu quả với các đơn vị lữ hành nhằm xây dựng, quảng bá những tuyến, điểm du lịch; lắp đặt biển quảng bá di tích, di sản cỡ lớn ở các nút giao thông trọng điểm…
Đáng chú ý, năm 2018 huyện xây dựng trang web có tên miền là “Disanvanhoathuanthanh.vn” để giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa tiêu biểu bằng công nghệ 3D. Ước tính số lượng truy cập trang web “Disanvanhoathuanthanh.vn” khoảng 72.000 lượt/năm.
Cơ sở hạ tầng, đường giao thông cũng được mở mang nâng cấp. Hệ thống cơ sở lưu trú và các dịch vụ nhà hàng cũng được quan tâm khuyến khích phát triển, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu lưu trú, thưởng thức ẩm thực của nhân dân và du khách. Các tour du lịch nội huyện và liên kết trong, ngoài tỉnh được hình thành, phát triển, nổi bật là: Tour Hà Nội – đền Đô – chùa Phật Tích – làng tranh Đông Hồ – khu di tích Kinh Dương Vương – chùa Bút Tháp – chùa Dâu; Tour làng tranh dân gian Đông Hồ – Ba pho tượng đá chùa Linh Ứng (xã Gia Đông); Tour lăng và đền thờ Sĩ Nhiếp – chùa Dâu – thành Luy Lâu – múa rối nước Đồng Ngư – đền thờ danh nhân văn hóa Nguyễn Gia Thiều…
Từ một huyện thuần nông, Thuận Thành hôm nay đã có bước chuyển mình toàn diện với tốc độ phát triển mạnh mẽ, hội tụ các tiêu chí để trở thành thị xã. Trong hành trang của đô thị trẻ vùng Nam Đuống, kho báu di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú và đặc sắc là nguồn lực quan trọng cho Thuận Thành bứt phá, trở thành đô thị hạt nhân lớn mạnh của tỉnh Bắc Ninh và đô thị vệ tinh trong vùng Thủ đô.

V.Thanh

Nguồn Báo Bắc Ninh: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-van-hoa/-/details/20182/di-san-van-hoa-la-nguon-luc-phat-trien-ben-vung