Những câu chuyện nêu trên chỉ trở thành “bài học lịch sử kinh điển” nhờ sự đấu tranh bền bỉ vì lẽ phải của các chuyên gia y tế, nhà khoa học và các luật sư hoạt động độc lập.
Đã hơn 50 năm từ khi Chính phủ Nhật Bản thừa nhận những ảnh hưởng nặng nề của ô nhiễm công nghiệp lên sức khỏe con người, nhiều bài học đã được rút ra nhưng những nỗi đau vì quản lý môi trường cẩu thả vẫn đang còn đó.
Bài viết này nói về ba căn bệnh do ô nhiễm từ công nghiệp nổi trội nhất ở Nhật Bản vào những năm 1950-1980 và mong rằng chúng ta sẽ cùng nhìn nhận đúng hơn về phát triển kinh tế bền vững và lành mạnh.
Ba “bệnh lạ” do ô nhiễm công nghiệp tại Nhật Bản
Bệnh Itai-itai
Bàn tay của Tomoko Uemura, một nạn nhân của vụ ngộ độc thủy ngân Minamata.
Bệnh Itai-itai (đau-đau) là tên được đặt cho một tập hợp các triệu chứng đau đớn và suy nhược đã bùng phát trong cư dân của lưu vực sông Jinzū ở tỉnh Toyama không lâu sau Thế chiến II.
Nguyên nhân là do tiếp xúc với cadmium, mà công ty Mitsui Mining và Smelting đã đổ xuống sông trong nhiều thập kỷ, gây ô nhiễm nguồn nước dành cho ăn uống và tưới tiêu ở hạ lưu.
Việc tiếp xúc với cadmium trong thời gian dài đã dẫn đến tổn thương thận, xương mềm hoặc giòn và các cơn đau dữ dội điển hình cho bệnh Itai-itai này.
(Cadmium là kim loại có ký hiệu là Cd, tương đối hiếm, mềm, màu trắng ánh xanh và có độc tính, thường tồn tại trong các quặng kẽm và được sử dụng chủ yếu trong các loại pin. Cd và các dung dịch, các hợp chất của nó là những chất cực độc, thậm chí chỉ với nồng độ thấp, chúng sẽ tích lũy và gây hại cho cơ thể. Khi đất trồng bị nhiễm Cd thì các loại cây trồng cũng dễ dàng bị nhiễm lây và xâm nhập vào cơ thể người qua ăn uống).
Thật ra, ảnh hưởng của nước thải từ khu công nghiệp đối với cá và thảm thực vật đã rõ ràng từ những năm 1930. Một bác sĩ địa phương đã báo cáo các trường hợp chính thức đầu tiên của bệnh itai-itai vào năm 1946. Nhưng mãi đến tháng 5/1968, tức 22 năm sau, Chính phủ Nhật Bản mới chính thức thừa nhận mối liên hệ nhân quả giữa bệnh itai-itai và ô nhiễm công nghiệp từ khai thác tại địa phương và hoạt động luyện kim.
Đài tưởng niệm Minamata, để tưởng nhớ những người bị đầu độc do ô nhiễm thủy ngân năm 1950 vào vịnh Minamata, Nhật Bản.
Hen suyễn Yokkaichi
Hen suyễn Yokkaichi là một thuật ngữ chung cho dịch bệnh hô hấp và rối loạn bùng phát ở thành phố Yokkaichi ở tỉnh Mie bắt đầu vào khoảng năm 1960. Nguyên nhân là do ô nhiễm không khí từ khu liên hợp hóa dầu Yokkaichi.
Gần như ngay sau khi khu phức hợp này mở cửa năm 1959, các trường hợp hen phế quản, viêm phế quản mãn tính, khí phế thũng và các bệnh về đường hô hấp khác tăng mạnh vì các nhà máy hóa chất phun khói lưu huỳnh thẳng vào khí quyển.
Tuy nhiên, mãi đến năm 1967, tức 7 năm sau, một nhóm nạn nhân hen suyễn Yokkaichi mới đệ đơn kiện 6 trong số 13 công ty hoạt động trong khu phức hợp và tới năm 1972, tòa án mới đưa ra phán quyết các bị cáo có liên đới, chịu trách nhiệm nghiêm trọng và ra lệnh thanh toán các khoản bồi thường thiệt hại.
