“Đấy là cách nhìn nhận đó, chứ không phải ba cái chữ nghĩa này đâu. Nói lảm nhảm là chỉ có thua và thua thôi” – Tiến sĩ Lê Thẩm Dương nói.
Tối 2/1 vừa qua, tập cuối chương trình Quyền lực ghế nóng đã lên sóng, với nhiều tiết mục hấp dẫn và đối đáp gay cấn. Trong đó, đáng chú ý nhất là màn công kích trực tiếp của đạo diễn Lê Hoàng tới tiến sĩ Lê Thẩm Dương.
Đạo diễn Lê Hoàng: “Tôi không thể chấp nhận nổi tựa sách của Lê Thẩm Dương”
Cụ thể, đạo diễn Lê Hoàng đã phê phán tựa sách của tiến sĩ Lê Thẩm Dương một cách gay gắt. Anh nói:
“Nếu chỉ đọc cái tựa thôi thì như ông Lê Thẩm Dương viết, cảm xúc đúng là kẻ thù của thành công còn gì. Tựa đề sách của ông như thế là bị một vế.
Mỗi người trong chúng tôi ngồi đây, trừ giám khảo ra thì đều là nghệ sĩ cả. Với nghệ sĩ chúng tôi, cảm xúc cũng chính là lí trí, cảm xúc là kiến thức. Tôi không cho nghệ sĩ là cái gì ghê gớm, vượt khỏi thế giới, nhưng cảm xúc của họ rất mạnh.
Cả xã hội đều tán thành điều này, chứ không phải các nhà khoa học. Các nhà khoa học thì chỉ tôn thờ lí trí thôi.
Tựa sách của Lê Thẩm Dương kiểu gì thì kiểu cũng luôn khiến tôi nghĩ rằng, cảm xúc là kẻ thù của thành công, tức là phải tránh xa cảm xúc. Anh không thể ngồi diễn giải cái đó ở sau này được.
Một tựa sách là phải có tính chuyên môn. Lê Thẩm Dương không thể bắt người đọc đọc tựa sách của anh rồi phải suy ra một cái gì đó.
Hôm qua, tôi đi qua tiệm sách rất nhiều lần. Tôi nhìn thấy tựa sách đó, tôi biết nó bán rất chạy, nhưng luôn tự hỏi: “Sao thế nhỉ? Tôi không thể chấp nhận nổi tựa sách của Lê Thẩm Dương”.
Tất nhiên, tôi không nói là không chấp nhận nội dung bên trong vì đến giờ cũng chưa đọc cuốn sách của Lê Thẩm Dương.
Nhưng tôi chắc chắn rằng, tựa sách này với nghệ sĩ chúng tôi là sai, vì với nghệ sĩ, cảm xúc là lí trí. Dù được nhiều người đọc, tựa sách của Lê Thẩm Dương cũng là sai. Tôi không đồng ý tựa sách đó“.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: “Luật an ninh mạng đang điều chỉnh hành vi của người dùng Facebook và đè quyết liệt Facebook”
Sau khi bị đạo diễn Lê Hoàng chỉ trích về tựa đề sách của mình, tiến sĩ Lê Thẩm Dương nhẹ nhàng giải quyết từng vấn đề.
Đầu tiên, tiến sĩ Lê Thẩm Dương tập trung phân tích vào việc điều chỉnh hành vi của con người trong hiện tại và tương lai chứ không nói lại Lê Hoàng. Trong đó, anh nhắc tới luật an ninh mạng vừa được ban hành. Anh nói:
“Hiện tại chính là hồi quy của quá khứ và quá khứ của ngày mai. Hôm nay, chúng ta bàn về tương lai, nhưng tôi khuyên mọi người đừng bàn nữa mà hãy dồn sức vào hành vi của hiện tại.
Về tâm lí, khi chúng ta không hài lòng về hiện tại, chúng ta bắt đầu phóng tác về tương lai và tưởng tượng một cách hão huyền. Nó nhấc bổng chúng ta lên, rồi sau một phút, nó quật chúng ta xuống đau hơn nhiều.
Chúng ta tưởng tượng sau này toàn robot nên kêu rằng, bây giờ sống làm gì nữa, cứ ăn chơi trác táng hết đi. Đó là chúng ta ngụy biện khi nghĩ về tương lai. Nó nhấc chúng ta lên với cái nhìn lạc quan, và cả hai cái đó chỉ cho phép chúng ta nhìn tương lai để định hình mình thôi.
Chúng ta cần tập trung nguồn lực cho hiện tại, đó mới là một kẻ khôn ngoan, thành công.
Nếu nói tội gì không ước, ước có mất gì đâu là sai. Theo tôi, nó mất toàn diện luôn. Mất về mặt thời gian, mất vì chi phối hành vi tiêu cực của mình. Như vậy, ước sẽ khiến ta bị hại.
Tương lai của mình như thế nào phải được xây dựng trên nền tảng hiện tại. Phải lấy hiện tại làm lăng kính để nhìn cuộc sống thì nhìn tương lai mới chuẩn được.
