Rượu thì rẻ, còn hậu hoạ mà những kẻ say rượu gây ra thì đắt đỏ vô cùng, chẳng có cái giá nào đủ để “trả” cho sự chia ly tương tàn. Có nhiều lý do để khóc sau khi xem xong “Bão tố Trường Sơn”. Khóc vì vở kịch quá ý nghĩa, khóc vì chị Quỳnh, chị Yến, chị Hà và khóc cho cả những nạn nhân khác.
Hà Nội của đêm hôm qua (7/5) là một đêm mưa, gió rít từng cơn mạnh.
Đêm hôm qua cũng là đêm diễn cuối cùng của vở kịch đặc biệt mang tên “Bão tố Trường Sơn”.
Đêm hôm qua, dòng người vẫn tới, tay cầm hoa, còn trên ngực là thông điệp “Đã uống rượu bia không lái xe”.
Khán phòng chật cứng, cả tầng 1 lẫn tầng 2. Người đến sau nhẹ nhàng xếp ghế ngồi góc hành lang, khuất lấp từng ngóc ngách. Chẳng ai than phiền về sự chật chội này cả. Họ đều lặng im và cùng mong chờ. Trên sân khấu, tấm vải nhung màu đỏ buông xuống rụ rưỡi, buồn thiu. Từ cánh gà, NSƯT Xuân Bắc bước ra, khẽ khàng nói:
“Bạn Đinh Thị Hải Yến là một thành viên của Nhà hát kịch Việt Nam, đã không may bị tai nạn giao thông, vào đúng ngày mà cả nước được nghỉ, ngày quốc tế lao động 1/5. Trong suốt những ngày nghỉ trước, bạn Yến cũng nghỉ ngơi cùng gia đình, nhưng không ngờ tối hôm đó bạn Yến nghỉ mà không bao giờ quay trở lại nữa…
Chúng ta ngồi tại đây, đều mong bản thân mình và người thân sáng ra khỏi nhà, tối có thể trở về đoàn tụ cùng gia đình, ấm êm và tan toàn. Chúng tôi tổ chức 3 đêm diễn với mong muốn gây quỹ hỗ trợ người thân bạn Yến trong phút bối rối này. Hãy nhẹ lòng mình, để đến với những cảm xúc của các nhân vật trong vở kịch. Hãy cười thật tươi, để hoà vào không gian nghệ thuật chúng ta đang có. Và cũng có thể khóc, nhỏ những giọt nước mắt, để chia sẻ với Hải Yến. Đừng như đêm diễn thứ nhất, mọi người đều lặng đi.
Chúng tôi, ngay tại đây – cơ quan của bạn Yến, sẽ diễn với tinh thần diễn cho người đã khuất”.
Xuân Bắc xúc động khi diễn trong đêm cuối tưởng nhớ người đồng nghiệp tử nạn: “Bão tố Trường Sơn” vẫn còn đây, nhưng Yến giờ nơi đâu? Thực hiện: Kingpro.
Nhà hát kịch Việt Nam tổ chức 3 đêm diễn gây quỹ nhằm giúp đỡ gia đình chị Đinh Thị Hải Yến sau sự ra đi đột ngột của chị.
“Bão tố Trường Sơn” là vở kịch gắn liền với nhiều kỷ niệm của chị. Người xem không quên mang theo thông điệp “Đã uống rượu bia không lái xe”.
“Bão tố Trường Sơn” vẫn còn đây, nhưng Yến giờ đang nơi đâu?
Những người ở lại quyết định chọn “Bão tố Trường Sơn” – một trong những vở trọng điểm đã mang lại nhiều thành công cho Nhà hát kịch Việt Nam những năm qua, để tưởng nhớ tới chị Yến. Vở kịch lấp lánh tình người này gắn liền với nhiều kỷ niệm của chị, trong những chuyến công tác dài ngày cuối năm 2018, dọc các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên.
Chính chị – một nhân viên phục trang, trước mỗi đêm diễn, cần mẫn sắp xếp lại toàn bộ quần áo, là phẳng phiu, rồi treo đúng vị trí. Cũng chính chị, mỗi khi tấm rèm kết thúc buông xuống, cất dọn quần áo, dày giép.
Nhưng 3 đêm diễn trở lại đây, thì đã là người khác. Không chỉ riêng vở này, mà còn nhiều vở diễn khác nữa.
“Bão tố Trường Sơn” kể về một đơn vị bộ đội làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Ở đó, có tình yêu quê hương, tình quân nhân đồng chí và cả tình yêu đôi lứa. Nhiều năm sau chiến tranh, họ gặp lại nhau giữa thời bình. Chính sự bao dung, yêu thương đã giúp họ vượt qua mọi trắc trở, oán hờn để trở về trong tình đồng đội.
“Bão tố Trường Sơn” chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc, đưa người xem chìm vào không gian chiến tranh rồi bất giác ngoái nhìn hiện tại.
