Thảo dược quý hỗ trợ trị ung thư, tiểu đường, huyết áp cao: Ở VN có nhiều, thường mọc dại

Dừa cạn không chỉ là loại hoa trang trí mà nó có thể hỗ trợ chữa bệnh đặc biệt là bệnh cao huyết áp, tiểu đường thậm chí giúp ngăn ngừa phòng bệnh ung thư.

Cây thuốc của bệnh nhân cao huyết áp

Ông Nguyễn Văn Vinh (73 tuổi, Gia Viễn, Ninh Bình) cho biết khoảng 2 năm nay ông đã thay trà bằng nước uống từ cây dừa cạn khô để hỗ trợ bệnh cao huyết áp. Nhờ đó mà huyết áp của ông ổn định ít phải sử dụng thuốc.

Ông Vinh cho biết năm 2016, ông bị đau tức ngực và phải nằm viện cả tháng không đỡ. Sau đó, ông khám tại Viện Tim mạch Quốc gia nguyên nhân do hẹp mạch. Ông được tiến hành đặt stent. Có tiền sử cao huyết áp từ chục năm nay và lúc nào cũng phải sử dụng thuốc bên cạnh nhưng đôi khi vẫn quên không uống thuốc.

Trong lần nằm viện nghe những người bệnh kể về cây dừa cạn khô rất tốt cho người cao huyết áp nên ông mua về sử dụng và ông thấy hiệu quả huyết áp ổn định hơn.

Thảo dược quý hỗ trợ trị ung thư, tiểu đường, huyết áp cao: Ở VN có nhiều, thường mọc dại  - Ảnh 1.

Cây dừa cạn phơi khô dùng nấu nước uống thay nước trà

Hay như trường hợp của chị Đặng K.O (56 tuổi, Phan Thiết, Bình Thuận) bị ung thư vú giai đoạn đầu đã phẫu thuật triệt căn. Sau đó chị O được mách uống nước dừa cạn và chị đã uống nước dừa cạn thay thế trà nhiều năm liền. Trong quá trình điều trị, chị O có uống thêm nước dừa cạn.

Tới nay, bệnh ung thư của chị đã không có dấu hiệu tái phát. Chị O. cho biết chị thường xuyên đi kiểm tra và không thấy dấu hiệu nào của bệnh.

Dừa cạn thảo dược quý

Theo bác sĩ Nguyễn Khánh Toàn – Khoa Đông Y, Bệnh Viện Trung ương Quân đội 108 dừa cạn có tên khoa học là Catharanthus roseus (L.) G. Don., thuộc họ Trúc đào Apocynaceae. Trong dân gian, còn gọi là trường xuân, hoa hải đằng, bông dừa, dương giác…

Cây dừa cạn cao chừng 0,4 – 0,8m, có bộ rễ rất phát triển, thân gỗ ở phía gốc, mềm ở phần trên, mọc thành bụi dày, có cành đứng. Lá mọc đối, thuôn dài, đầu lá hơi nhọn, phía cuống hẹp nhọn, dài 3 – 8 cm, rộng 1 – 2,5 cm. Hoa trắng hoặc hồng, mùi thơm, mọc riêng lẻ ở các kẽ lá phía trên.

Quả gồm hai đại, dài 2 – 4 cm, rộng 2 – 3 mm, mọc thẳng đứng, hơi ngả sang hai bên, trên vỏ có vạch dọc, đầu quả hơi tù, bên trong chứa 12 – 20 hạt nhỏ màu nâu nhạt, hình trứng, trên mặt hạt có các hột nổi thành đường chạy dọc.

Thảo dược quý hỗ trợ trị ung thư, tiểu đường, huyết áp cao: Ở VN có nhiều, thường mọc dại  - Ảnh 2.

Không chỉ là loài hoa, loại cây này còn là thảo dược quý

Giáo sư Phạm Xuân Sinh – Nguyên giảng viên đại học Dược, Hà Nội cho biết thêm theo quan niệm của đông y cây Dừa Cạn có vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng hỗ trợ phòng chống ung thư, trấn tĩnh, an thần, hạ huyết áp, thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tiêu thũng.

Dừa cạn được nghiên cứu làm thuốc kìm hãm sự phát triển tế bào và được chỉ định trong điều trị bệnh Hodgkin (một loại ung thư hệ bạch huyết).

Những thực nghiệm lâm sàng cho thấy, chiết xuất vinplastin, vincristin có tác dụng làm giảm bạch cầu, ức chế mạnh sự phân bào. Tuy nhiên, để chiết xuất thì phải cần một lượng dừa cạn lớn.

Hiện nay, người ta đã tìm cách sinh tổng hợp hoặc bán tổng hợp hai loại alkaloid trên để giảm giá thành của thuốc.

“Dừa cạn trồng ở Việt Nam chứa khoảng 0,1 – 0,2% alkaloid toàn phần. Trong đó, loại hoa trắng có tỷ lệ hoạt chất cao nhất. Những người cao huyết áp có thể lấy toàn thân cây phơi khô, nấu nước hoặc hãm thành trà để trị cao huyết áp. Tuy nhiên không nên dùng quá 50g mỗi ngày” – GS Sinh khuyến cáo.

Bác sĩ Toàn cho biết theo nghiên cứu của dược học hiện đại dừa cạn có tác dụng chống ung thư, làm hạ huyết áp và đường máu, lợi niệu và kháng khuẩn. Theo kinh nghiệm của y học dân gian một số nước, rễ dừa cạn có tác dụng tẩy giun và chữa sốt. Thân và lá được dùng để chữa một số bệnh ngoài da và nhất là chữa bệnh tiểu đường.

Kinh nghiệm dùng dừa cạn chữa bệnh tiểu đường cũng được ghi nhận ở Ấn độ, châu Úc, nam châu Phi, quần đảo Antilles, nhưng chứng minh bằng thực tế khoa học thì chưa có.

Những thực nghiệm trên chuột mà các nhà khoa học Canada đã phát hiện tác dụng làm giảm bạch cầu của một số chất tách được từ dừa cạn và dẫn đến sự phát hiện ra chất vincaleucoblastin và 3 ancaloid khác cũng có tác dụng chống u là leurosin, leurocristin và leurosidin.

Ngoài ra, người ta còn phát hiện tác dụng tẩy giun khá mạnh, tác dụng lợi tiểu của catharanthin, vindolinin và vindolidin, nhưng ajmalicin lại có tác dụng ngược lại.

TS Phạm Xuân Dũng – Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM cho biết chiết xuất từ dừa cạn có thể tổng hợp thành thuốc trị ung thư. Tuy nhiên cần một lượng rất lớn và không phải cứ dùng trà dừa cạn thì chữa được ung thư, bởi một liều tiêm vincristin, vinblastin có hàm lượng rất cao, việc dùng các thành phần này cũng dễ bị ngộ độc nên cần có sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Chính vì thế, người bệnh ung thư không tự bỏ điều trị uống dừa cạn thay thế thuốc khác. Người bệnh nên tuân thủ điều trị của bác sĩ, việc uống dừa cạn chỉ là bổ trợ sau điều trị.