Bệnh Minamata
Bệnh Minamata là căn bệnh xảy ra do ngộ độc thủy ngân gây nên nhiều triệu chứng thần kinh như tê tay và chân, mất thị lực ngoại biên, giảm thính lực, yếu liệt, co giật và cả tử vong ở một số trường hợp.
Bệnh xảy ra khi ăn một lượng lớn cá và sò trong vùng biển bị ô nhiễm methylmercury thải ra ở vịnh Minamata, Nhật Bản vào những năm 1932-1968. Những nhà máy sản xuất acetaldehyde gần đây đã phóng thích nước thải bị nhiễm methylmercury (hợp chất thủy ngân hữu cơ) vào vịnh từ năm 1932, khiến thủy ngân hữu cơ tích lũy sinh học trong cá và động vật có vỏ, sau đó tích lũy trong người dân địa phương qua đường ăn uống.
Thật ra, bệnh này đã được xác định lần đầu tiên ở các cư dân tại đây vào năm 1956, nhưng mãi đến tháng 9/1968, tức 12 năm sau, Chính phủ Nhật Bản mới chính thức công nhận rằng bệnh Minamata có liên quan đến ô nhiễm thủy ngân thải ra từ các nhà máy Chisso và Shōwa Denkō.
Trong thời gian đó, rất nhiều người đã bị ảnh hưởng vì ô nhiễm này nhưng bị từ chối chứng nhận do các tập đoàn công nghiệp trốn tránh trách nhiệm dưới sự bao che và đồng lõa của Chính phủ. Ngoài ra, những bệnh nhân và gia đình của họ còn bị kỳ thị và phân biệt đối xử trong cộng đồng vì các nhà khoa học “quốc doanh” đã cổ súy cho giả thuyết “do nguyên nhân truyền nhiễm”.
Ba bài học từ thảm họa môi trường
Những căn bệnh liên quan đến ô nhiễm công nghiệp tại Nhật Bản là bài học lớn cho các nước đang phát triển.
Thứ nhất, chúng đều là những sản phẩm của thời kỳ hậu chiến, xảy ra trong quá trình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa nhanh chóng. Đây cũng là thời kỳ mà sức khỏe cộng đồng bị hy sinh cho phát triển kinh tế.
Thứ hai, chúng ta đã lơ là bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo thảm họa: thực vật và động vật xung quanh đó đã bị ảnh hưởng đầu tiên. Trong những khu vực dính bệnh Minamata, cá đã chết hàng loạt và được các ngư dân báo cáo gợi ý. Mèo ở vùng này cũng hay mắc bệnh “sốt mèo nhảy”. Trong trường hợp bệnh itai-itai, ô nhiễm cadmium đã ảnh hưởng đến cây cỏ và cá. Ở Yokkaichi, cá đã có mùi hôi gợi ý có điều không lành nhưng có vẻ người dân không để ý tới.
Thứ ba, Chính phủ đã không nhanh chóng thiết lập bộ phận đặc nhiệm để vào cuộc điều tra độc lập, giải quyết các nguyên nhân thấu đáo, mà lại trì hoãn hành động vì lý do này nọ trong khi vấn đề ngày càng lan rộng.
Hiện tượng cá chết hàng loạt đã được ghi nhận vài lần ở vịnh Minamata vào năm 1952 và ảnh hưởng của nước thải từ nhà máy hóa chất Chisso bị nghi ngờ ngay, nhưng đã không có phân tích hóa học nào được thực hiện vào thời điểm đó.
Năm 1957, sau khi dịch bệnh Minamata bùng phát, chính quyền tỉnh Kumamoto đã tìm cách huy động một số đạo luật để ra lệnh cấm đánh bắt cá ở vịnh Minamata, nhưng Bộ Y tế đã không đồng ý vì cho rằng “chưa có bằng chứng rõ ràng về việc cá và động vật có vỏ trong khu vực bị ô nhiễm”.
Đau lòng hơn, cá đánh bắt từ vịnh này không bán được sang nơi khác nên lại được chính người dân vùng này tiêu thụ.
