Hành trình tìm công lý cho những đứa bé bị xâm hại vô tình trở nên khó khăn khi chính người trong cuộc cũng cảm thấy ngại ngùng khi câu chuyện bị lôi ra ánh sáng.
Bao nhiêu vụ án xâm hại bị chìm xuồng vì gia đình nạn nhân không hợp tác, không cung cấp lời khai thậm chí làm đơn bãi miễn, từ chối báo chí, cơ quan điều tra?
Thủ phạm ngạo nghễ trả lời: “Hiểu nhầm! Tôi chỉ nựng vì quý mến bé”, gia đình nạn nhân lí nhí theo “Hiểu nhầm thôi! Chúng tôi không có ý kiến gì”. Cơ quan điều tra, trong nhiều trường hợp, bó tay vì không đủ chứng cứ, cơ sở. Báo chí vào cuộc thì bị từ chối trả lời. Thậm chí nhiều người dân muốn giúp nhưng người nhà nạn nhân đóng cửa im ỉm. Tại sao thế?
Bạn bè, đồng nghiệp của tôi khi tham gia, theo đuổi những vụ án xâm hại vẫn thường ngao ngán kể chuyện về sự bất hợp tác của nhiều gia đình nạn nhân.
Phần vì quá trình điều tra, tìm chứng cứ trong các vụ dâm ô, xâm hại mất rất nhiều thời gian và đôi khi là rất tế nhị với nạn nhân là các bé nhút nhát, cho lời khai tiền hậu bất nhất và rất dễ bị tác động chuyển hướng.
Phần vì nhiều bậc cha mẹ quan niệm “thôi thì việc xảy ra đã xảy ra rồi” mà buông xuôi, bỏ dở vì mất công mất việc chưa chắc đã làm được gì. Cái cảnh đưa con đi lại, cho lời khai, làm hồ sơ… đôi khi khiến nhiều cha mẹ oải. Kể cả khi con bị xâm hại tình dục chứ đừng nói là chỉ mới bị dâm ô, sờ mó. Đặc biệt là nếu nạn nhân là bé trai, nhiều cha mẹ vẫn “hồn nhiên” cho rằng “có mất mát gì đâu”.
Trường hợp 7 nam sinh bị thầy giáo dâm ô ở trường THCS Trần Phú, Q Hoàng Mai HN mới đây là một ví dụ. Những thông tin ngoài lề chưa được kiểm chứng cho thấy một tâm lý như thế.
“Thầy giáo chỉ sờ soạng tí có mất mát gì đâu? Con trai mà”.
Với nhiều vị phụ huynh có con trai, việc con họ bị các bác già đùa đùa “sờ chim đổi kẹo” chỉ bực bội tí rồi thôi. Hiếm có vụ nào các bậc phụ huynh đó vào cuộc, lên tiếng. Dường như chỉ có các bé gái mới đáng được bảo vệ, chứ bé trai thì bị coi nhẹ, nhẽ nào chỉ vì cái giới tính đứa được cởi trần công khai, đứa lại phải che chắn đủ đầy.
Thậm chí trong nhiều bài báo của tôi viết về kỹ năng phòng chống xâm hại, nhiều cha mẹ vào comment rằng “May quá con em là con trai”.
Thấp cổ nên bé họng, nhiều bậc phụ huynh chọn cách im lặng rồi đem con tránh xa thủ phạm. Vì lên tiếng thì xấu hổ mặc cảm (?). Đi đến đâu cũng bị mọi người xì xào “Đấy, con của ông bà kia bị xâm hại đấy. Khổ không”.
Nhiều cha mẹ viện lý do: “Bây giờ lên báo sau này con tôi làm sao lấy chồng?”. Rồi sau đó im lặng, giấu tiệt đi.
Là còn chưa kể, trong nhiều trường hợp gia cảnh khó khăn, thủ phạm “bơm” cho ít tiền là có cha mẹ chép miệng “Thôi thì xảy ra đã xảy ra rồi. Cầm tiền cho qua đi”.
Họ luôn có cả tá lý do để bao biện cho việc mình cầm tiền bồi thường là vì nghĩ cho tương lai đứa trẻ. Thói quen “giải quyết mọi việc ổn thoả” bằng sự im lặng đã khiến nhiều thủ phạm thoát tội dù có khi khiến đứa trẻ mang bầu phải đi nạo phá thai.
Đấu tranh thì tránh đâu? Khi mà thủ phạm là một tay máu mặt, lắm tiền, nhiều của, tiếng nói rổn rảng. Từ tác động uy hiếp trên mọi mặt trận, bằng các mối quan hệ chằng chéo kiểu “Sếp của cậu chơi với bạn của bạn đàn em anh ấy. Kiện anh ấy thế nào cậu cũng mất việc. Chi bằng nhận tiền bồi thường đi, đừng làm to chuyện lên nữa. Chưa được vạ mà má đã sưng thì chết toi”.
