Việt Nam lọt Top 10 quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới

Việt Nam lọt Top 10 quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới

Báo cáo được Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm – SIPRI của Thụy Điển công bố mới đây có khá nhiều phần dữ liệu liên quan tới Việt Nam.

Đã thành thông lệ hàng năm, vào khoảng tháng 2 hoặc tháng 3 thì Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm – SIPRI lại đưa ra bản báo cáo của mình về tình hình mua sắm vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự thế giới.

Dữ liệu của SIPRI được tổng hợp từ nhiều nguồn có uy tín và độ chính xác cao, bản báo cáo này thường được mang ra làm tài liệu tham khảo có giá trị đối với nhiều tổ chức hay cơ quan chính phủ để hoạch định phương hướng phát triển cho tương lai.

Năm nay báo cáo của SIPRI vẫn tiếp tục nhắc tới Việt Nam trong một số hạng mục cụ thể, trong đó có một vài thống kê, tổng hợp tương đối đáng chú ý liên quan tới thực trạng mua sắm vũ khí của nước nhà.

Việt Nam lọt Top 10 quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới - Ảnh 1.

Thống kê top 10 nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới giai đoạn 2014 – 2018 của SIPRI

Theo số liệu của SIPRI, trong giai đoạn 5 năm từ 2014 cho tới 2018, giá trị nhập khẩu vũ khí của Việt Nam chiếm 2,9% tổng kim ngạch mua sắm trang bị quốc phòng toàn cầu, đứng thứ 10 trong số những quốc gia mua sắm mặt hàng quốc phòng nhiều nhất.

Những quốc gia cung cấp vũ khí chủ chốt cho Việt Nam gồm có Nga (kim ngạch nhập khẩu 3,3 tỷ USD), Israel (384 triệu USD), Belarus (173 triệu USD), Hàn Quốc (120 triệu USD), Ukraine (84 triệu USD),  Mỹ (54 triệu USD), Cộng hòa Czech (48 triệu USD)…

Chi tiết đáng chú ý trong báo cáo của SIPRI đó là trong hai năm 2017 và 2018, Việt Nam đã mua từ Hàn Quốc mỗi năm 60 triệu USD vũ khí, còn đối với Mỹ thì chúng ta có hợp đồng trị giá 54 triệu USD vào năm 2017, đây là điều tương đối bất ngờ.

Việt Nam lọt Top 10 quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới - Ảnh 3.

Danh sách những quốc gia cung cấp vũ khí chủ yếu cho Việt Nam và giá trị xuất khẩu được SIPRI thống kê

Theo bản báo cáo chi tiết của SIPRI thì trong năm 2017 và 2018, mỗi năm Việt Nam nhận 1 tàu hộ vệ săn ngầm lớp Pohang của Hàn Quốc. Tuy nhiên những chiến hạm này được cho là “hàng tặng”, chúng ta còn không mất chi phí đại tu vì công việc được thực hiện tại Việt Nam, do vậy con số 60 triệu USD phân bổ từng năm chưa được công bố.

Tương tự như vậy, SIPRI cũng thống kê rằng trong năm 2017 Việt Nam chỉ nhận từ Mỹ 1 tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton, đây là con tàu được chuyển giao theo dạng Bán trang bị quốc phòng dư thừa – EDA, trong khi phần liệt kê giá trị hợp đồng trong năm này lên tới 54 triệu USD.

Việt Nam lọt Top 10 quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới - Ảnh 4.

Thống kê chi tiết một số chủng loại vũ khí, khí tài được Việt Nam mua sắm thời gian gần đây

Có lẽ cần phải chờ tới bản báo cáo của các năm tiếp theo thì một số chi tiết chưa được công bố  trong cơ sở dữ liệu của SIPRI vào năm nay mới được giải đáp đầy đủ.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 của Việt Nam tham dự cuộc đua với T-34 trên đất Nga