Xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới

Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới (Nghị quyết số 23), hoạt động VHNT của tỉnh chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng. Công tác xây dựng và phát triển VHNT, đội ngũ văn nghệ sĩ, các hoạt động sáng tác và quảng bá các tác phẩm VHNT được chú trọng, đảm bảo tính toàn diện.

Tỉnh cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo cho công tác sáng tác, sưu tầm VHNT, góp phần giáo dục lý tưởng, thẩm mỹ cho các tầng lớp nhân dân, phục vụ tích cực sự nghiệp xây dựng và phát triển của quê hương, đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự quản lý, điều hành của UBND tỉnh; các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 23 và các nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh trên lĩnh vực VHNT. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là đội ngũ văn nghệ sĩ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của VHNT trong thời kỳ mới từng bước được nâng cao. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được thực hiện đạt kết quả tích cực, rõ nét; nhiều công trình văn hóa, VHNT được đầu tư xây dựng và hoạt động có hiệu quả. Tỉnh đã dành nhiều nguồn lực, quan tâm đầu tư xây dựng các công trình văn hóa. Điển hình, đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp Quảng trường 16 Tháng 4, Tượng đài, Bảo tàng tỉnh, Nhà trưng bày và khu dịch vụ đón tiếp khách Tháp Pô Klong Garai… Đầu tư xây dựng Thư viện tỉnh, Trung tâm Văn hóa Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, các huyện: Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước. Đến nay, có 14/65 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa – Thể thao (VHTT); 51/65 xã sử dụng hội trường UBND xã làm Trung tâm VHTT gắn với chức năng là Trung tâm Học tập cộng đồng để tổ chức các hoạt động. Toàn tỉnh có 12/397 thôn, khu phố có Nhà VHTT; 38/397 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 314/397 thôn, khu phố có trụ sở ban quản lý để sinh hoạt, hội họp… Các công trình đi vào hoạt động từng bước được phát huy vai trò, đáp ứng nhu cầu của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và du khách trong và ngoài nước.

Tiết mục “Ánh trăng trên cát” của Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Ninh Hải tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh lần thứ XIV năm 2022. Ảnh: Kim Thùy

Công tác đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng nghệ thuật và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ được chú trọng quan tâm. Hàng nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, VHNT đã được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác bồi dưỡng, phát triển lực lượng sáng tác VHNT từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 2008, số lượng hội viên Hội Liên hiệp VHNT tỉnh có 156 người, đến nay là 232 người. Đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia các hoạt động, sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đạt nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng cấp Nhà nước. Điển hình như: Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên vinh dự được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT vào tháng 5/2017. Đây là một thành quả rất trân trọng và tự hào về nghiên cứu văn nghệ dân gian của tỉnh Ninh Thuận; Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa, đạt nhiều giải về văn học, được Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen đã đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động sáng tác VHNT; nhiều tác phẩm đạt chất lượng tham gia cuộc thi sáng tác quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Chỉ thị số 03) và “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị số 05) của Bộ Chính trị.

Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng diễn ra sâu rộng, định kỳ 2 năm/lần, tỉnh tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng, từ đó phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng diễn ra sâu rộng trên toàn tỉnh, phong phú về hình thức, đa dạng về nội dung, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) các dân tộc được đẩy mạnh. Tính đến tháng 2/2023, toàn tỉnh có 239 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê. Đã có 67 DSVH đã được lập hồ sơ xếp hạng ở các cấp, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 18 di sản cấp quốc gia, 47 di tích, DSVH được xếp hạng cấp tỉnh đã góp phần quan trọng vào việc lưu giữ các giá trị vật chất và tinh thần; giáo dục lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tôn vinh, quảng bá các giá trị của lịch sử, văn hóa, làm phong phú các sản phẩm văn hóa, du lịch; xây dựng và quảng bá hình ảnh con người và các DSVH đặc trưng của Ninh Thuận; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Công tác bảo tồn, phát huy những giá trị, loại hình văn hóa các dân tộc luôn được chú trọng. Thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra, quản lý, sử dụng, xuất bản các ấn phẩm VHNT; kịp thời xử lý và ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại. Chất lượng và hiệu quả hoạt động VHNT ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 23, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng; sự quản lý của các cấp chính quyền; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, chủ trương và giải pháp Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và các văn bản chỉ đạo của trung ương, của Tỉnh ủy về văn hóa, VHNT. Tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm tiếp tục cụ thể quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về VHNT ở địa phương; tham mưu các chế độ ưu đãi văn nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho VHNT; các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút tài năng trẻ để bổ sung lực lượng văn nghệ sĩ kế cận. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho VHNT phát triển. Mở rộng giao lưu văn hóa, nghệ thuật trong tỉnh, khu vực, trong nước và quốc tế. Góp phần tích cực vào xây dựng nền VHNT Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; làm cho VHNT thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội; văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng khơi dậy khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Nguồn Báo Ninh Thuận: https://m.baoninhthuan.com.vn/news/136318p1c29/xay-dung-va-phat-trienvan-hoc-nghe-thuat-trong-thoi-ky-moi.htm