Để hợp tác xã nông nghiệp Văn Yên phát triển xứng tầm

Được biết đến là địa phương có các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng, thời gian qua, huyện Văn Yên đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy HTX nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các HTX nông nghiệp vẫn chưa thực sự có sự bứt phá, tương xứng với tiềm năng.

Hội viên nông dân xã Yên Hợp chăm sóc ngô vụ đông. Ảnh minh họa
Hội viên nông dân xã Yên Hợp chăm sóc ngô vụ đông. Ảnh minh họa

 

Để hiểu rõ hơn về những giải pháp, định hướng đưa HTX nông nghiệp phát triển, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc phỏng vấn ông Khổng Văn Hậu – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên.
P.V: Xin ông cho biết, sự phát triển các HTX nông nghiệp đóng vai trò như thế nào trong kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn? Để tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp phát triển, thời gian qua huyện đã triển khai các giải pháp gì?
Ông Khổng Văn Hậu: Những năm gần đây, kinh tế HTX đã có bước phát triển mới về số lượng, chất lượng. Đến nay, trên địa bàn huyện có 61 HTX nông nghiệp trên tổng số 125 HTX, chiếm 48,8% tổng vốn điều lệ với hơn 160 tỷ đồng, trên 900 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động. Lĩnh vực ngành nghề của HTX chủ yếu là sản xuất, chế biến, kinh doanh quế vỏ, rau, củ, cây ăn quả; kinh doanh, dịch vụ vật tư nông lâm nghiệp; trồng cây dược liệu; du lịch… Đặc biệt thời gian gần đây huyện đã thành lập mới 3 HTX trồng dâu nuôi tằm liên kết theo chuỗi giá trị, với quy mô trên 160 thành viên và trên 100 ha trồng dâu nuôi tằm.
Sự phát triển các HTX nông nghiệp trong những năm qua đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển tư duy phát triển sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; chuyển sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang xu hướng sản xuất hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa. Nhiều HTX sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị và được xuất khẩu ra nước ngoài, làm cho chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực, đặc sản của huyện Văn Yên ngày càng nâng cao, tiêu biểu như sản phẩm quế vỏ và tinh dầu quế: HTX Dịch vụ tổng hợp nông, lâm nghiệp Công Tâm; HTX Quế Văn Yên, huyện Văn Yên…
Cùng với đó, các HTX nông nghiệp cũng đã xây dựng được 26 sản phẩm OCOP 3 sao và đưa nhiều sản phẩm có giá trị ra thị trường như: tinh dầu quế, bột quế… Nhờ phát triển kinh tế HTX, nhiều hộ nông dân trên địa bàn không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ các ngành, nghề sản xuất của gia đình.
Đồng hành với các HTX, huyện đã thành lập Tổ tư vấn phát triển HTX, hỗ trợ đăng ký thành lập, chuyển đổi hoạt động; hỗ trợ người dân tiếp cận các chính sách về phát triển kinh tế hợp tác, HTX, tổ hợp tác và trang trại; xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp, vận động thành lập các tổ hợp tác, HTX phát triển sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm quy mô lớn; hỗ trợ các HTX tiếp cận thị trường, định hướng sản phẩm chủ lực, hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm.
P.V: Dù đã có những bước phát triển cả về quy mô và số lượng, song qua đánh giá, sự phát triển của các HTX vẫn chưa xứng với tiềm năng. Theo ông, đâu là nguyên nhân ?
Ông Khổng Văn Hậu: Thực tế đã chứng minh, HTX chính là một mắt xích quan trọng trong phát triển nông nghiệp và nông thôn. Nhưng nếu không có một chiến lược phát triển bài bản, chắc chắn các HTX sẽ không thể tiến xa và càng không thể thích ứng được với những đòi hỏi, yêu cầu khắt khe của nền kinh tế thị trường.
Ông Khổng Văn Hậu – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên.
Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ không có cơ hội nhận chuyển giao công nghệ và thu hút đầu tư vào HTX nói riêng, nông nghiệp, nông thôn nói chung. Vì vậy, dù đã có những bước phát triển cả về quy mô và số lượng, song qua đánh giá, sự phát triển của các HTX trên địa bàn huyện vẫn chưa xứng với tiềm năng. Theo tôi, có nhiều nguyên nhân.
Một là, thiếu một chiến lược sản xuất, nguồn vốn để đầu tư cũng là điểm yếu của nhiều HTX nông nghiệp hiện nay. Đặc biệt vấn đề vốn vẫn là “điểm nghẽn”, khó khăn lớn nhất của HTX. Thiếu vốn khiến nhiều HTX không thể mở rộng sản xuất, kinh doanh, thậm chí nhiều HTX còn có khả năng rơi vào nguy cơ phá sản.
Hai là, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế. Việc liên kết, liên doanh giữa HTX với HTX, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác và người nông dân còn ít, hiệu quả chưa cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của đa số HTX còn nhiều khó khăn.
Ba là, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua vai trò HTX nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bốn là các thành viên còn thiếu sự gắn bó, hợp tác, liên kết và không tích cực tham gia vào hoạt động của HTX dẫn đến hoạt động cầm chừng hoặc chỉ tồn tại trên danh nghĩa.
P.V: Thưa ông, để HTX nông nghiệp thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế, thời gian tới, huyện sẽ triển khai những cơ chế, chính sách, giải pháp gì?
Ông Khổng Văn Hậu: Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển HTX nông nghiệp theo kế hoạch với mục tiêu đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp của huyện. Hỗ trợ thành lập mới các HTX nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển HTX sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của địa phương để hình thành liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm do nông dân làm ra.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục tập trung cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021-2025; ưu tiên bố trí nguồn lực cơ cấu ngành nông nghiệp theo thế mạnh của từng vùng, nhu cầu của thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.
Ngoài ra, huyện tập trung chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; triển khai thực hiện hiệu quả các dự án phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị; xây dựng nhãn hiệu, xác lập bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản của huyện; tìm kiếm thị trường đầu ra bền vững cho nông sản, bảo đảm hầu hết các sản phẩm chủ lực và đặc sản của huyện đều có doanh nghiệp, HTX liên kết tiêu thụ; củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP hướng đến xuất khẩu.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hùng Cường (thực hiện)

Nguồn Báo Yên Bái: http://baoyenbai.com.vn/12/327699/De-hop-tac-xa-nong-nghiep-Van-Yen-phat-trien-xung-tam.aspx