Hiện khoa Tâm thần – Bệnh viện Quân y 103 đang điều trị cho rất nhiều trường hợp mắc chứng trầm cảm, rối loạn thần kinh do nghiện game.
Không muốn ra khỏi phòng vì sợ bên ngoài không có Internet để chơi game
Trong rất nhiều trường hợp nhập viện điều trị do nghiện game có trường hợp khá điển hình, sau khi dùng mọi biện pháp tại gia đình không có kết quả, mẹ của bệnh nhân đã phải cưỡng chế bằng mọi cách đưa đến bệnh viện điều trị. Ban đầu nhập viện, bệnh nhân có nhiều biểu hiện không muốn hợp tác, khiến gia đình và bác sĩ đã gặp nhiều khó khăn.
Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Tất Định – Khoa Tâm thần – Bệnh viện Quân y 103 cho biết trường hợp bệnh nhân đang học lớp 11 ở Hà Nội, có hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt, bố mẹ đã ly hôn, cháu sinh sống cùng mẹ và bà ngoại. Do đặc thù công việc của mẹ là giáo viên mầm non khá bận rộn, không có nhiều thời gian kèm cặp và can thiệp cuộc sống cũng như học tập của con.
Nhiều bé đang độ tuổi đến trường phải nhập viện vì nghiện game
Để tốt cho việc học tập của con người mẹ này đã trang bị dàn máy tính, nhưng vì không thể kiểm soát được mọi việc làm của con. Dẫn đến con dồn hết thời gian ăn uống học tập vào việc chơi game, lâu dần thành con nghiện game.
Thấy con mải chơi, đã nhiều lần mẹ của cháu khuyên nhủ ra ngoài chơi thể thao cùng bạn bè nhưng cháu nhất quyết ở trong phòng ôm máy tính vì sợ ra ngoài thì không có Internet chơi game.
Nhiều hôm khi đã đến bữa cơm nhưng cháu một mực ở trong phòng chỉ để ôm máy tính chơi điện tử. Lâu dần, cháu trai bắt đầu thay đổi tính tình, hay nổi cáu, thường xuyên đánh quát lại mẹ và bà ngoại.
Quá lo lắng nên mẹ cách ly con với máy tính và game, nhưng cháu lại tìm cách trốn ra khỏi nhà để tìm đến chỗ có thể thỏa mãn cơn nghiện game của mình. Đến lúc thấy con mình ốm yếu, gầy gò, mặt mũi lờ đờ gia đình tức tốc cưỡng chế đưa cháu nhập viện.
Sau khi thăm khám, bác sĩ đã tư vấn cho gia đình phối hợp cùng bệnh viện điều tiết sinh hoạt để cắt cơn dần dần, khuyên cháu ăn uống và sinh hoạt điều độ.
“Bệnh nhân được nhập viện làm một số xét nghiệm thường quy, sau đó điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, nếu trường hợp nặng phải kết hợp với thuốc an thần.
Nếu các thuốc không phát huy khả năng ngăn các dấu hiệu sẽ sử dụng liệu pháp sốc điện làm thay đổi 5 hóc môn thần kinh, đồng thời xóa tạm thời đường thần kinh trong cơ thể, những sự kiện không mong muốn…”- Bác sĩ Định cho hay.
Được biết, trường hợp trên sau khi điều trị tại bệnh viện, cháu đã có những tiến bộ tích cực như tăng cân, lễ phép, cảm xúc phù hợp hơn, vui vẻ và hòa đồng với mọi người xung quanh.
Chuyên gia khuyến cáo và chỉ cách nhận biết khi nào cần đưa trẻ nhập viện
Các chuyên gia đến từ các khoa và bộ môn Tâm thần học chia sẻ, người nghiện game online tìm thấy ở các trò chơi những điều mới mẻ, hấp dẫn cho cuộc sống của họ và Dopamin liên tục được sản sinh và tăng dần ngưỡng thích nghi của cơ thể.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra là việc một người từ bỏ/giảm thời gian dành cho những thú vui/hoạt động thường ngày để tập trung vào chơi game online thì đã được coi là nghiện game.Ở những người nghiện game, người ta nhận thấy có sự sụt giảm đáng kể nồng độ chất dẫn truyền thần kinh Serotonin tại khe sinap ở não.
Sự sụt giảm nồng độ Serotonin giống với bệnh sinh của trầm cảm, vì vậy người nghiện game có các triệu chứng điển hình của trầm cảm và lo âu. Khi điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, các triệu chứng của nghiện game online thuyên giảm rõ rệt.
Hiện người ta chưa rõ trầm cảm, lo âu là hậu quả của nghiện game hay là nguyên nhân gây ra nghiện game online.
Từ trường hợp bệnh nhân nghiện game phải nhập viện kể trên, các bác sĩ khuyến cáo, bậc phụ huynh cần lưu ý nếu con có biểu hiện chơi game thâu đêm không ăn uống; loạn thần như hay gào thét bất thường hoặc ủ ê, không quan tâm mọi thứ xung quanh; hoang tưởng phải đi khám ngay.