Trụ sở Sở GD&ĐT Sơn La.
Theo ĐBQH Nhưỡng, qua bảng danh sách cán bộ có con được nâng điểm cho thấy, việc này không phải ưu đãi cho những người yếu thế mà dành cho các gia đình quyền thế, có tầm ảnh .
Cần làm rõ bên trong, đằng sau việc nâng điểm là gì?
Trong bảng danh sách nghề nghiệp và công việc của phụ huynh 21 thí sinh Sơn La được nâng khống điểm thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018 cho thấy, có nhiều người nắm giữ các chức vụ quan trọng trong tỉnh này.
Trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nhìn qua danh sách được báo chí đăng tải có thể thấy, hầu hết các thí sinh được nâng điểm toàn con em lãnh đạo, từ tỉnh đến các sở ban ngành, lĩnh vực như công an, biên phòng, giáo dục, kiểm lâm, thuế…
“Đáng nói là vì sao trong danh sách này chỉ thấy người ta nâng điểm cho con cháu các lãnh đạo, cho quan đầu tỉnh hay nâng cho con Cục trưởng, Chi cục trưởng, rồi cán bộ công an, kiểm lâm, quản lý giáo dục… trong khi đó, lại không thấy có con em nông dân hay hộ dân tộc nghèo, vùng sâu xa nào được nâng điểm.
Rõ ràng việc nâng điểm này không phải để ưu đãi cho những người yếu thế mà dành cho những gia đình quyền thế, có tầm ảnh hưởng”, ông Nhưỡng nêu.
Vị ĐBQH này cho rằng, ở đây xuất hiện băn khoăn, lo ngại của cử tri, nhân dân về việc có hay không có sử dụng quyền lực, việc tham nhũng, đưa nhận hối lộ, môi giới hối lộ, dùng quan hệ thân hữu để vun vén cho người thân, người nhà…
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.
“Nếu chúng ta không công khai danh tính họ, chúng ta làm sao hiểu được nguyên nhân, động cơ, mục đích của nâng điểm là gì?
Bên trong, đằng sau việc nâng điểm đó là gì? Phải xử lý nghiêm đội ngũ cán bộ tha hoá, đối với hệ thống giáo dục hiện nay”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Ông chia sẻ thêm, việc thực hiện các hành vi để có được ưu đãi, nâng điểm cho con cháu mình chính là thể hiện sự thiếu liêm chính, liêm sỉ, chỉ biết bo bo lo cho bản thân, gia đình của một bộ phận cán bộ hiện nay.
Do đó, các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ, công khai danh tính những người có hành vi sai trái, vi phạm pháp luật.
Phải xử lý nghiêm minh trên cơ sở công khai
ĐBQH Dương Trung Quốc bày tỏ, cần phải xử lý nghiêm vấn đề gian lận điểm thi gây nhức nhối, bức xúc trong xã hội thời gian qua.
Ông nêu rõ, thi cử là để đào tạo nguồn nhân lực, liên quan đến cả tương lai của chúng ta. Sự gian lận sẽ mang lại hệ quả những người không xứng đáng có thể sau này được giữ những vị trí khác nhau trong xã hội và tạo ra tác động ngược trở lại trong đời sống.
Ông dẫn lại vụ việc chạy điểm tại một số trường đại học danh tiếng đang diễn ra ở Mỹ cho thấy, họ xử lý rất nghiêm, công khai theo chế tài cụ thể, kể cả đối với những nhân vật có tiếng tăm nếu sai phạm.
“Đối với các học sinh gian lận điểm thi trong thời gian qua không thể sử dụng những số điểm đó để được tuyển dụng vào các trường đại học.
Nhưng về lâu dài cần phải tạo điều kiện cho các cháu khắc phục sai sót vì mục đích cuối cùng của chúng ta là đào tạo những công dân.
Bên cạnh đó, chúng ta phải nghiêm khắc hơn trong việc xử lý đối với bố mẹ và những người có liên quan đến việc gian lận điểm thi này”, ông Quốc nói.
Ông nhìn nhận, trong việc gian lận điểm thi, khi nhìn dưới logic cuộc sống sẽ thấy, không ai đứng ra làm việc này không công mà chắc chắn phải có “đặt hàng” và diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có cả những mối quan hệ, nịnh bợ, tiền nong …
“Tôi theo dõi trên báo chí và thấy trong danh sách phụ huynh có con em được nâng điểm tại Sơn La, có nhiều người là quan chức trong các lĩnh vực khác nhau từ lãnh đạo các cơ quan tỉnh, sở, công an, đến TP, huyện, giáo dục…
Với các trường hợp như thế này chúng ta phải làm rõ các vấn đề liên quan và xử lý nghiêm minh trên cơ sở công khai, dám làm dám chịu, sai đến đâu xử đến đó. Từ đó, mới có thể giúp sửa chữa, khắc phục tốt được”, ông Quốc bày tỏ.
Liên quan đến thông tin danh sách các cán bộ trên địa bàn tỉnh có con được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018, trao đổi với PV vào chiều tối 18/4, một lãnh đạo tỉnh Sơn La cho biết, đến thời điểm hiện tại, địa phương chưa nhận được văn bản chính thức nào của Cơ quan điều tra hay Bộ GD&ĐT về việc này.
Vị này nêu rõ, quan điểm của tỉnh là nếu cán bộ, đảng viên nào có sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Tuy nhiên, việc xử lý cần dựa trên kết luận điều tra chính thức của cơ quan chức năng.