Cần sự chung tay từ nhiều phía để hiện thực hóa “chợ 4.0”

Hiện xu thế đi chợ không dùng tiền mặt đang được nhiều địa phương trong cả nước triển khai áp dụng hiệu quả. Tại tỉnh Sóc Trăng, hầu hết các cửa hàng, siêu thị, cơ sở kinh doanh lớn đều chấp nhận thanh toán qua chuyển khoản, đặc biệt tại các chợ truyền thống, mô hình “Chợ 4.0 – Thanh toán không dùng tiền mặt” cũng dần được hình thành, góp phần giúp việc mua bán thuận tiện hơn. Tuy nhiên, để mô hình này phát huy hiệu quả trong thời gian tới, rất cần sự chung tay từ nhiều phía.

Nhằm giúp người dân, hộ kinh doanh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh mua bán, Phòng Kinh tế thành phố Sóc Trăng đã phối hợp với các nhà mạng và ngân hàng trong tỉnh, như: MB, ACB, OCB, HD Bank… triển khai vận động 576 nhà hàng, khách sạn, quán ăn, quán cà phê, hộ kinh doanh mở mã QR thanh toán không dùng tiền mặt.

Tại chợ Trung tâm thành phố Sóc Trăng, Ban Quản lý chợ phối hợp thành lập các nhóm vận động, hỗ trợ các tiểu thương cài app, dán mã QR thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch mua bán. Qua triển khai, nhiều tiểu thương nhận thấy được những tiện ích khi mua bán không dùng tiền mặt. Chị Thảo – một tiểu thương kinh doanh thịt heo tại chợ trung tâm vui vẻ cho biết, khi khách thanh toán tiền qua chuyển khoản, chị thấy rất tiện và an tâm, vì không phải giữ nhiều tiền mặt nên sẽ an toàn hơn. Theo chị Thảo, hiện thỉnh thoảng mới có vài khách thanh toán bằng hình thức chuyển khoản do quên mang tiền mặt. Vì vậy, hướng tới chị sẽ liên hệ ngân hàng tạo mã QR dán ngay tại quầy để khách hàng tiện hơn trong thanh toán.

Chị Thảo – tiểu thương tại chợ Trung tâm thành phố Sóc Trăng cài app ngân hàng để thuận tiện trong kinh doanh. Ảnh: HOÀNG LAN

Theo chủ cửa hàng trái cây Bé, hiện nơi đây cũng đang thực hiện giao dịch bằng 2 hình thức là chuyển khoản và trả tiền mặt. Khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt phần lớn là cán bộ, công chức hoặc các cơ sở kinh doanh, còn lại khách đi chợ dùng tiền mặt. Riêng cửa hàng trong giao dịch với các đầu mối trái cây đều thông qua ngân hàng, bởi thuận tiện, tiết kiệm được thời gian và chi phí.

Chuyên kinh doanh các loại gia vị, thường xuyên lấy hàng từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận nên chị Mã Thị Ngọc Lan thấy rõ lợi ích khi sử dụng app ngân hàng trên điện thoại thông minh. Theo chị Lan, mỗi lần lấy hàng, chị phải ra tận chành xe gửi tiền cho đối tác, khi nào nhận đủ tiền, họ mới gửi hàng về cho mình, phải tới lui mấy bận. Bây giờ, chỉ cần vài thao tác là đầu mối đã nhận được tiền. Ngay hôm sau, chị đã có hàng để bán.

Chị Mỹ (thành phố Sóc Trăng) cho biết, nếu trước đây đi chợ mà quên mang tiền phải quay về nhà lấy thì giờ chỉ cần điện thoại thông minh có kết nối mạng là có thể mua được hàng và thanh toán qua ví điện tử như: VNPT Pay, ví Viettel money… dễ dàng.

Dù rất tiện ích, tuy nhiên, không phải hộ kinh doanh nào cũng ủng hộ với nhiều lý do khác nhau. Chị Lê Thị Mỹ Dung – chuyên kinh doanh tạp hóa, việc mua bán không dùng tiền mặt chỉ dừng lại ở khâu lấy hàng giữa đầu mối và chị, còn khách hàng mua bán lẻ thì 100% dùng tiền mặt, bởi đa phần khách mua hàng với số tiền không lớn. Một số hộ kinh doanh cà phê, bán bánh, rau cải… thì lại càng khó trong thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và có những lúc khách quá đông thì không có người để kiểm soát được việc thanh toán.

Anh Trang Hữu Phước cho biết, do tuổi đã lớn, không rành công nghệ nên việc kinh doanh quần áo của vợ chồng anh vẫn duy trì theo nếp cũ. Khách mua bao nhiêu đồ thì trả bấy nhiêu tiền mặt. Với lại khách hàng của anh phần lớn là người lớn tuổi, dân lao động tự do nên họ cũng không rành về công nghệ và không có điện thoại thông minh, tài khoản ngân hàng nên không có app ngân hàng để thanh toán.

Dù thanh toán không dùng tiền mặt rất tiện lợi nhưng nhiều người dân vẫn giữ thói quen mua bán hàng hóa bằng tiền mặt. Ảnh: HOÀNG LAN

Hiện tại, nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang tuyên truyền, vận động người dân tham gia chuyển đổi số; cầm tay chỉ việc giúp người dân (có điều kiện) mở tài khoản ngân hàng, cài đặt app ngân hàng trên điện thoại thông minh để thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần phân chia theo từng giai đoạn và chia nhóm đối tượng để áp dụng phù hợp. Theo đó, cần tập trung làm trước cho nhóm đối tượng trả lương qua ngân hàng (như cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các doanh nghiệp); nhóm sinh viên, học sinh; những người dân có điều kiện về kinh tế; hộ kinh doanh… Bên cạnh đó, rất cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; hướng dẫn cài đặt, sử dụng các app thanh toán; đa dạng các phương thức thanh toán. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần có giải pháp để cải thiện thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân; phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ những người không có điều kiện kinh tế có thể sử dụng các dịch vụ không sử dụng tiền mặt để mua sắm hàng hóa, các dịch vụ thiết yếu… Có như vậy, mô hình “chợ 4.0” sẽ sớm thành hiện thực và thanh toán không dùng tiền mặt dần trở thành thói quen không thể thiếu trong cuộc sống.

HOÀNG LAN 

Nguồn Báo Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/chuyen-doi-so/can-su-chung-tay-tu-nhieu-phia-de-hien-thuc-hoa-cho-4-0-64004.html