Xứng tầm Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng

Từ lâu nay, trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt, Đền Hùng vẫn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa mang đậm dấu ấn từ thời Hùng Vương dựng nước. Những giá trị đó là biểu tượng tinh thần, kết thành ý thức nguồn cội, nghĩa đồng bào và là yếu tố nội lực tạo nên sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Song, không chỉ là những giá trị tâm linh, Đền Hùng còn là một điểm đến thực sự hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về du lịch Đền Hùng, phóng viên (PV) Báo Phú Thọ đã trao đổi với đồng chí Phạm Thị Hoàng Oanh – Phó Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng về Khu Du lịch Quốc gia này.

Xứng tầm Khu du lịch Quốc gia Đền HùngĐồng bào và du khách về dâng hương, tham quan Khu Di tích lịch sử Đền Hùng dịp đầu Xuân 2023.

PV: Từ tháng 10/2020, Bộ VH-TT&DL đã có Quyết định công nhận Khu du lịch Đền Hùng, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là Khu du lịch Quốc gia. Gắn bó lâu năm với Đền Hùng, đồng chí có thể cho biết đâu là lợi thế của khu du lịch đặc biệt này?

Đồng chí Phạm Thị Hoàng Oanh: Đền Hùng thực sự là một Khu du lịch rất đặc biệt vì những giá trị lịch sử, văn hoá được hàm chứa nơi đây. Đó là cả một không gian văn hoá vật thể và phi vật thể được kết tinh, bảo tồn và trao truyền hàng nghìn năm nay.

Những giá trị lịch sử, văn hóa ấy đã im đậm các dấu tích lịch sử về thời kỳ dựng nước của các Vua Hùng với nhà nước Văn Lang đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Vì thế, Đền Hùng đã trở thành biểu tượng của nguồn cội, của nghĩa Đồng bào. Đỉnh cao của ý thức nguồn cội, của truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt chính là sự thể hiện thông qua Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đó là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ông bà, một tín ngưỡng bản địa của riêng người Việt. Mỗi truyền thuyết thời đại Hùng Vương là một bài học lịch sử nhân văn quý giá, giúp chúng ta thêm thấm thía về tình đoàn kết, về cội nguồn dân tộc; về tinh thần anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai, địch họa; tinh thần yêu lao động, ý chí tự lực tự cường; về tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa, về sự thủy chung nhân nghĩa… Những giá trị lịch sử truyền thống đó được tuyên truyền, giáo dục trong trường học, trong cuộc sống, nhân lên những giá trị nhân văn tốt đẹp cho mỗi cá nhân, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam, là nhân tố tạo nên sức mạnh nội lực và là điểm tựa tinh thần của dân tộc Việt Nam.

Về những giá trị vật thể: Rất dễ nhận thấy ở Đền Hùng có một không gian tín ngưỡng khang trang, đồng bộ đã được quy hoạch với hệ thống các di tích đền, đài, lăng, tẩm in đậm dấu tích của thời đại Hùng Vương dựng nước. Đặc biệt tại Bảo tàng Hùng Vương ở Đền Hùng hiện lưu giữ hơn 4.000 hiện vật khảo cổ học liên quan đến sự ra đời, hình thành và phát triển của nền văn minh sông Hồng rực rỡ của người Việt cổ và sự ra đời của Nhà nước Văn Lang. Bên cạnh đó, Đền Hùng luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của các bộ, ngành và nhân dân cả nước, cùng sự chỉ đạo sát sao, sự cố gắng nỗ lực của tỉnh trong việc đầu tư, tôn tạo giữ gìn cảnh quan Khu di tích ngày càng khang trang, sạch, đẹp. Nhiều thiết chế văn hóa mới, hạ tầng kỹ thuật ra đời phục vụ cho hoạt động du lịch không ngừng được đầu tư xây dựng; công tác an ninh, trật tự và cảnh quan môi trường được đảm bảo, các dịch vụ phục vụ du lịch được tăng cường đã góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Đền Hùng an toàn, thân thiện, mến khách.

