Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế

Các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Trung ương Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam phát động nhiều năm qua đã được các cấp Hội CCB từ tỉnh đến cơ sở triển khai, thực hiện hiệu quả, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên CCB tham gia. Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, tổ chức Hội đã phát huy vai trò cầu nối, khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất giúp nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo, trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế và tích cực tham gia công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tếNhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình kinh tế của CCB trong tỉnh đã mang lại hiệu quả cao, tạo việc làm cho lao động ở địa phương.

Nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả

Là một trong những hội viên đi đầu trong phong trào CCB thi đua làm kinh tế giỏi ở xã miền núi Mỹ Lung, huyện Yên Lập, CCB Sa Đình Nông ở Chi hội 7 chia sẻ: “Dù có đất vườn đồi rộng song trước đây gia đình tôi chưa dám nghĩ đến chuyện xây dựng mô hình kinh tế với quy mô lớn bởi bản thân không có kinh nghiệm cũng như không nắm được kiến thức về khoa học kỹ thuật. Được Hội CCB xã vận động chuyển đổi hình thức sản xuất và tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, tôi đã mạnh dạn cải tạo đất để trồng cây ăn quả”. Thời gian đầu tuy gặp không ít khó khăn, song không nản chí, CCB Sa Đình Nông cùng với người con trai chủ động tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả quy mô lớn qua internet, sách báo… sau đó tự nghiên cứu, điều chỉnh phương pháp sao cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên ở địa phương. Sau gần 6 năm xây dựng và nhân rộng mô hình, đến nay, gia đình CCB Sa Đình Nông có hơn 4ha diện tích trồng các loại cây ăn quả như: Ổi, mít thái, hồng xiêm, nhãn, táo… Trong đó, trên 1ha cây trồng đã cho thu hoạch, mang lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

Với nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ thiết thực gắn với các mô hình kinh tế hiệu quả, phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã đạt được những kết quả tích cực, đời sống của hội viên ngày một nâng cao. Tỉ lệ hộ hội viên CCB khá, giàu trong tỉnh đạt 60,9%, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,79%. Những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, tích cực tham gia công tác Hội đều được Hội CCB các cấp kịp thời biểu dương, khen thưởng, tạo động lực để CCB ngày càng gắn bó với tổ chức Hội.

Xuất ngũ trở về địa phương, CCB Ma Văn Sơn ở khu 10, thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba tích cực lao động sản xuất. Năm 2007, ông thành lập Công ty TNHH may xuất nhập khẩu Sơn Thủy và đầu tư 2,5 tỉ đồng xây dựng xưởng, trang bị máy móc sản xuất. Nhờ đảm bảo chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm, thương hiệu của Công ty ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng và xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Đến nay, Công ty TNHH may xuất nhập khẩu Sơn Thủy mở rộng ra hai cơ sở sản xuất, doanh thu hàng năm đạt từ 6 – 7 tỉ đồng, tạo việc làm cho khoảng 100 lao động ở địa phương.

Ông Nguyễn Kim Toàn – Chủ tịch Hội CCB thị trấn Thanh Ba cho biết: Cùng với vận động hội viên tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tổ chức Hội cũng đồng hành, hỗ trợ hội viên về nguồn vốn, giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên. Nhiệm kỳ vừa qua, toàn Hội đã giúp bảy hộ hội viên thoát nghèo và chín hộ thoát cận nghèo.

Ngoài ra còn có rất nhiều hội viên CCB là những tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế, nổi bật như: Mô hình doanh nghiệp đa ngành nghề T&Q của hội viên Nguyễn Chí Thắng ở Tam Nông với doanh thu trên 400 tỉ đồng/năm; mô hình kinh doanh vật liệu xây dựng của CCB Nguyễn Văn Hướng ở Hạ Hòa có doanh thu hàng năm trên 10 tỉ đồng; mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp của CCB Lê Đình Thanh ở Thanh Thủy doanh thu trên 5 tỉ đồng; cùng hàng chục doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sản xuất và hàng trăm trang trại, gia trại của hội viên CCB có doanh thu từ vài trăm triệu đồng đến 3 tỉ đồng.

Không chỉ giỏi làm kinh tế, các CCB luôn nhiệt tình tham gia công tác Hội, chủ động chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ hội viên trong sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Đa dạng các hình thức hỗ trợ hội viên

Từ định hướng công tác kinh tế của Trung ương Hội, đặc biệt là thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, các cấp Hội CCB toàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, kết hợp với liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh để có thu nhập cao, bền vững. Quá trình sản xuất, kinh doanh dịch vụ đã gắn với bảo vệ môi trường, chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ của tổ chức Hội, các cấp, ngành, phân tích thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế của từng địa phương nhằm giúp hội viên, CCB có định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, Hội CCB tỉnh chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên rà soát, phân loại hộ nghèo, nắm bắt nhu cầu hỗ trợ của hội viên để đưa ra các hình thức giúp đỡ phù hợp, kịp thời. Hội cũng quản lý có hiệu quả các nguồn vốn ủy thác từ Trung ương Hội, Ngân hàng chính sách xã hội… với dư nợ trên 1.200 tỉ đồng cho hội viên vay đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo chất lượng, sức cạnh tranh cũng như giá trị tiêu thụ của sản phẩm trên thị trường, Hội CCB tỉnh đã thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm liên kết về phát triển kinh tế và tích cực vận động hội viên tham gia. Đến nay, toàn tỉnh có trên 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 80 hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cùng hàng nghìn mô hình phát triển kinh tế theo hình thức trang trại, gia trại của hội viên CCB đạt hiệu quả, mang lại thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động với thu nhập ổn định; có trên 3.100 hội viên đạt danh hiệu CCB sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Ngoài ra, việc thành lập và duy trì hoạt động của CLB doanh nhân CCB tỉnh và các CLB cấp huyện đã góp phần đẩy mạnh liên kết hợp tác, hỗ trợ giúp các doanh nghiệp phát triển ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Thiếu tướng Lê Quang Đại – Chủ tịch Hội CCB tỉnh nhấn mạnh: Thời gian tới, Hội CCB tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai nhân rộng những mô hình điểm, cách làm hay trong phát triển kinh tế tạo điều kiện cho hội viên, CCB học hỏi từ đó làm thay đổi tư duy, giúp CCB chủ động hơn trong phát triển kinh tế gia đình, nhất là những đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Khuyến khích các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế; nhiệt tình tham gia các hoạt động chung vì cộng đồng… góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Mai Hoa

Nguồn Báo Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/bo-doi-cu-ho-tren-mat-tran-kinh-te/191361.htm