Đẩy mạnh hoạt động du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương

Du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng mà các cấp lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm. Chính vì thế, sau khi tình hình dịch Covid-19 tạm thời lắng dịu thì ngành chức năng đã và đang đẩy mạnh hoạt động ngành “công nghiệp không khói” này tiếp tục phục hồi, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Khởi sắc lượng khách và doanh thu du lịch

Sóc Trăng là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, bởi nơi đây có nhiều lễ hội đặc sắc và là nơi giao thoa văn hóa của 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa. Sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế, ngành dịch vụ du lịch của tỉnh Sóc Trăng có nhiều khởi sắc, lượng khách du lịch tham quan Sóc Trăng tăng mạnh. Năm 2022, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt 2.794.740 lượt, vượt 31% so với kế hoạch năm, tăng 267% so năm 2021, trong đó, lượng khách du lịch quốc tế đạt 18.560 lượt, khách lưu trú là 575.614 lượt (vượt 54% kế hoạch năm), tăng 297,7% so năm 2021. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.484 tỷ đồng (vượt 77% kế hoạch năm), tăng 344% so năm 2021.

Phát huy kết quả đạt được, ngành dịch vụ du lịch tỉnh nhà từ đầu năm 2023 đến nay tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, trong quý I/2023, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh là 708.817 lượt, đạt 31% kế hoạch năm, tăng 217% so quý I/2022. Tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 382,8 tỷ đồng, đạt 38% kế hoạch năm, tăng trên 150% so với cùng kỳ… Trong những ngày này, tại các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh lúc nào cũng có rất nhiều du khách đến tham quan. Đang ngắm nhìn tượng Phật nằm tại chùa Som Rong, phường 5, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng), chị Nguyễn Thị Thu Thủy – du khách đến từ thành phố Đà Nẵng vui vẻ cho biết: “Tôi thường nghe bạn bè nói đến tỉnh Sóc Trăng có các lễ, hội của đồng bào Khmer vui lắm, nhưng gia đình chưa có dịp đi. Lần này tranh thủ những ngày cận lễ 30/4 đưa cả gia đình đi tham quan các tỉnh miền Tây và đặc biệt là tham quan các chùa ở Sóc Trăng, thưởng thức các món ăn nổi tiếng tại đây và nhận thấy rất ngon miệng…”.

Sóc Trăng là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, bởi nơi đây có nhiều lễ hội đặc sắc. Ảnh: QUANG BÌNH

Theo đồng chí Phạm Văn Đâu – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng, du lịch tâm linh là thế mạnh của du lịch Sóc Trăng. Toàn tỉnh hiện có trên 200 ngôi chùa, cơ sở thờ tự tôn giáo, trong đó có nhiều ngôi chùa là di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh nổi tiếng, thu hút nhiều khách du lịch. Trong quý I/2023, đặc biệt dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, một số điểm thu hút số lượng lớn khách đến viếng gồm: chùa Quan Âm Linh Ứng; chùa Som Rong; Thiền viện Trúc Lâm; chùa Dơi; chùa Đất Sét; chùa Ông Bổn; chùa Kh’leang; chùa Chén Kiểu; miếu Thiên Hậu cung, huyện Châu Thành; chùa Thiên Hậu Thánh mẫu, chùa Ông, thị xã Vĩnh Châu…