Con người đã trải qua 4 cuộc cách mạng rồi, nên có thể tự điều chỉnh được trong tương lai. Bởi vậy, hãy nhìn vào hiện tại và điều chỉnh tương lai bằng hai hành vi.
Một là để hiện tại điều chỉnh dần dần, điều chỉnh bằng chính nhận thức của mình. Nhưng quan trọng hơn cả là để cộng đồng điều chỉnh anh bằng luật pháp.
Đạo diễn Lê Hoàng cười khẩy khi nghe tiến sĩ Lê Thẩm Dương trình bày
Bạn sang châu Âu và kêu con người của họ văn minh. Không! Đừng nghĩ như thế. Con người nào cũng là con người cả. Con người trở thành con người là nhờ luật pháp, nên cứ yên tâm. Cứ tin tưởng vào luật pháp, tin tưởng vào luật an ninh mạng.
Không có cái gì là hoàn hảo, kiểu gì cũng có nhược điểm, tương lai cũng vậy. Bởi vậy, cần chung sống với nhược điểm của tương lai.
Tại sao chúng ta không nhìn vào mặt phải của robot? Bây giờ tôi lấy một cô vợ robot, tôi có biết bao lợi thế, không nói nhiều, không đòi tiền, trẻ mãi không già… Đã lắm.
Ngày xưa chồng mà không ăn cơm với vợ là có vấn đề, còn bây giờ kết cấu gia đình lỏng lắm, không ăn chung là chuyện bình thường. Lúc này, cảm xúc của người ta hướng vào trong họ chứ không xồ ra ngoài.
Chúng ta không thể nào hiểu được các cụ ngày xưa, còn các cụ nhìn chúng ta cũng sẽ bảo: “Thằng này lố lăng”. Trong khi chúng ta thấy như thế là bình thường.
Xã hội hiện nay đang chia làm 2 dạng cảm xúc. Mấy ông trẻ thì bảo mấy ông già: “Sao sống lâu thế”. Mấy ông già lại bảo bọn trẻ: “Sao dạo này thanh niên nó mất dạy thế”. Ông già nhìn thanh niên màu đen, thanh niên nhìn ông già màu xám. Thế tóm lại là màu gì?
Bởi vậy, nhìn rộng ra thì hãy tập trung vào cuộc sống hiện tại. Đừng lo sợ quá về sự thay đổi cuộc sống mà hãy tự mình điều chỉnh, rồi để pháp luật điều chỉnh,
Bây giờ tôi lên miền núi nhìn sinh hoạt của người miền núi, tôi thích lắm, như trong thơ vậy, nhưng để sống kiểu đấy thì tôi chịu. Cảm xúc và văn hóa cứ chạy song song cùng nhau, phải bình tĩnh và thích nghi.
Cuộc đời chỉ có nhận thức và luật pháp. Nó sẽ điều chỉnh xã hội về đúng nghĩa của nó.
Kinh tế kết nối có sức mạnh kì diệu, nên tạo ra một dạng cảm xúc mới. Cứ để cho đời nó dạy mình thì sẽ thành công. Đừng lí luận nữa, đạo đức chính là làm được cái gì cho đời”.
“Nói lảm nhảm là chỉ có thua và thua thôi”
Sau đó, tiến sĩ Lê Thẩm Dương mới bình tĩnh quay lại vấn đề của đạo diễn Lê Hoàng. Anh giải thích:
“Từ đây, tôi tâm sự thêm về cuốn sách của tôi mà anh Lê Hoàng đang phản đối. Cái gì cũng có hai mặt. Cảm xúc là thành công, cảm xúc là thất bại. Phát ngôn là nhân tố đầu tiên của thành công và cũng là kẻ thù số 1 của thành công.
Chào hỏi là nhân tố số 1 của thành công, nhưng nếu vì cảm xúc mà anh không thèm chào người ta thì nó là nhân tố số 1 của thất bại.
Kết luận lại, phải nhìn đời thật bình tĩnh. Tôi rất không đồng ý việc mấy ông chuyên gia cứ ngồi vẽ ra cái nọ cái kia rồi dọa nhau. Theo cách nhìn của tôi, điều này là không đúng. Không việc gì phải dọa, mỗi người một nhận thức“.
Cuối cùng, tiến sĩ Lê Thẩm Dương cười khẩy và nói một cách đầy ấn ý rằng:
“Đấy là cách nhìn nhận đó, chứ không phải ba cái chữ nghĩa này đâu. Nói lảm nhảm là chỉ có thua và thua thôi.
Đạo đức là làm được cái gì? Chả cần chức vụ làm gì, chỉ cần làm được gì thôi. Nếu ngày hôm nay tôi và anh Lê Hoàng lên đây mà không cống hiến được cho khán giả cái gì, thì ở góc độ nặng nề, đó là vô đạo đức“.
Nhiều khán giả cho rằng, những câu nói cuối cùng của tiến sĩ Lê Thẩm Dương là hướng về đạo diễn Lê Hoàng. Tất nhiên, đây chỉ là sự suy đoán của người xem, thực hư thế nào, chỉ người trong cuộc mới hiểu.