Văn hóa đỗ xe ở đô thị: Việc nhỏ mà không nhỏ

Việc dừng đỗ ô tô trên các tuyến phố đông dân đặc biệt ở trước cửa nhà hoặc hàng, quán hay điểm kinh doanh khác tưởng nhỏ, nhưng lại là chuyện không nhỏ của đời sống đô thị. Rất nhiều chuyện dở khóc dở cười, thậm chí biến thành xô xát chỉ vì không có một chuẩn mực nào đủ làm hài lòng cả chủ xe lẫn chủ nhà.

“Biết rồi, khổ lắm nói mãi”

Theo quy định, người dân có quyền dừng đỗ xe ở nơi không có biển cấm và không vi phạm quy định pháp luật về Giao thông đường bộ. Thế nhưng câu chuyện về dừng đỗ xe ở đô thị, trước cửa nhà, điểm kinh doanh từ lâu vẫn là những vấn đề gây tranh cãi, được nhiều người quan tâm.

faf
Việc đỗ xe ở các khu phố, điểm kinh doanh tấp nập sao cho hợp lý, không ảnh hưởng tới mọi người là vấn đề không nhỏ ở các đô thị lớn. (Ảnh chụp ở phố Văn Lang, phường Hòn Gai, TP Hạ Long)

Ngay ở Quảng Ninh, dạo qua các trang, các diễn đàn về ô tô, dễ thấy tình trạng này được phản ánh nhiều trên các trang, các diễn đàn về ô tô cũng thấy… khối chuyện. Trên Fanpage Otofun Quảng Ninh – một diễn đàn hay chia sẻ về văn hóa lái xe, có hàng vạn thành viên, nick Nguyễn Thu Hà nêu tình huống bị xe ô tô hạng sang đỗ trước cửa hàng, chắn lối đi lại từ 8h -13h ở một tuyến phố chính TP Uông Bí cuối năm 2022. ‘

Trước đó, trường hợp nick Nguyễn Hải Long cũng chia sẻ về tình huống xảy ra cuối năm 2018 khi một xe Mazda đỏ đỗ trước cửa nhà, chắn đường xe máy ra vào ở cửa hàng mặt đường Lê Thánh Tông hàng giờ liền khiến việc đi lại ra vào rất khó. Bị góp ý, chủ xe còn tỏ thái độ.

Còn chị Đinh Thị Hải (phường Cao Thắng, TP Hạ Long) kể lại, chuyện gia đình chị ở ngõ 1, phố Cao Thắng, thường xuyên bị một chủ xe Kia Caren vàng đỗ lọt thỏm, chiếm toàn bộ phần sân và lối cho xe ra vào nhà. Sớm hôm sau ngủ dậy, toàn bộ xe cộ bị “nhốt cứng trong nhà”, may còn mở cửa nhà mà đi làm. Đã ít nhất hai lần như vậy.

Có thể thấy, tình huống anh Long, chị Hà, chị Hải đã gặp phải gây ảnh hưởng tới đi lại thậm chí việc buôn bán không hiếm và được phản ánh nhiều trên các diễn đàn. Nhiều người dân dù không kinh doanh nhưng nhà ở mặt đường cũng than phiền về tình trạng bị xe ô tô đỗ bịt cả cửa cổng, không ra vào được.

Ở góc độ những người lái xe ở các đô thị, đa phần đều rất có ý thức tìm điểm đỗ xe được phép và hạn chế việc đỗ xe trước cửa nhà, cửa hàng, chắn lối ra vào, đi lại…Thế nhưng một bộ phận lại cho rằng đỗ xe trên đường phố, dựa vào quy định được đỗ xe tại nơi không cấm dừng đỗ chẳng có gì là sai để bao biện cho sự vô tâm của mình. Hiện tượng này đang ngày càng trở nên phổ biến và gây ra bất đồng sâu sắc trong dư luận.

Việc có người đỗ xe trước cửa hàng chắn lối đi ở TP Uông Bí cũng như nhiều nơi khác nhận được nhiều sự quan tâm, đánh giá của cộng đồng mạng. Ảnh: Autofun Quang Ninh

Chính điều này khiến nhiều chủ nhà, cửa hàng bức xúc. Để bớt chuyện đôi co, nhiều chủ nhà đã chọn cách đưa ra thông báo, thông điệp thậm chí gay gắt hơn là cấm cản. Vì thế nhiều hình thức thông tin, cảnh báo cũng được đưa ra khắp nơi. Lời lẽ nhẹ nhàng cũng có, gay gắt cũng có, không ít trường hợp là những cảnh báo, dọa và cả… hành động không hay.