Phát triển hạ tầng du lịch gắn với các điểm tham quan

Hiện nay, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển về số lượng, chất lượng được nâng cao. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 1 khách sạn 3 sao; 5 khách sạn 2 sao; 8 khách sạn 1 sao; 33 khách sạn chưa đăng ký thẩm định lại hạng sao (theo Điều 50, Luật Du lịch năm 2017 cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền) và 36 cơ sở đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ của cơ sở lưu trú du lịch, tổng số trên 1.300 phòng. Toàn tỉnh hiện có 5 cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch gồm: điểm Du lịch Tân Huê Viên, nhà hàng Khu du lịch chùa Dơi, điểm dừng chân Quãng Trân, điểm dừng chân Công Lập Thành, Vincom Sóc Trăng. Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều khu vui chơi, giải trí mua sắm, ăn uống phục vụ du khách; có 5 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; có 5 điểm du lịch được công nhận gồm: điểm du lịch Di tích nghệ thuật cấp quốc gia chùa Mahatup, điểm du lịch Trung tâm Văn hóa Triển lãm Hồ Nước Ngọt, điểm du lịch Tân Huê Viên, điểm du lịch Bửu Sơn Tự (chùa Đất Sét) và điểm du lịch Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Du khách trong và ngoài tỉnh tham quan các ngôi chùa nổi tiếng ở Sóc Trăng. Ảnh: QUANG BÌNH

Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch còn đẩy mạnh hoạt động kinh doanh với việc mở thêm nhiều dịch vụ, loại hình để đáp ứng nhu cầu của du khách. Cụ thể, Công ty TNHH Mekong So Tra (Nhà hàng Gạo Tẻ) đã xây dựng và đưa vào hoạt động Chương trình ca – múa nhạc Khmer được tổ chức vào thứ 6, thứ 7 hàng tuần. Mỗi chương trình văn nghệ được tổ chức 45 phút với nhiều tiết mục ca, múa nhạc Khmer đặc sắc thu hút nhiều người xem, trong đó có du khách nước ngoài đến từ các nước: Pháp, Hàn Quốc, Campuchia… Đồng thời, chương trình văn nghệ này còn thu hút các công ty lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh như: Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Viettravel)… xây dựng tour, tuyến du lịch để đưa khách tham quan tại Sóc Trăng. Song song đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải du lịch cũng quan tâm khai thác tuyến tàu du lịch trên sông để tạo sự phong phú, đa dạng cho các sản phẩm du lịch của tỉnh; hứa hẹn sẽ thu hút khách du lịch đến tỉnh và lưu giữ du khách nghỉ đêm lại Sóc Trăng. Những hoạt động này sẽ tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp của địa phương để tiến tới thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, đề án về phát triển du lịch của tỉnh nhà.

Những định hướng cho tương lai

Đối với hoạt động phát triển du lịch tỉnh xác định mục tiêu: “Đến năm 2025, du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản phẩm du lịch hình thành rõ nét, đặc trưng, có sức cạnh tranh. Hoạt động du lịch mang tính chuyên nghiệp. Đến năm 2030, du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển”.

Với mục tiêu nêu trên, theo đồng chí Phạm Văn Đâu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập trung triển khai Đề án “Tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt nhằm thu hút khách du lịch dựa trên yếu tố văn hóa Khmer bằng giải pháp xây dựng hoàn chỉnh không gian Văn hóa du lịch Khmer tỉnh Sóc Trăng gắn liền với các khu di tích, đền chùa. Để thực hiện tốt đề án, đồng chí Phạm Văn Đâu cho biết, việc đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch gắn với các điểm tham quan, nghỉ dưỡng như: du lịch Giếng Tiên, làng nghề, làng văn hóa dân tộc; triển khai xây dựng các tiểu đề án trong đề án tổng thể phát triển du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch của tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND, ngày 7/7/2020 của HĐND tỉnh Sóc Trăng quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2020 – 2025; đổi mới phương thức xúc tiến du lịch dựa vào công nghệ, tăng cường mối liên kết với các tỉnh, thành trong nước và các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh – truyền hình để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người và tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh. Điều quan trọng là, triển khai có hiệu quả chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác du lịch, về công tác quản lý ngành, các kiến thức, kỹ năng hỗ trợ chuyên ngành…

QUANG BÌNH

Nguồn Báo Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/soc-trang-tiem-nang-va-phat-trien/day-manh-hoat-dong-du-lich-gop-phan-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-dia-phuong-64760.html