Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận chung với hải quân Nga. Ảnh: AP
Trung Quốc đang giành được vị thế quân sự ngày càng có lợi ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, khiến Mỹ không còn có thể tận hưởng ưu thế quân sự của mình trong khu vực.
Theo trang mạng Defense News, đó là nhận định từ bản báo cáo mới đây của Viện Các nghiên cứu Mỹ (USSC – trụ sở tại Sydney, Australia).
Cán cân sức mạnh khu vực đang nghiêng về Trung Quốc
Theo bản báo cáo, khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương hiện rất dễ để Trung Quốc tiến hành một bước đi chớp nhoáng nhằm đảm bảo lợi ích quân sự hoặc chiến lược của nước này, và cái giá nếu Mỹ phản công sẽ là rất cao, có thể vượt quá mức độ chịu đựng.
Các chuyên gia phân tích của USSC đồng thời đề cập rằng, “hiệu ứng kết hợp của các cuộc chiến tranh tại Trung Đông, khó khăn về ngân sách, sự thiếu đầu tư cho năng lực quân sự tiên tiến và quy mô chương trình xây dựng trật tự tự do của Mỹ đã khiến các lực lượng vũ trang Mỹ không được chuẩn bị đầy đủ cho cuộc cạnh tranh khốc liệt tại Ấn Độ-Thái Bình Dương”.
Tên lửa đạn đạo DF-26 của Trung Quốc – mệnh danh “Sát thủ diệt Guam” – là một trong những loại tên lửa tạo ra mối đe dọa lớn đối với Mỹ. Ảnh: FAS.org
Bản báo cáo, có tựa đề: “Ngăn chặn khủng hoảng: Chiến lược Mỹ, Chi tiêu quân sự, và Phòng vệ tập thể ở Ấn Độ-Thái Bình Dương”, dự đoán trong thập kỷ sắp tới, nguồn ngân sách quốc phòng Mỹ “nhiều khả năng không thể đáp ứng được các nhu cầu của Chiến lược Phòng thủ Quốc gia do các áp lực về chính trị, tài chính và nội bộ”.
Trong khi đó, cán cân sức mạnh trong khu vực đang nghiêng về phía Trung Quốc. Theo bản báo cáo, đây cũng là kết quả của việc Trung Quốc tích cực hiện đại hóa và chỉnh đốn quân đội.
Chủ trương của Trung Quốc là đầu tư khổng lồ vào các loại tên lửa hành trình/đạn đạo mang đầu đạn thông thường. Giới phân tích đánh giá đây là trọng tâm trong chiến lược “chống can thiệp” của Trung Quốc.
Kho tên lửa tầm xa chính xác với quy mô ngày càng lớn này (trong đó một số loại có thể vươn tới các căn cứ không-hải quân quan trọng của Mỹ tại Guam) đang tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hầu hết các cơ sở quân sự, cảng biển, đường băng của Mỹ, cũng như của các nước đồng minh và đối tác của Washington ở Tây Thái Bình Dương”.
Trung Quốc có thể tấn công bất ngờ vào căn cứ Mỹ
Theo một bài viết năm 2017 của Đại úy Thomas Shugart – người từng là nghiên cứu viên quân sự cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, hình ảnh vệ tinh từ các nguồn mở cho thấy Trung Quốc đang thử nghiệm các loại tên lửa đạn đạo nhằm vào những mục tiêu giả định tương tự như những mục tiêu có thể tìm thấy tại các căn cứ của Mỹ và đồng minh trong khu vực.
Những mục tiêu giả định này khá đa dạng, từ xe quân sự cho tới các xe tăng, đường băng, nhà chứa máy bay, tàu chiến đang neo đậu. Trong đó, ông Shugart chỉ ra rằng một số mục tiêu được sắp sếp gần như mô phỏng lại hình ảnh một cầu cảng thực tại căn cứ hải quân của Mỹ ở Yokosuka.
Ông Shugart nhận định, “cách duy nhất để Trung Quốc có thể tiêu diệt được nhiều tàu chiến của Mỹ trong cảng là thông qua một cuộc tấn công bất ngờ”.
Một góc của căn cứ hải quân Mỹ ở Yokosuka. Ảnh: Balance Careers
Nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra khi mà nhiều căn cứ của Mỹ và đồng minh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nằm trong diện dễ bị tên lửa Trung Quốc tấn công chưa được bảo vệ chặt chẽ.
Trong khi đó, “lực lượng tiền phương và các nguồn cung ứng đi kèm chưa được chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng các nhu cầu thời chiến”, thậm chí “năng lực hậu cần của Mỹ cũng đã suy giảm mạnh”.
Theo bản báo cáo, sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại “chuỗi đảo thứ nhất” (trải dài từ Nhật Bản và quần đảo Ryukyu tới Đài Loan và Philippines, giờ đây đã có thể được triển khai một cách hiệu quả.
Điều đó mang lại cho Trung Quốc “đòn bẩy” mà nước này cần có để nhanh chóng chiếm giữ vùng lãnh thổ mà họ thèm muốn hoặc lật ngược hiện trạng bằng cách theo đuổi chiến lược “đặt bên khác vào việc đã rồi”.
Trung Quốc có thể kích hoạt mạng lưới chống xâm nhập/chống tiếp cận ở chuỗi đảo thứ nhất và mở rộng hơn nữa. Các nhà phân tích nhận định, điều đó sẽ khiến lực lượng Mỹ từ Hawaii và Bờ Tây nước Mỹ phải chiến đấu để mở đường vào khu vực này.
Mặc dù có thể nhưng quân đội Mỹ không chắc chắn sẽ thắng thế trong một cuộc chiến kéo dài. Sự leo thang vào thời điểm này sẽ vô cùng tốn kém và nguy hiểm.
Chiến lược phòng vệ tập thể
Để đối phó với nguy cơ cán cân sức mạnh trong khu vực bị thay đổi, bản báo cáo đề cập tới chiến lược phòng vệ tập thể nhằm bù đắp những thiếu sót trong sức mạnh quân sự Mỹ.
Các nhà phân tích khuyến khích Australia củng cố mạng lưới đối tác và đồng minh trong khu vực bằng cách theo đuổi “năng lực răn đe tập thể” cùng một số nước lớn như Mỹ và Nhật Bản, đồng thời tổ chức và mở rộng các cuộc tập trận quân sự công nghệ cao với các bên để phát triển và thực hành các phương thức tác chiến mới, chuẩn bị cho các tình huống xảy ra ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Bản báo cáo cũng kêu gọi Australia tái cân bằng các nguồn lực quốc phòng từ Trung Đông sang Ấn Độ-Thái Bình Dương, nắm bắt khả năng tấn công trên bộ, năng lực chống tiếp cận.
Đồng thời, Australia cần tăng cường kho vũ khí và phát triển năng lực tự chủ trong “sản xuất và dự trữ các loại đạn chính xác, nhiên liệu, cũng như các vật liệu khác cần thiết cho cuộc xung đột công nghệ cao và kéo dài”.