PV: Vậy, những lợi thế trên đã được tận dụng, phát huy hiệu quả trên thực tế như thế nào và việc khai thác những tiềm năng, lợi thế du lịch tại Đền Hùng có gặp khó khăn gì không, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Thị Hoàng Oanh: Tuy có nhiều lợi thế, nhưng thực tế giống như các điểm du lịch tâm linh khác trong cả nước, du khách đến với Di tích lịch sử Đền Hùng cũng mang tính mùa vụ. Dù năm 2022, Đền Hùng đã đón 1,5 triệu lượt khách với doanh thu các hoạt động dịch vụ đạt 23 tỉ đồng, nhưng số liệu trên cũng tập trung vào thời điểm đầu năm và mùa lễ hội. Vì thế, có thể nói du khách đến với Đền Hùng chủ yếu vẫn vì yếu tố tâm linh là chính; những hoạt động du lịch, trải nghiệm và để níu chân du khách chưa được phát huy.

Tại Đền Hùng hiện nay, việc khai thác du lịch chưa xứng với tiềm năng thực tế của di sản. Ngoài lý do khách quan là người dân thường hay có tâm lý đi lễ đầu năm để cầu may dẫn đến tính thời vụ cao, nên việc thay đổi tư duy là một vấn đề cần có thời gian. Tuy nhiên, còn lý do chủ quan đó là hệ thống hạ tầng, các dịch vụ phục vụ nhu cầu du lịch của Khu di tích dù đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ; các hoạt động dịch vụ chưa được khai thác tốt; sản phẩm du lịch còn đơn điệu; việc xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, khai thác phát triển hoạt động dịch vụ du lịch còn gặp những vướng mắc. Đội ngũ cán bộ quản lý và lực lượng lao động trực tiếp làm du lịch năng lực còn hạn chế, bất cập chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch và xu hướng hội nhập quốc tế…

Xứng tầm Khu du lịch Quốc gia Đền HùngNhiều du khách lựa chọn vui chơi, ngắm cảnh trên hồ Mai An Tiêm, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

PV: Vậy là vẫn còn nhiều việc phải làm để Khu Du lịch Quốc gia Đền Hùng có thể khai thác được triệt để, hiệu quả những ưu thế của mình?

Đồng chí Phạm Thị Hoàng Oanh: Đúng vậy. Để phát triển du lịch trên cơ sở khai thác có hiệu quả các giá trị tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng là cả một quá trình. Trước tiên, cần tiếp tục các nội dung thực hiện xây dựng Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc nhằm mở rộng không gian tín ngưỡng kết nối Đền Hùng – Khu trung tâm lễ hội, nơi thực hành các nghi lễ tâm linh, với TP Việt Trì – nơi triển khai các hoạt động dịch vụ du lịch trải nghiệm, lưu trú, nghỉ dưỡng thành một không gian liên kết, khép kín. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, kỹ thuật cho phát triển du lịch thông qua việc nâng cấp, sửa chữa, xây dựng các công trình kiến trúc, cảnh quan tạo các điểm nhấn cho du khách chụp ảnh, check in. Nghiên cứu xây dựng mô hình làng văn hoá du lịch cộng đồng, khuyến khích các hộ dân quanh Đền Hùng tham gia làm dịch vụ du lịch Homestay dựa trên các mẫu thiết kế nhà đã được UBND tỉnh phê duyệt để cấp phép cho các hộ dân còn lại trong vùng Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Thời gian qua đã có gần 20 nhà được hoàn thiện, tạo nên cảnh quan gần gũi, thân thiện, phù hợp không gian truyền thống trong Khu Di tích và phục vụ phát triển du lịch lâu dài.

Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền, khai thác tour Du lịch Đêm Đền Hùng để kéo dài và thay đổi không gian, thời gian đi lễ hội của du khách gắn với việc phát triển du lịch đêm; kết hợp phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch học đường… Cần tiếp tục nghiên cứu, phối hợp xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, kết hợp với khai thác các sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh; liên kết với các tổ chức, cá nhân trong việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm hàng hóa, quà tặng mang bản sắc văn hóa Đất Tổ phục vụ du khách.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch. Đầu tư nâng cao việc đào tạo chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Đặc biệt là chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho các nhà đầu tư vào Đền Hùng; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo cho các dự án đầu tư. Thực hiện liên kết các dự án du lịch sinh thái có quy mô, chất lượng; khuyến khích người dân địa phương tham gia đầu tư cơ sở vật chất phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng môi trường du lịch bền vững.

PV: Cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện ý nghĩa này. Phát huy hiệu quả những tiềm năng lợi thế đặc biệt, Khu Du lịch Quốc gia Đền Hùng sẽ tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, điểm nhấn quan trọng của du lịch Đất Tổ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Thùy Dương (thực hiện)

Nguồn Báo Phú Thọ: https://baophutho.vn/den-hung/xung-tam-khu-du-lich-quoc-gia-den-hung/190762.htm