Dạo qua tuyến phố chính, nhộn nhịp, nhiều hàng quán kinh doanh san sát ở TP Hạ Long như đường Trần Hưng Đạo, phố Giếng Đồn, hay Văn Lang… dễ thấy hiện tượng này. Có khi chỉ trên một đoạn phố ngắn có hàng chục biển báo kiểu này.

Sự việc phức tạp hơn khi có các chủ nhà, chủ cửa hàng còn “xí” các vị trí đỗ này hoặc cả điểm trong bãi xe công cộng gần cửa hàng làm “của riêng”. Thậm chí ngoài biển báo tự chế, nhiều nơi còn đặt hẳn vật cản như xô, sọt nhựa, cục bê tông… để ngăn các xe khác không thể đỗ vào vị trí đó.

Vì thế cãi nhau, xô xát là điều đã xảy ra. Trên mạng xã hội đã ghi lại nhiều vụ nghiêm trọng xảy ra như tạt sơn, dán băng keo thậm chí đập phá gây hư hại nặng các xe hạng sang. Ở Quảng Ninh, thời gian qua đã có những sự vụ đáng tiếc như thế này xảy ra ở các đô thị lớn như: Cẩm Phả, Hòn Gai…

Cư xử văn minh, đúng luật

Nhiều người cho rằng, đường phố là của chung, không phải cứ có mặt tiền là nghiễm nhiên chiếm cả khoảng không gian công cộng phía trước rồi cấm người khác đỗ xe và hiện tượng này không còn là hiếm. Vậy cách nghĩ, những hành vi trên đã văn minh, đúng luật chưa?

faf
Việc viết, vẽ hay hủy hoại tài sản, xe cộ của người khác là vi phạm pháp luật. (ảnh sưu tầm)

Theo lực lượng thanh tra giao thông thì những biển “cấm đỗ xe”, cảnh báo… do người dân tự viết, vẽ lên giấy treo ở gốc cây, trước cửa, thậm chí sơn xuống lòng đường đều không có giá trị về mặt pháp luật. Thậm chí, hành vi đó có thể còn bị xử phạt nếu biển báo đặt sai quy định, ảnh hưởng tới giao thông, trật tự công cộng…

Về đậu đỗ xe đúng quy định, theo Trung tá Võ Quang Hòa, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông – Trật tự, Công an TP Hạ Long, thì trên các đoạn đường đô thị không có biển cấm và không nằm trong trường hợp, khu vực bị cấm theo pháp luật quy định thì có thể đậu, đỗ. Ở khu vực được phép này, tài xế phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình, bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25m và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông.

Với những hành vi thiếu kiềm chế, cố tình đập phá, gây thiệt hại, rất có thể sự việc sẽ diễn biến theo hướng phức tạp. Theo luật sư Lê Cao Long, Công ty TNHH MTV Tân Long (TP Hạ Long) thì các hành vi như đốt xe, phun sơn, cào xước xe ô tô, đập kính, phá gương, chọc thủng lốp hay các hành vi phá hoại xe ô tô của người khác thì tùy vào mức độ thiệt hại sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự và phải bồi thường dân sự.

faf
Một trường hợp gia đình đặt vật cản ngăn đỗ xe trên đường Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long). Việc này diễn ra ở khá nhiều nơi.

Cụ thể, nếu giám định thiệt hại chưa đến 2 triệu đồng và không thuộc các trường hợp tại khoản 1, Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình. Theo đó, họ có thể bị phạt tiền lên tới 5 triệu đồng về hành vi “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác”.

Nếu thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp tại khoản 1, Điều 178 thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015. Khung hình phạt cho tội này là bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm… kịch khung là đến 20 năm.

Ngoài luật điều chỉnh hành vi người gây thiệt hại tài sản (xe cộ) thì người đỗ xe cần linh hoạt. Ngoài những đoạn đường hẹp, điểm đỗ ảnh hưởng tới đi lại, ATGT theo luật định, người dừng xe phải lưu ý, đồng thời cũng không dừng trước cửa nhà điểm kinh doanh quá lâu hay chặn cửa ảnh hưởng tới sinh hoạt, hoạt động kinh doanh của chủ nhà. Ở nhiều nước, còn quy định rõ về số thời gian hạn chế đỗ trước cửa nhà, điểm kinh doanh.

Tạ Quân
Nguồn Báo Quảng Ninh: https://baoquangninh.vn/van-hoa-do-xe-o-do-thi-viec-nho-ma-khong-nho-3226953.html