Dưới tác động của thời đại công nghệ, trẻ em tiếp xúc với Internet ngày càng sớm hơn. Một thiết bị giúp đảm bảo trẻ tiếp cận Internet an toàn chính là điều kiện cần để phụ huynh có thể yên tâm khi con em mình khám phá thế giới công nghệ.
Xuất phát từ tình trạng kém an toàn của Internet đối với người dùng nhỏ tuổi, sinh viên Lê Duy Khánh (Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Công nghệ TP.HCM – HUTECH) đã bắt tay vào dự án “Thiết bị giúp trẻ tự học”. Đây cũng là một trong những dự án được đánh giá cao nhất tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp dành cho sinh viên HUTECH – “HUTECH Startup Wings 2019”.
Bắt đầu từ mối quan tâm với gia đình…
Nói về cảm hứng sáng tạo cho dự án triển vọng này, chủ nhân Lê Duy Khánh cho biết: “Ý tưởng của em về dự án thiết bị giúp trẻ tự học trước hết là vì lo lắng cho những đứa cháu trong gia đình. Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển nhạy cảm, dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh, trong khi thực tế xã hội cho thấy là trẻ em khi tiếp xúc với Internet, dù là để học tập hay giải trí, thì cũng có rất nhiều nguy cơ. Do đó, giúp trẻ em tiếp cận, sử dụng Internet để học tập hiệu quả và phụ huynh có thể kiểm soát được là yếu tố cốt lõi mà dự án của em hướng đến!”.
Dự án “Thiết bị giúp trẻ tự học” của sinh viên Khoa CNTT Lê Duy Khánh (áo ca rô) được đánh giá cao tại “HUTECH Startup Wings 2019”
Sản phẩm “Thiết bị giúp trẻ tự học” của Duy Khánh xây dựng trên cơ sở tích hợp của các công nghệ IoT (Internet of Things – Mạng lưới kết nối vạn vật) và AI (Artificial Intelligence -Trí tuệ nhân tạo) – vốn đang là xu hướng phát triển nổi bật của kỷ nguyên số. Theo Duy Khánh, công nghệ IoT ứng dụng vào thiết bị cứng sẽ giúp thu thập dữ liệu hành động của đối tượng là trẻ em và gửi về hệ thống máy chủ chính. Tiếp đó, công nghệ AI trên phần mềm sẽ giúp phân tích dữ liệu hành động của đối tượng và chuyển kết quả thông qua âm thanh nhân tạo hoặc giao diện hình ảnh để đối tượng sử dụng nhận biết hành vi, quy trình đang hướng đến, đồng thời báo cáo tình hình cho đối tượng quản lý như phụ huynh, người bảo hộ…
Duy Khánh cho biết sản phẩm không chỉ hướng đến trẻ em mà còn hỗ trợ các cá nhân sử dụng Internet hiệu quả
Hướng đến đối tượng là trẻ em nhằm giúp các em tiếp cận Internet để học tập một cách hiệu quả, an toàn nhưng thiết bị của Duy Khánh cũng đáp ứng yêu cầu các bậc phụ huynh bằng tính năng quản lý. Duy Khánh cho biết, sản phẩm không chỉ hỗ trợ cho các cá nhân mà trong tương lai có thể mở rộng đến các tổ chức, cơ sở giáo dục – đặc biệt là các trường tiểu học – để giáo viên và nhà trường dễ dàng định hướng, quản lý hành vi tiếp cận Internet của học sinh, qua đó đảm bảo môi trường học tập “ảo” an toàn – điều đặc biệt cần thiết trong thời đại số hóa hiện nay.
… Đến những hành trang đặc biệt từ giảng đường HUTECH
Tại HUTECH, Lê Duy Khánh là trong những “gương mặt thân quen” khi sở hữu loạt thành tích ấn tượng ở nhiều cuộc thi trong và ngoài trường, tiêu biểu như Giải Nhất cuộc thi Idea Hunter 2018, Giải Nhất cuộc thi Olympic Tin học Toàn quốc 2018 khối Phần mềm nguồn mở, Giải Nhì cuộc thi Olympic Tin học HUTECH 2018… Đồng thời, cậu sinh viên năng nổ này cũng là phó chủ nhiệm CLB học thuật “Mã nguồn mở & IoT” – quy tụ các bạn sinh viên có đam mê và mong muốn chinh phục chuyên ngành tiên tiến này.
Lê Duy Khánh (thứ hai từ trái sang) nhận Giải Nhất cuộc thi Idea Hunter 2018
Nếu ý tưởng dự án “Thiết bị giúp trẻ tự học” xuất phát từ nỗi lo cho các thành viên nhỏ tuổi trong gia đình, cảm hứng đến từ đam mê các ứng dụng nhận diện hành vi con người thì hành trang chuyên môn của Khánh đến loạt những “giảng đường” đa dạng dành cho sinh viên Công nghệ thông tin HUTECH. Đó là những giờ học, giờ sinh hoạt chuyên đề IoT mà cậu bạn theo đuổi thời gian qua và nhận được sự dẫn dắt, tư vấn nhiệt tình từ các giảng viên, là kinh nghiệm chuyên môn tích lũy từ những sân chơi mình đã tham gia, học hỏi từ những những đàn anh trong khoa và cả những người bạn đã “đối đầu” trong các cuộc thi. Hành trình của Khánh cũng là con đường chung của nhiều sinh viên Công nghệ thông tin. PGS.TS. Võ Đình Bảy, Trưởng khoa Công nghệ thông tin HUTECH cho biết: “Bên cạnh chương trình đào tạo chính khóa, sinh viên Công nghệ thông tin thường xuyên tham gia các CLB học thuật, chương trình hội thảo cùng chuyên gia, cuộc thi sáng tạo ngay trong trường… Đó chính là nền tảng để các bạn phát huy tư duy nhạy bén, tinh thần sáng tạo để cho ra đời những giải pháp công nghệ thiết thực”.
Không chỉ sở hữu điểm số cao nhất tại Bán kết “HUTECH Startup Wings 2019”, dự án thiết thực của cậu sinh viên Công nghệ thông tin Lê Duy Khánh đồng thời cũng nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nhân thuộc Hội đồng đầu tư. Với mục tiêu thực tế, hướng phát triển rộng và tiềm năng hoàn thiện cao, “Thiết bị giúp trẻ tự học” được kỳ vọng sẽ là một sản phẩm hiệu quả để hỗ trợ giáo dục trong thời công nghệ!