Một Đài tưởng niệm đơn độc để tưởng niệm nạn nhân của vụ ô nhiễm Minamata trong Công viên sinh thái Minamata, được xây dựng để thay thế khu vực bị ô nhiễm trong quá khứ.
Năm 1958, khi Bộ Y tế cho rằng khu công nghiệp của Chisso là nguồn gây ô nhiễm, Chisso đã mạnh mẽ từ chối mọi trách nhiệm và lặng lẽ chuyển hướng xả thải chưa xử lý vào một cửa sông khác làm ô nhiễm lan ra và gây thêm tác hại.
Thật ra, vào cuối năm 1959, phía Chisso đã nhận ra nguyên nhân gây bệnh Minamata là thủy ngân trong nước thải của nhà máy, qua các thí nghiệm trên động vật tự tiến hành. Nhưng công ty đã tiếp tục che giấu và tiếp tục xả thải!
Cùng thời gian đó, các bác sĩ (trong đó có nhiều bác sĩ Miniren tổ chức khảo sát tình nguyện toàn cộng đồng) đã dần dần định hình tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh và các nhà nghiên cứu của Đại học Kumamoto đã xác định thủy ngân trong cá và động vật có vỏ tại địa phương là nguyên nhân gây ra bệnh Minamata.
Nạn nhân vụ Minamata đi đòi công lý.
Một nhóm đặc nhiệm do Bộ Y tế Nhật Bản thành lập đã công nhận những phát hiện đó và ghi rõ trong báo cáo của mình nhưng Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp tuyên bố kết luận là “còn sớm” và … cho giải tán luôn lực lượng đặc nhiệm!
Trong khi đó, Hiệp hội Công nghiệp hóa chất Nhật Bản lại làm phức tạp tình hình bằng cách xuất bản các tài liệu cổ súy cho giả thuyết khác, bao gồm cả quan niệm rằng chất nổ mới là nguyên nhân gây bệnh (sau đó bị phủ định).
Khi những chỉ trích công khai về Chisso bắt đầu leo thang, ban lãnh đạo nhà máy tuyên bố lắp đặt hệ thống xử lý nước thải mới. Chủ tịch Chisso lúc đó đã thị phạm bằng việc uống một ly nước đã qua xử lý bởi hệ thống mới để chứng minh sự an toàn.
Tuy nhiên, như được tiết lộ bởi lời khai trước tòa án năm 1985, hệ thống mới thật ra ĐÃ KHÔNG LÀM GÌ để loại bỏ methylmercury là nguồn gốc của vấn đề, và việc xả chất độc của Chisso vẫn tiếp tục cho đến năm 1968!
Việt Nam có học được bài học?
Tác hại của những sự chậm trễ này vô cùng nặng nề. Nhiều nghiên cứu về sau cho thấy thủy ngân hữu cơ có thể đi qua nhau thai của người mẹ và khu trú trong mô của thai nhi, gây ra bệnh Minamata bẩm sinh. Dù một số nạn nhân đã được công nhận và đền bù một phần thiệt hại, thật đáng tiếc vì bệnh này đã có thể phòng ngừa nếu Chính phủ vào cuộc sớm hơn.
Như vậy, sự chậm trễ của Chính phủ có liên quan tới việc đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên sức khỏe cộng đồng đã kéo dài thời gian ảnh hưởng và gia tăng mức độ thương vong do thảm họa môi trường gây lên con người.
Cần lưu ý thêm rằng những câu chuyện ngắn nêu trên chỉ trở thành “bài học lịch sử kinh điển” nhờ sự đấu tranh bền bỉ vì lẽ phải của các chuyên gia y tế, các nhà khoa học và các luật sư tận tụy hoạt động độc lập, qua đó giúp các nạn nhân khởi kiện thành công và ngăn ngừa tác hại lan đến những người vô tội khác.
Việt Nam đang trong quá trình phát triển, tương đương với Nhật Bản mấy chục năm trước. Những bài học kể trên có giúp ích gì được cho Chính phủ và người dân Việt Nam chúng ta hay không? Mong lắm thay những hành động nhanh chóng, quyết liệt của Chính phủ vì sức khỏe và tính mạng của đông đảo người dân chúng ta.
Tài liệu tham khảo