Nhưng dự án SETI chưa tới ngày thành công, ông Paul Allen đã sớm ra đi.
Đầu tuần này, thế giới mất đi một nhân tài. Ông Paul Allen, người đồng sáng lập Microsoft đã qua đời vì ung thư ở tuổi 65. Thời điểm ông Allen ra đi, ông là cá nhân giàu thứ 47 trên thế giới, với giá trị tài sản ròng 26 tỷ USD. Những thập kỷ sau cuối của cuộc đời Paul Allen, ông dùng tài sản của mình để theo đuổi nhiều dự án kinh doanh và từ thiện.
Bên cạnh việc sở hữu một đội bóng bầu dục và một đội bóng rổ, ông thành lập viện nghiên cứu khoa học về não, một viện nghiên cứu AI và dựng nên Hệ thống Stratolaunch, tập trung vào nghiên cứu và thực hiện những chuyến du hành vũ trụ.
Thế nhưng, ngành ông để lại dấu ấn đậm nét bậc nhất lại là ngành chẳng mấy khi ông nhắc tới: tiến trình tìm kiếm trí tuệ ngoài hành tinh – SETI. Một tay ông cứu toàn bộ dự án SETI của Mỹ, bằng việc quyên góp vài chục triệu USD cho các nhà khoa học để họ tiếp tục dự án.
Những năm đầu của dự án SETI chất đầy những dự án tìm kiếm dấu hiệu của người ngoài hành tinh, được rót vốn bởi những quỹ chung: ví dụ như Quỹ Khoa học Quốc gia đã hậu thuẫn Đại học Bang Ohio, tìm ra được tín hiệu Wow! bí ẩn, có những dự án khác của những tổ chức danh tiếng như Đại học Harvard với Dự án Sentinel. Đầu những năm 1990, nhiều chương trình SETI chấm dứt. Hi vọng dồn hết cho NASA khi họ bắt đầu dự án SETI của riêng mình năm 1992, với cái tên Chương trình Quan sát Vi sóng.
NASA khởi động dự án chưa được một năm, thành viên Quốc hội Hoa Kỳ không muốn phí tiền vào “trò đuổi bắt với người Sao Hỏa” nữa. Viện SETI, tổ chức phi lợi nhuận do nhà thiên văn sóng vô tuyến Jom Tarter lập nên hồi năm 1984, không muốn tiến trình tìm kiếm người ngoài hành tinh SETI bị chấm dứt bởi những lời lẽ cay nghiệt của chính phủ. Nhưng họ cũng hiểu rằng cần tới những quỹ riêng bỏ tiền ra đóng góp thì mới có khả năng tiếp tục nghiên cứu.
May mắn thay, những cá nhân đã ủng hộ Viện SETI từ những ngày đầu có Barney Oliver, người sáng lập và giám đốc đương thời của phòng thí nghiệm Hewlett Packard. Năm 1993, ông Oliver liên lạc với Bill Hewlett và David Packard từ HP, Gordon Moore – nhà sáng lập Intel và Paul Allen, nhờ họ giúp đỡ.
“Chắc ông Barney chỉ mất vài tiếng để thuyết phục những cái tên lớn trong làng công nghệ, rằng họ sẽ quyên góp 1 triệu USD mỗi năm cho dự án SETI, trong suốt 5 năm tới“, ông Seth Shostak, nhà thiên văn học lão làng tại Viện SETI nói với Motherboard. “Tôi không rõ họ có thực sự hứng thú với dự án SETI không, nhưng họ sẵn sàng đồng tình với bất kì thứ gì ông Barney cho là đáng làm“.
Vậy là thành lập nên Dự án Phượng hoàng – Phoenix Project, một chương trình nghiên cứu SETI kéo dài từ năm 1995 tới 1998, với 20 triệu USD tiền vốn mới có. Trong 3 năm, Dự án Phượng hoàng thuê Đài thiên văn vô tuyến Parkes và Đài thiên văn Green Bank để quét tín hiệu từ 800 ngôi sao trong phạm vi 200 năm ánh sáng quanh Trái Đất.
Kết quả không tệ, nhưng Viện SETI vẫn phải đi thuê ngoài chứ chưa thể tự lực nghiên cứu. Các nhà thiên văn học hiểu rằng để đi được xa hơn, họ phải phải những thiết bị viễn vọng vô tuyến của riêng mình. Nhưng đã mất công mơ, tại sao không mơ cho bõ? Nếu có được hẳn một dàn thiết bị, ta sẽ có hàng trăm con mắt cùng nhìn lên trời cao, một lúc nhìn được hàng trăm ngôi sao hoặc dùng cả trăm con mắt nhìn vào một điểm, để có độ chính xác cao nhất.