Không gian quen thuộc, đồng nghiệp quen thuộc, sự chuẩn bị đã quá quen thuộc, nhưng chính trong sự quen thuộc ấy, lại thiếu vắng người đồng nghiệp thân thương. Trong suốt 2 tiếng, “Bão tố Trường Sơn” khiến người xem cười, rồi khóc, rồi đau đáu về sự sống và cả cái chết. Đêm diễn đầu tiên, theo lời nghệ sĩ Xuân Bắc, không một ai cười trước những pha dí dỏm tếu táo. Họ đến xem kịch với tâm thế tiễn biệt một người vừa mới ra đi 5 ngày trước.
Đêm diễn thứ 2, giữa lặng thinh, tiếng cười len lỏi đâu đó. Người xem thả lỏng mình hơn, nhẹ nhàng hơn, nhờ tiếng cười chữa lành phần nào vết thương, dù là nhỏ nhất.
Đêm diễn thứ 3, vốn không có trong kế hoạch nếu như không nhờ số lượng người đăng ký quá đông, tiếng cười bật ra sảng khoái. Đúng chất một đêm diễn nghệ thuật thực thụ. Nhưng, đó là tiếng cười đi trước, dọn đường cho tiếng nấc theo sau. Khi mà “Bão tố Trường Sơn” khép lại, khi mà người xem đã có thể sống chết với nhân vật của mình, họ quay về với thực tại: “Bão tố Trường Sơn” vẫn còn đây, nhưng Yến giờ đang nơi đâu?
Chính những đồng nghiệp của chị, ngay trên sân khấu, đã bật khóc rưng rức khi cánh màn nhung khép lại, nụ cười tươi của chị xuất hiện trên màn hình lớn.
Chị Yến là nhân viên trang phục của Nhà hát kịch Việt Nam. 3 đêm diễn này, chị không còn được tham gia cùng đồng nghiệp. Thiếu vắng người thương giữa vô vàn sự thân quen.
“Nhớ mãi nụ cười Hải Yến vì bạn ấy cười rất tươi”
“Đây là cơ quan của bạn Hải Yến, quý vị vừa xem đồng nghiệp của bạn ấy biểu diễn, và bây giờ hãy cùng ngước lên màn hình, nơi đó có nụ cười của Yến”.
Nhiều khán giả, chúng tôi tin chắc chưa gặp chị Yến lần nào.
Nhiều khán giả, chúng tôi cũng tin chắc chưa xem kịch tại Nhà hát kịch Việt Nam lần nào.
Nhưng 3 đêm qua, cùng gác lại mọi bộn bề cuộc sống, họ cùng nhau dành 2 tiếng đồng hồ trải qua mọi cung bậc cảm xúc. Ở đó, giữa đêm lửa mịt mùng, tối tăm của “Bão tố Trường Sơn”, duy chỉ có ánh mắt, nụ cười người phụ nữ mãi mãi tuổi 43, vẫn luôn long lanh khôn xiết.
Nhớ bài chia sẻ cuối cùng trên FB của mình, chị Yến nhắn nhủ: “Hãy sống như dòng nước ấy, dù có đá tảng chặn đường thì nước vẫn cứ vượt qua. Thử thách sẽ chỉ làm chúng ta dũng cảm và yêu thương nhau nhiều hơn”. Vậy, nhẹ lòng mình hơn, hãy cứ xem sự chia ly này, dù là mãi mãi, dù đầy đau thương, là bài học cảnh tỉnh biết bao gã say mèm còn đang mải “1, 2, 3… dô” ngoài kia.
Đêm diễn kéo dài 2 tiếng kết thúc, hình ảnh chị Yến được soi chiếu lên màn hình. Mọi người cùng dành ít phút nhìn lại nụ cười tươi của chị.
Giữa không gian tĩnh mịch đau buồn, không ai có thể kìm được những giọt nước mắt.
Sau cùng, khi những hình ảnh về chị lần lượt lướt qua trên màn hình, thông điệp “Đã uống rượu bia không lái xe” được tô đỏ, dừng lại giữa trung tâm. Theo số liệu thống kê mới nhất của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, trong quý I/2019, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. Trong đó, nguyên nhân tai nạn do tài xế sử dụng rượu bia chiếm 1,47% (trên 274 vụ). Cũng trong ba tháng đầu năm, cảnh sát giao thông trên toàn quốc xử lý 38.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 814 tài xế ô tô.
Rượu, đương nhiên không đâu rẻ và dễ uống như ở Việt Nam. Nhưng cũng chẳng ở đâu, cái chết do rượu, bia gây ra lại kinh khủng như ở Việt Nam. Chị Yến, chị Quỳnh tử nạn bởi một kẻ say rượu, chỉ chục ngày sau khi cô lao công Lê Thị Thu Hà bị đâm chết trên đường Láng, cũng bởi một tài xế mà khi bị người dân bắt giữ còn đang rất “phê pha”.