Cha mẹ nào có con bị xâm hại rồi mới thấy những “thập diện mai phục” trên hành trình đi đòi lại công lý cho con. Chứ người ở ngoài nhìn vào hẳn cứ tưởng mọi thứ đơn giản là lên tiếng.
Cuộc chiến đòi công lý cho con vốn không dành cho những người cơm áo gạo tiền còn chưa lo đủ, không dành cho những người luôn cam chịu thân phận thấp cổ bé họng. Vì hành trình đi tìm công lý của họ sẽ luôn vấp phải những so đo, đong đếm lợi hại. Mà kẻ thủ ác lại có quá nhiều mưu hèn kế bẩn. Như “thầy giáo đó dạy giỏi, con mình không được học thầy đó thì thiệt cho con mình” nên dù con có bị thầy giáo dâm ô có khi cũng nhắm mắt cho qua. Vì vào học trường đó là tốt lắm rồi, lên tiếng lỡ con bị đuổi học, bị trù úm thì mất hết tương lai.
Xin chuyển trường nào cũng không bằng được, mà làm gì có tiền để đóng học những trường văn minh hơn? Vì ông ấy (thủ phạm) có mối quan hệ rất lớn, mình đấu sao lại? Cứ cắm đầu đấu có khi mất cả thu nhập thậm chí mạng sống.
Cuộc chiến đòi công lý cho con cũng bị tắc tị kể cả trong những người có tiếng, những cha mẹ coi trọng sĩ diện của bản thân trên cả sự tổn thương của con. Họ sẵn sàng chi cả trăm triệu ra để xoá sạch mọi dấu vết clip con họ bị xâm hại, miễn sao bố mẹ đừng bị bêu mặt lên báo chí. Coi như đó là một tai nạn không ai mong muốn. Sĩ diện của cha mẹ cao đến mức họ sẵn sàng đưa con họ đi du học nước ngoài để tránh cái nhìn soi mói của dư luận. Nhưng nhất quyết họ không tố giác tội phạm.
Cuộc chiến đòi lại công lý cho những đứa trẻ bị xâm hại còn bị chính thói vô cảm, độc ác của nhiều cư dân mạng cản trở. Là những comment ác ý kiểu “Cha mẹ gì để con bị xâm hại”. Là những bình luận đằng sau moi móc đời tư của cha mẹ nạn nhân hay chính nạn nhân ra buôn chuyện.
Sự vô cảm độc ác của nhiều người lớn đôi khi đáng sợ hơn cả chính việc làm của những thủ phạm. Vô cảm đến nỗi vụ xâm hại nào mà thủ phạm không phải là kẻ có chức tước, nếu chỉ là ông bán kẹo đầu hẻm, thằng bợm nhậu vô công rỗi nghề.. đều bị bỏ qua.
Họ chỉ lên tiếng nếu như thủ phạm là quan chức. Những bình luận kiểu “Thôi bỏ qua đi, đó chỉ là lão già đốn mạt. Ra đấm cho lão 1 trận rồi xong chứ bắt bỏ tù hay phạt vạ lão được gì đâu”.
Không!
Cuộc chiến đòi công lý cho những đứa trẻ bị xâm hại xin đừng là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, báo chí hay những KOL như tôi, mà là ở chính các bậc cha mẹ, những ai đang có con và những ai quan tâm đến sự an toàn của con em mình.
Xin hãy lên tiếng. Xin đừng so đo, đong đếm hay tự cho mình chỉ là hạt cát bé nhỏ không thay đổi được điều gì. Xin lên tiếng chứ đừng lớn tiếng rằng “Không phải con em chứ nó mà đụng vào con em thì em cho nó biết tay”. Xin lên tiếng chứ đừng đánh tiếng rằng “Nhìn những vụ xâm hại em thấy đau lòng không dám xem, không dám share”.
Xin lên tiếng chứ đừng im tiếng. Sự im tiếng của bạn hôm nay còn đáng sợ hơn những kẻ xâm hại trẻ em ngoài kia, làm ơn!
Phụ nữ, trẻ em phải được an toàn dù ở bất cứ nơi đâu. Hãy lên tiếng cùng aFamily trong chiến dịch “Quyền an toàn” để chặn đứng xâm hại, sàm sỡ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, vì một cộng đồng tốt đẹp hơn!
Đã đến lúc lên tiếng. Im lặng là thỏa hiệp với tội ác.
Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi tại ĐÂY hoặc qua email doisong@afamily.vn và Fanpage chính thức của aFamily để góp tiếng nói của mình vào chiến dịch này. Chúng tôi sẽ đảm bảo bí mật danh tính của bạn.