Liên tục từ năm 1998 tới năm 2000, Viện SETI đưa ra những giải pháp nhằm duy trì hoạt động trong vòng 2 thập kỷ tới. Họ tính toán ra rằng mình cần một dàn thiết bị viễn vọng gồm 350 cái, mỗi cái cao 6 mét, trải khắp một quãng đồng lớn. Nhưng ai sẽ là người đứng ra trả tiền cho thiết bị?
Ông Tarter nhớ tới công sức Paul Allen trong Dự án Phoenix và nhờ nhà tỉ phú trợ giúp tài chính mình lần nữa. Tính tới thời điểm năm 2000, Paul Allen đã quyên góp tổng cộng 25 triệu USD tiền túi để giúp Viện SETI xây dựng dàn radar hiện đại. Đó là cơ sở đầu tiên dành riêng cho tiến trình SETI trên đất Mỹ.
“Chúng tôi vui sướng tột cùng”, ông Shostak nói. “Trước thời điểm ấy, chúng tôi luôn phải đi mượn thiết bị. Cảm giác như ông giáo sư phải đi mượn kính hiển vi mỗi khi muốn nghiên cứu vậy. Không nghi ngờ gì, chính ông Paul đã cứu lấy nỗ lực SETI của người Mỹ“.
Số tiền cần để xây dựng một dàn 350 ăng-ten vô tuyến cao hơn mọi tính toán của Viện SETI. Vào lúc Dàn Thiết bị viễn vọng Allen bắt đầu hoạt động năm 2007, Viện SETI mới chỉ dựng được 42 thiết bị mà tiền quỹ ông Paul Allen quyên góp đã không còn nhiều.
Ông Shostak nhớ lại giây phút Paul Allen tại buổi lễ khánh thành, chính ông Allen là người “bấm nút khởi động hệ thống”. Tại buổi lễ, ông Shostak không có nhiều thời gian để trò chuyện cùng vị cứu tinh của cả dự án, nhưng những gì ông nghe được là quá đủ: khi được hỏi về thứ gì đã khiến Paul Allen hứng thú với SETI, ông Allen nói rằng ông đang tìm những cách ứng dụng công nghệ mới.
“Tôi nghĩ rằng ông chỉ nói vậy thôi, nhưng toàn bộ sự nghiệp của ông Allen đã chứng minh cho câu nói đó“, ông Shostak bùi ngùi nhớ lại. “Toàn bộ dàn thiết bị vô tuyến nằm gọn trong triết lý của Paul Allen“.
Suốt mười năm qua, Dàn Thiết bị viễn vọng Allen đã có những thành công và cũng một vài thật bại. Nó đã phân tích được 200 triệu tín hiệu từ hàng ngàn ngôi sao, khám phá và nghiên cứu những vụ bùng nổ sóng vô tuyến nhanh, tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trên thiên thạch Oumuamua bay ngang qua Trái Đất.
Năm 2011, tiến trình SETI bị gián đoạn do hết vốn. Ngay năm sau, đồng sáng lập Qualcomm là Franklin Antonio tiếp tục viện trợ để chương trình tìm kiếm người ngoài hành tinh tiếp diễn.
Shostak có nói rằng ông Allen chưa từng trở lại Viện SETI trong khoảng 10 năm trước ngày ông ra đi. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ dừng hứng thú với công cuộc nghiên cứu gian nan, Allen vẫn giữ liên lạc để biết Viện SETI đã và đang làm được những gì.
“Các nhà khoa học đều lạc quan rằng giờ họ đã có những công cụ tìm kiếm hiệu quả và xa hơn, mong muốn tìm thấy một hay nhiều nền văn minh nào đó ngoài kia cũng đang phát tín hiệu“, ông Allen nói trong một buổi phóng vấn với Tạp chí Discover. “Tôi nghĩ rằng ai cũng hiểu chằng đường đi còn rất dài, nhưng một khi ta đến đích thì …“.
Ông Paul Allen ngắt câu nói, để cho trí tưởng tượng tự bay xa. Ông tin vào ngày dự án SETI có được trái ngọt. Ông biết đích đến còn xa lắm nhưng chắc hẳn trong thâm tâm, ông mong mình sẽ còn sống để được chiêm ngưỡng thành quả. Ngày đó chưa tới, nhưng ông đã an nghỉ rồi.
Dự án SETI còn đó, viện nghiên cứu do ông cứu rỗi vẫn còn đó, dàn thiết bị mang tên ông vẫn đang hoạt động từng ngày. Các nhà khoa học sẽ không dừng lại cho tới khi hoàn thành được mục tiêu. Họ làm vậy cũng là để tưởng nhớ cá nhân đã giúp họ lúc khó khăn nhất.
Vĩnh biệt Paul Allen.