Ngày 21/2, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023. Dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tham dự hội nghị có gần 300 đại biểu tham dự là các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, đại diện các Ban của HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND của 63 tỉnh, thành phố. Về phía tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vi Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, khẳng định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị này có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá kết quả hoạt động, đề xuất các giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong giai đoạn tới; đồng thời tăng cường sự phối hợp và trách nhiệm trong công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND.
Đồng chí đề nghị các đại biểu thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, trên tinh thần xây dựng, khách quan; đánh giá những kết quả nổi bật, nêu những mô hình hay, cách làm mới và những bài học quý, cũng như những tồn tại, hạn chế và đề xuất kiến nghị sao cho thiết thực, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2023 và nhiệm kỳ 2021-2026.
Báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 nêu rõ: Hoạt động của HĐND các địa phương trong năm qua tiếp tục có nhiều đổi mới theo hướng thực chất và hiệu quả. HĐND đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp ủy, cụ thể hóa thành các nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, khả thi, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, làm cơ sở để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đã được HĐND cấp tỉnh thông qua cuối năm 2021, đặc biệt là Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, các chương trình mục tiêu quốc gia và triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022, giai đoạn 2021-2025…
Các Ban HĐND đã chủ động trong hoạt động thẩm tra báo cáo, tờ trình, nghị quyết, có nhiều đổi mới về cách làm và phương pháp tiếp cận. Nội dung, chương trình các kỳ họp thực hiện bảo đảm đúng quy định của pháp luật, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Phương thức tổ chức hoạt động giám sát, tái giám sát của HĐND cấp tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt. Hoạt động tiếp công dân đã phát huy hiệu quả, nhiều vụ việc đã được giải quyết dứt điểm. Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo và giải quyết kiến nghị cử tri được quan tâm đổi mới. Nhiều địa phương, HĐND cấp tỉnh tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù. Qua triển khai các nghị quyết đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị ở từng địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Thời gian qua, HĐND tỉnh Quảng Ninh có nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động, trở thành một cấu phần quan trọng bậc nhất của quản trị địa phương, nhất là trên các phương diện đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, quyết định những vấn đề mang tính địa phương, giám sát quyền lực nhà nước tại địa phương.
Trong điều kiện một tỉnh có cơ cấu xã hội biến đổi rất nhanh, HĐND đã thể hiện được tiếng nói đa dạng của các tầng lớp nhân dân; thể hiện trách nhiệm cao hơn trong việc quyết định các vấn đề của địa phương. Các nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành bảo đảm sự thống nhất, khả thi, thiết thực, đúng pháp luật, đúng đường lối, chủ trương của Đảng và phát huy hiệu quả khi thi hành, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân địa phương. Qua triển khai thực hiện các nghị quyết đã giúp địa phương chủ động, sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có, huy động tối đa mọi nguồn lực tạo bước đột phá, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, kịp thời giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, giao thông…; ưu tiên nguồn lực phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân theo các tiêu chí của hạnh phúc.
Nhiệm vụ giám sát của HĐND tỉnh Quảng Ninh được tăng cường cùng với thúc đẩy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Hoạt động tiếp xúc cử tri, giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân ngày càng được thực hiện thực chất hơn, trách nhiệm cao hơn gắn với thực hành dân chủ rộng rãi, thúc đẩy dân vận chính quyền, hướng mạnh về cơ sở.
Với những đổi mới trong hoạt động, HĐND tỉnh đã và đang thể hiện ngày càng rõ là một thiết chế cực kỳ quan trọng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là một bộ phận cấu thành của nền quản trị địa phương hiện đại, dân chủ, năng động, hiệu quả, chuyên nghiệp, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm. Nhiều năm liền, Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), trong đó có vai trò rất quan trọng của HĐND các cấp.
Quảng Ninh nổi lên là một điểm sáng về sự chủ động, sáng tạo trong phòng, chống dịch, giữ vững địa bàn “an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới”; thực hiện tốt “mục tiêu kép” với đà tăng trưởng GRDP trên hai con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 10,28%; quy mô nền kinh tế đạt 269.000 tỷ đồng (đứng thứ 7 cả nước), gấp 2,36 lần so với năm 2015, gấp 4,88 lần so với năm 2010; GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc); tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước; tỷ lệ đô thị hóa đạt 67% (đứng thứ 5 cả nước).
Cũng trong năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đồng thời hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chuyển sang giai đoạn thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn nhiều mức bình quân chung của cả nước. Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, chiến lược ở Quảng Ninh được khánh thành và đưa vào sử dụng như đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, cầu Tình Yêu, đặc biệt là tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái dài trên 80km, là mảnh ghép cuối cùng của tuyến đường bộ cao tốc xương sống của tỉnh đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số km đường cao tốc nhiều nhất cả nước.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định: Hội nghị chính là dịp tốt để Quảng Ninh được lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố, tiếp thu những ý kiến chỉ đạo quý báu từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, từ đó có những quyết sách đúng đắn và giữ đà đổi mới, sáng tạo phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, hội nghị này còn có ý nghĩa rất lớn đối với HĐND các cấp của tỉnh, nhất là trong việc thực hiện Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND cũng như nâng tầm vai trò, trách nhiệm trước cử tri, trước nhân dân.
Ý kiến phát biểu, tham luận của đại biểu các địa phương trong cả nước đã làm rõ thêm nhiều kết quả nổi bật, những kinh nghiệm hay, cách làm mới, bài học quý cũng như những tồn tại, hạn chế và có nhiều đề xuất, kiến nghị thiết thực về nhiều nội dung, nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2023 và nhiệm kỳ 2021-2026.