Đúng là, rượu thì rẻ, còn hậu hoạ mà những kẻ say rượu gây ra, thì đắt đỏ vô cùng. Chẳng có cái giá nào đủ để “trả” cho sự chia ly.
Toàn bộ diễn viên của “Bão tố Trường Sơn” cúi đầu cảm ơn khán giả.
NSƯT Xuân Bắc đại diện phát biểu.
Còn ở dưới, người xem cũng không giấu được cảm xúc của mình.
Tận cùng của đau khổ
Buổi diễn cuối cùng, gia đình chị Yến không có mặt, nhưng chúng tôi vẫn dành chút thời gian để nhắc nhớ tới họ.
Tận cùng của đau khổ vẫn mãi là khổ đau, nhất là đối với người ở lại. Đêm đó, NSƯT Xuân Bắc nghẹn lời kể về 2 đứa con của chị.
“Đúng là hoạ vô đơn chí, chiều hôm trước là buổi đi học đầu tiên của cháu Liên – con gái lớn của bạn Hải Yến, nhà có chiếc xe máy bị hỏng, cháu bèn mượn xe của cậu. Và trong buổi học đó, sau khi làm đám tang cho mẹ, kẻ trộm lấy mất chiếc xe máy.
Còn Quân, đứa bé đáng thương đã 13 tuổi, nhưng ý thức, hành vi chỉ mới như một em bé lên 3 mà thôi. Đêm diễn đầu tiên, cháu vẫn nhận ra “Chú Xuân Bắc đẹp giai, cho Quân khoác vai cái nhé”.
Có được 3 đêm diễn không phải nhờ vào tài năng, tâm huyết của các nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam, mà thành công từ sự ủng hộ của quý vị. Tôi biết ngoài các quý vị ngồi đây, còn hàng trăm tấm lòng nhân ái khác, không thể mua vé cho 3 đêm biểu diễn, nhưng còn nhiều cách khác để ủng hộ gia đình bạn Yến”.
Thông điệp “Đã uống rượu bia không lái xe” chưa bao giờ lan tỏa nhanh và mạnh như những ngày qua. Mỗi khán giả đều đã cùng chị Yến, chị Quỳnh, và các nghệ sĩ Nhà hát kịch trở thành đại sứ, nhắc nhở mọi người hẵng còn tỉnh táo và chưa “mụ mị” bởi rượu bia, xin đừng để có bất cứ sự ra đi oan uổng nào khác nữa.
“Bão tố Trường Sơn” khép lại 3 buổi diễn, nhưng tình thương và sự tử tế sẽ còn tiếp diễn. Người ở lại, xin hứa thay chị chăm sóc gia đình nhỏ của chị.
Chưa biết đến bao giờ cuộc sống của gia đình chị Yến mới bình thường trở lại. Nhưng sự giúp đỡ và những cánh tay yêu thương vẫn luôn dang rộng. Đồng nghiệp, bạn bè và cả những người chị chưa từng quen sẽ luôn thay chị quan tâm, chăm sóc và ở bên các cháu.
23h, đêm diễn kết thúc, trời đã khuya, trời Hà Nội mưa càng nặng hạt. Dòng người vẫn cố nán lại, suy tư và trầm ngâm. Nghệ sĩ Xuân Bắc chắp tay đứng giữa sân khấu, vái vọng người bạn, người em, người đồng nghiệp. Anh nói lời cảm ơn cuối cùng dành cho những khán giả bất chấp mưa gió đến với chị Yến.
Có nhiều lý do để khóc sau khi xem xong “Bão tố Trường Sơn”. Khóc vì vở kịch quá ý nghĩa, khóc vì chị Quỳnh, chị Yến, chị Hà và khóc cho cả những nạn nhân khác đã phải chết tức tưởi dưới bánh xe những kẻ say rượu.
Được sự ủng hộ của Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, Hội Cựu học sinh Hà Nội 91-94 tổ chức chương trình đi bộ 7h sáng chủ nhật (12/5) tại phố đi bộ Hồ Gươm, nêu cao tinh thần không uống rượu bia khi tham gia giao thông, phải uống và tham gia giao thông có trách nhiệm.
Say xỉn lái xe là tội ác – Thông điệp đang được huởng ứng mạnh mẽ trên MXH cũng chính là tên chuyên đề của Kenh14 nhằm kêu gọi bất kỳ ai trong số chúng ta: Không lái xe sau khi uống bia, rượu.
Trong chuyên đề lần này, chúng tôi đưa đến những câu chuyện của chính người trong cuộc, những chia sẻ đau lòng và bao nỗi mất mát tang thuơng mà người ở lại phải gánh chịu, cùng với những thông điệp mà các nhà báo, chuyên gia giao thông muốn gửi gắm, để góp phần thay đổi nhận thức mỗi người. Bởi chính chúng ta – không chỉ trở thành nạn nhân mà còn có thể gây tội ác từ việc cầm lái trong cơn say.